Album dongvui harmony tập hợp tám bản rap đình đám của Đen Vâu được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng hơn 100 thành viên
Một trong những điều đáng trọng nhất ở Đen Vâu là anh đóng vai "cầu nối" giữa nhạc trẻ và những giá trị âm nhạc không mấy thân thuộc với lớp thị dân đương đại, anh hợp tác với Trần Tiến, với Nguyên Thảo, và giờ anh thu âm trực tiếp cùng một dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.
Một concept tuyệt vời, cho đến khi nó không còn tuyệt vời nữa.
Album dongvui harmony đã có một khởi đầu hứa hẹn, có thể làm ta nghĩ đến cả những giai điệu của Debussy, với lần lượt âm thanh tha thiết của tiếng kèn bassoon, tiếng đàn hạc, tiếng cello và dần cả dàn nhạc cùng bắt nhịp tạo thành một cung điện thanh âm, để rồi cung điện ấy đổ vỡ sau chỉ 1 phút 30 giây khi dàn hợp xướng đồng thanh: "Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em".
Không ai bảo dàn nhạc giao hưởng và một dàn hợp xướng thì phải luôn trang nghiêm và đứng đắn.
Đến Mozart cũng từng dùng những lời lẽ thô tục cho phần lời bản canon Leck mich im Arsch, và những ai không biết tiếng Đức có khi nghe bản nhạc ấy lại nghĩ các ca sĩ đang hát về chuyện gì khá nghiêm túc cũng nên.
Nhưng Mozart thì khác, Mozart đã lên đến đủ mọi đỉnh cao âm nhạc trước khi nô giỡn với âm nhạc. Không ai có thể hiểu sai thành ý của ông.
Đen - Trốn Tìm (dongvui harmony)
Còn với dongvui harmony, ta có cảm giác Đen Vâu đang mượn nhạc cổ điển làm vòng nguyệt quế đội lên những bản rap của mình - những bản nhạc vẫn còn loay hoay trong cái tôi cần được an ủi, cần được vỗ về của chính mình.
Điều đáng tiếc là dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng đã biểu diễn thật tuyệt vời.
Nhưng thật hoài phí khi nghe họ phải làm nền cho những câu hát về một nhân viên văn phòng chạy deadline hay một anh chàng đang cố ra vẻ "ngầu" để lấy lòng bạn gái, hay khi nghe dàn hợp xướng hát những câu như "Có một cái cây trong một cái vườn".
Câu hỏi là tại sao một câu hát như vậy lại cần đến cả một dàn hợp xướng? Tại sao những bài hát vốn chỉ nghe để "chill" lại phải cần cả một dàn giao hưởng?
Sức mạnh của nhạc giao hưởng nằm ở khả năng truyền tải những cảm xúc, thậm chí là ý niệm kỳ vĩ mà ngôn từ bất lực, nhưng những bản rap của Đen Vâu đâu còn lớp ý nghĩa nào bên dưới bề mặt con chữ để bày tỏ?
Sự phí phạm nằm ở chỗ đó. Không ai cần bỏ nấm truffle vào một bát canh rau muống để bát canh thêm nồng nàn.
Một trong những bài học đáng giá nhất mà nhạc cổ điển có thể dạy cho ta là trong câu chuyện khi Chopin phàn nàn rằng Liszt chơi nhạc của Chopin quá đỗi diêm dúa phô trương mà nhạc của Chopin đâu cần tới điều đó.
Ý Chopin là Liszt đang đặt mình lên trên âm nhạc, nhưng đâu có ai lớn hơn được âm nhạc, ngay cả người nghệ sĩ lỗi lạc như Liszt?
Đen Vâu vẫn rất cá tính, rất hay, rất thú vị. Nhưng khó nói như thế với âm nhạc lần này của anh.
Jay Z cũng từng rap với dàn nhạc giao hưởng. Kanye West cũng thế. Và cả Kendrick Lamar. Họ hát gì khi hòa giọng cùng một dàn nhạc cổ điển?
Jay Z hát toàn bộ album Reasonable Doubts, với những bản rap đi từ hiện thực đường phố tới hoài nghi chính trị.
Kanye West có một album Late Orchestration với dàn nhạc gồm 17 nhạc công nữ, trong đó anh chọn ra những nhạc phẩm về vấn nạn kim cương máu ở Sierra Leone, về chiến tranh, khủng bố, về sự cố gắng kết nối với Chúa Jesus.
Kendrick chọn These Walls, bản nhạc ẩn dụ về bức tường của lương tâm, của ham muốn, quyền lực và rồi cũng lại quay về với những chủ đề tôn giáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận