Ý tưởng của nhà kinh tế học Paul Krugman là Bộ Tài chính Mỹ sử dụng thẩm quyền của mình để đúc một đồng xu bạch kim có mệnh giá 1.000 tỉ USD.
Đồng tiền này được gửi vào tài khoản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để thanh toán các hóa đơn, trong bối cảnh các nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc trong việc nâng trần nợ công.
Theo báo Guardian, Chính phủ Mỹ có thể dùng đồng xu ngàn tỉ này thế chấp tại Ngân hàng Trung ương Mỹ để tiếp tục thanh toán cho các dịch vụ như an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare... nhằm tránh vỡ nợ thảm khốc.
Khái niệm đúc đồng xu để thế chấp lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2011 như một giải pháp thay thế cho nâng trần nợ công.
Bất chấp một số người ủng hộ, nhưng cuối cùng Bộ Tài chính và Fed đã chính thức bác bỏ ý tưởng này vào năm 2013.
Ý tưởng đúc một đồng xu ngàn tỉ USD trở thành chủ đề bàn tán từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đang gặp muôn vàn khó khăn.
Một số nhà kinh tế đã chỉ trích giải pháp đồng xu trị giá 1.000 tỉ USD "không khả thi" và phi thực tế, có thể làm lạm phát trầm trọng hơn.
"Nhưng hoàn toàn không phải như vậy", ông Krugman nói lại trên Twitter vào ngày 3-5.
“Fed chắc chắn sẽ vô hiệu hóa bất kỳ tác động nào đối với cơ sở tiền tệ, bằng cách bán bớt một số danh mục nợ khổng lồ của Mỹ”, chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2008 nhận định.
Trong khi đó, thời hạn dự kiến Mỹ sẽ vỡ nợ đang đến gần hơn, trong khi các thỏa thuận giữa chính phủ với các nhà lập pháp về dỡ bỏ trần nợ công chưa có tiến triển.
Hôm 1-5, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo chính phủ có thể hết tiền và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ngay sau ngày 1-6.
Theo ông Krugman, nếu không thỏa thuận được với các nhà lập pháp, chính phủ có nhiều khả năng phát hành "trái phiếu cao cấp" để tránh vỡ nợ hơn là đúc một đồng xu trị giá 1.000 tỉ USD.
Song ông cũng thừa nhận có những ý kiến cho rằng Tòa án Tối cao sẽ chặn việc phát hành trái phiếu cao cấp.
"Tôi biết không ai muốn trở thành kẻ phá hủy nền kinh tế thế giới" - ông Krugman nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận