Đồng xu một ngàn tỉ

XÊ NHO 21/10/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Lâu lâu, ta lại nghe nói Chính phủ Mỹ sắp hết tiền, phải đóng cửa; lại có lúc nghe nước này kịch trần nợ công, phải ngưng hoạt động. Và chuyện này dẫn tới ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng hiến kế giải quyết vấn nạn trên bằng cách in một đồng tiền xu trị giá 1.000 tỉ đôla để tiêu cho thoải mái. Họ nói thiệt chứ không hề đùa giỡn hay mỉa mai gì cả.


 

Cũng như nhiều nước khác, Chính phủ nước Mỹ chi tiêu phải trong khuôn khổ ngân sách hằng năm do Quốc hội nước này thông qua. Năm tài khóa của nước này kết thúc vào ngày 30-9 hằng năm, sang ngày 1-10 là vào năm tài khóa mới. Nếu Quốc hội vì lý do gì đó chưa kịp thông qua ngân sách cho năm tài khóa mới, coi như nhiều cơ quan nước này bó tay không thể rút tiền từ ngân khố ra để chi tiêu.

Năm nay chuyện Chính phủ Mỹ đóng cửa vì chưa có ngân sách mới được tạm thời giải quyết bằng một đạo luật chữa cháy, gia hạn việc chi tiêu ngân sách đến ngày 3-12; tức hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội có thêm vài tháng tranh cãi về ngân sách cho năm sau, chủ yếu về quy mô gói kích cầu xây dựng hạ tầng để phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên khủng hoảng tiền bạc với Chính phủ Mỹ chưa hết: còn đó nỗi lo trần nợ công, một mốc giới hạn mà chỉ có Quốc hội nước này mới có quyền nâng lên hay tạm thời cho hoãn không áp dụng. Hai đảng chính trị ở Mỹ suốt ngày cãi nhau về chuyện nâng trần nợ công bởi mỗi bên đều gắn nó với các yêu sách riêng. 

Quyết định hoãn không áp dụng trần nợ công có hiệu lực trong hai năm (ký vào năm 2019) đã hết hạn vào tháng 7 năm nay. Vì thế Bộ Ngân khố nước này bó tay, không thể phát hành thêm trái phiếu, tức tiếp tục đi vay nợ về chi tiêu.

Nước Mỹ một khi không thể phát hành trái phiếu mới thì lấy đâu ra tiền để trả nợ khi trái phiếu cũ đáo hạn. Vì thế suốt mấy tuần qua báo chí Mỹ nhao nhao về khả năng “vỡ nợ” (default) của nước này, một chuyện kinh khủng nếu xảy ra thật.

Cũng như chuyện ngân sách, chuyện trần nợ công mới được giải quyết tạm bằng một đạo luật nâng trần này thêm 480 tỉ USD, đủ để Chính phủ Mỹ xoay xở đến đầu tháng 12 này. Như vậy cả hai bài toán ngân sách và nợ công chưa được giải quyết triệt để, chỉ trì hoãn được thêm vài tháng mà thôi.

Đó là vấn đề - thế còn giải pháp đồng xu một ngàn tỉ đôla?

Lại cũng giống như nhiều nước khác, Chính phủ nước Mỹ không thể tự dưng thoải mái in tiền để chi tiêu. Việc in tiền, nói đúng hơn là phát hành tiền mới do Cục Dự trữ liên bang nước này (Fed) đảm trách như vai trò của một ngân hàng trung ương. 

Chẳng hạn Chính phủ Mỹ cần 1 tỉ USD, họ sẽ phát hành 1 tỉ USD trái phiếu, đem bán số trái phiếu này cho Fed, Fed sẽ ghi có trong tài khoản của chính phủ thêm 1 tỉ USD. Khi báo chí nói Fed in tiền, chính là động tác ghi có này chứ không phải bấm nút cho máy in chạy rầm rập.

Việc in tiền giấy thật sự cũng do Fed quản lý nhưng tiến hành in ấn là do Cục Khắc và in ấn trực thuộc Bộ Ngân khố. In xong, cục này giao cho Fed và chỉ nhận tiền công in ấn (chừng 4 xu/tờ tiền). 

Tiền giấy thì như thế nhưng tiền xu lại khác hoàn toàn: đúc tiền xu là trách nhiệm trực tiếp của Bộ Ngân khố, bộ này giao Cục Đúc tiền kim loại phụ trách và - đây là chi tiết quan trọng nhất - đúc xong cũng giao cho Fed nhưng Fed phải trả đúng theo mệnh giá của đồng xu. 

Tiền giấy - Chính phủ Mỹ không được quyền phát hành, nhưng tiền xu thì muốn đúc bao nhiêu cũng được. Điều luật này nguyên thủy là để Bộ Ngân khố toàn quyền in các loại tiền xu bằng platinum mang tính kỷ niệm hay tôn vinh một nhân vật nào đó. Vì luật không ghi mệnh giá tối đa nên mới có chuyện đúc đồng xu 1.000 tỉ đôla là vậy!

Đến đây, ta đã thấy sự khôn ngoan và lách luật của đề xuất đúc đồng xu một ngàn tỉ USD. Để giải quyết vướng mắc trần nợ công, Chính phủ Mỹ chỉ cần bảo Bộ Ngân khố nước này đúc một đồng xu bằng platinum ghi cho nó mệnh giá 1.000 tỉ USD, đem đồng xu này giao cho Fed.

Theo luật, Fed phải trả đúng theo mệnh giá, tức phải trả cho Chính phủ Mỹ 1.000 tỉ USD ghi có trong tài khoản, tha hồ chi tiêu không sợ thiếu tiền nữa. Chính nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cũng đồng ý với đề xuất này và viết cả một bài dài trên The New York Times vào đầu tháng 10 để thuyết phục dân chúng.

Chuyện đồng xu một ngàn tỉ USD này chỉ là biểu tượng vì trước sau gì Quốc hội Mỹ cũng phải giải quyết trần nợ công, không để Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ như thực tế tuần trước cho thấy. Bà Janet Yellen, bộ trưởng Ngân khố Mỹ, đã chính thức phản bác ý tưởng tận dụng khe hở luật pháp để tránh trần nợ công vì nó sẽ phá vỡ nguyên tắc độc lập của Fed.

Vấn đề còn lại là quan điểm tranh cãi giữa Đảng Cộng hòa - bên muốn dùng trần nợ công để gây sức ép buộc Chính phủ Mỹ giảm chi tiêu và Đảng Dân chủ - bên muốn tăng chi tiêu ngân sách cho các dự án hạ tầng để thúc đẩy kinh tế. 

Chưa biết bên nào đúng bên nào sai nhưng điều đáng nói là cũng Paul Krugman, vào tháng 3-2020, lúc D. Trump còn làm tổng thống, lại cho rằng ý tưởng đồng xu 1.000 tỉ USD là “một trò xảo thuật kế toán”, “không lừa được ai”. Nay Biden làm tổng thống và Krugman khuyên cứ đúc, một ngàn chứ mười ngàn cũng chả sao. Đúng là kinh tế học bất định!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận