Doping và thuốc

HUY THỌ 25/09/2022 08:59 GMT+7

TTCT - Còn nhớ hồi năm 1994, khi HLV người Brazil Tavares dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam, ông đã tạo ra sự tiến bộ thần kỳ, rõ nét nhất là chuyện thể lực.


Doping và thuốc - Ảnh 1.

Ảnh: europa.eu

Còn nhớ hồi năm 1994, khi HLV người Brazil Tavares dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam, ông đã tạo ra sự tiến bộ thần kỳ, rõ nét nhất là chuyện thể lực. Hồi ấy, các phóng viên đeo bám đội tuyển đều biết trước mỗi buổi tập, ông Tavares phát cho mỗi cầu thủ một viên thuốc. 

Hỏi, ông chỉ cười cười và bảo chỉ là kẹo thôi mà! Còn với các cán bộ VFF đi theo đội tuyển, họ cũng chả mấy quan tâm. Những viên thuốc ấy mãi mãi là một bí mật. Câu chuyện đấy cho thấy thể thao Việt Nam tù mù về chuyện doping tới cỡ nào.

Nói về chuyện doping, ông Hoàng Vĩnh Giang - nhà quản lý thể thao nổi tiếng của Việt Nam - đã có một câu thế này: Thể thao thành tích cao là phải có thuốc!

Đúng, vấn đề là thuốc ấy có nằm trong danh sách cấm của WADA hay không?

Như lời "admin" của trang Cộng đồng khoa học thể thao Việt Nam, ông Lý Đại Nghĩa thì riêng ăn uống, dinh dưỡng tự nhiên giờ không còn đủ để cung cấp năng lượng cho VĐV thi đấu đỉnh cao nữa.

Ngay cả dân chơi thể thao nghiệp dư, chỉ tập chạy, tập gym…, với khối lượng vận động hơi cao một chút, họ cũng đã phải bổ sung tùm lum các thứ dinh dưỡng "thuốc" rồi, nếu không cơ thể sẽ "rút" lại vì năng lượng từ các bữa ăn không đủ và cũng không kịp để bù đắp - bổ sung để phát triển cơ chẳng hạn.

Nhưng sử dụng thuốc thế nào cho đúng, không có hại cho cơ thể (với dân chơi thể thao phong trào) và cả không vi phạm quy định của WADA (với dân chuyên nghiệp) là cả một khoa học lớn vô cùng phức tạp, đòi hỏi trước hết là sự nhìn nhận nghiêm túc về chuyện thuốc men, dinh dưỡng trong thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung.

Ở các nước tiên tiến, chuyện này đã được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường bậc phổ thông, nên họ mới gọi là "giáo dục thể chất", chứ không phải là "môn thể dục". Ở Việt Nam bây giờ cũng đã bắt đầu gọi môn này là "giáo dục thể chất", nhưng sự chú ý đến vấn đề dinh dưỡng - thuốc men như một khoa học trong thể thao còn quá ít ỏi.

Sự xem nhẹ này thể hiện ở ngay chính lãnh đạo ngành thể thao. Thế nên khi xảy ra sự cố 6 VĐV Việt Nam nghi dính doping ở SEA Games 31, người ta mới nhắn tin cho các phóng viên viết chuyện này là "phá ngành thể thao"!? Nghĩa là người ta đã không nhìn câu chuyện thuốc men, thực phẩm chức năng trong thể thao là vấn đề khoa học, tri thức, nhận thức.

Vì vậy, muốn đánh tan bóng ma doping cho thể thao Việt Nam, việc đầu tiên có lẽ là phải có "thuốc" cho lãnh đạo ngành thể thao đã.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận