19/07/2014 12:06 GMT+7

Đồng vợ đồng chồng làm từ thiện

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Ở khu vực Thạnh Hòa, phường Hưng Phú, TP Cần Thơ có cặp vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hạnh (59 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệ (52 tuổi) đồng lòng hái thuốc nam làm từ thiện.

aa0uoaiF.jpg
Hai vợ chồng ông Hạnh phơi khô các loại cây thuốc - Ảnh: Minh Tâm

Hễ phòng thuốc cần loại thuốc gì, báo là hai người cấp tốc đi sưu tầm cây thuốc đó...

20 năm nay, hai vợ chồng lấy việc làm từ thiện này làm niềm vui cho mình và hạnh phúc cho mọi người.

"Chuyện lớn hay nhỏ, hai vợ chồng đồng bàn bạc kỹ. Nếu thất bại, người này không được giận dữ đổ thừa người kia, mà phải bình tâm tìm hướng giải quyết"

1

. 7g, những tia nắng tràn qua những tán lá theo bước chân hai vợ chồng trải sự ấm áp khắp khu vườn. Cả hai bắt đầu ngày mới bằng việc đem những bao thuốc nam ra sân phơi.

Họ lấy thuốc từ bao tải ra rải đều xuống mấy tấm bạt khiến khoảng sân rộng ngập đầy thuốc và thuốc. Rồi cả hai quay sang chặt những cây thuốc họ đã sưu tầm từ mấy hôm trước.

Ông cười tươi: “Bà ơi! Chặt xong hết mớ thuốc này, mình đi tầm cây nhãn lồng, săn máu... Dạo gần đây bệnh nhân tim, gan quá nhiều nên phòng thuốc từ thiện của chú Phúc ở khu vực 6 kêu tôi đi hái gấp các loại thuốc này”. Bà gật đầu: “Chắc ông phải qua Vĩnh Long, mà sao xứ đó nhiều cây nhãn lồng quá, hé ông?”.

Cứ vậy, họ thong dong vừa làm vừa rủ rỉ chuyện trò trong mùi thơm ngai ngái của cây thuốc đến gần đúng ngọ thì số thuốc cũng được chặt hết...

Chiều, bóng của họ lại sóng đôi đổ dài phủ xuống vườn rau khi ông xới đất, vun luống, còn bà tưới rau. Bà thổ lộ mấy đứa con gái lập gia đình ra riêng, chỉ còn lại đôi vợ chồng bà sống chủ yếu nhờ vườn rau, nhưng lại dồn hết thời gian dành cho sưu tầm thuốc bởi vợ chồng đồng quan niệm: “Vợ chồng già rồi ăn uống hổng có bao nhiêu. Cứu người quan trọng hơn”.

Thật vậy, chăm sóc vườn rau không bao lâu vợ chồng lại lo gom số thuốc vừa phơi nắng rồi phân ra: thuốc nào chưa khô mai phơi tiếp, thuốc nào khô đổ vào bao tải chất lên xe máy để ông chở đến phòng thuốc. Khi ông dùng dây cột bao tải vào xe rồi nổ máy chạy đến phòng thuốc nam từ thiện, bà ân cần dặn dò với theo: “Chạy chầm chậm nghe ông, đường sá giờ đông xe cộ lắm”. Ông gật đầu: “Ừ, bà yên tâm”. Ông đi khuất, bà lật đật vào bếp chuẩn bị cơm chiều.

2. Năm 22 tuổi, nhờ người dì mai mối, ông đến dạm hỏi bà để rồi từ đó duyên số khiến họ gắn kết chung tay lo ruộng lúa, vườn rau. Vợ chồng giống nhau từ tính siêng năng, cần kiệm đến chuyện quyết chí nuôi đàn con học đến nơi đến chốn. Tuy làm giỏi nhưng họ cũng lâm vào cảnh khó khăn khi liên tiếp vụ dưa hoàng kim trúng mùa thất giá, vụ mía trúng giá nhưng số tiền bán bị người mua giật sạch, vụ cải sắp thu hoạch thì bão quật nát...

Nợ giăng tứ phía, mấy đứa con thấy vậy xin nghỉ học kiếm tiền phụ giúp cha mẹ song hai vợ chồng gạt phắt. Họ quyết định bán đất rẫy trả nợ chứ nhất quyết không để con đứt ngang việc học.

Những tưởng bĩ cực rút lui, thái lai xuất hiện, không ngờ ông với bà nối tiếp nhau vướng bệnh.

Bà đau thần kinh tọa. Ông bị bệnh gan cộng thêm chứng mất ngủ triền miên khiến người gầy đét. Sau một thời gian chữa trị thuốc tây, bệnh thuyên giảm đôi chút nhưng số tiền tích cóp hết sạch khiến họ không thể tiếp tục việc chữa trị bởi nếu tiếp tục phải bán đất ruộng, gia đình sẽ sống ra sao, rồi việc học của các con?

Còn nếu không điều trị bệnh sẽ nặng thêm. Họ lún vào tuyệt vọng. Rồi hai vợ chồng bàn tới bàn lui, quyết định tìm đến chỗ hốt thuốc nam từ thiện. Duyên lành, gặp người bốc thuốc mát tay, hai vợ chồng hết bệnh, và cũng là khởi đầu cho cơ duyên vợ chồng họ đến với việc hái thuốc thiện nguyện này.

Ông trầm ngâm: “Những ngày điều trị bệnh, vợ chồng bác chứng kiến bao cảnh nghèo khó. Chỉ ở trong hoàn cảnh nghèo mới cám cảnh được nhau. Vợ chồng bác cũng muốn giúp đỡ người khác nhưng giúp bằng cách nào khi kinh tế mình chỉ vừa đủ ăn. Suy đi tính lại thấy chỉ có dùng công sức đi sưu tầm thuốc nam cho các phòng thuốc từ thiện là hợp nhất”. Vậy là cứ theo đơn “đặt hàng” của các phòng thuốc nam từ thiện, hai vợ chồng đi hái thuốc rồi đem về chặt nhỏ, phơi khô chở đến các nơi “đặt hàng”...

Ông bộc bạch vợ chồng đều xác định sống có ích, sống có phước đức để đem niềm vui ấm áp cho mình và hạnh phúc cho mọi người. Gia đình được như hôm nay là khi mới về chung sống, cả hai giao kèo: chuyện lớn hay nhỏ, hai vợ chồng đồng bàn bạc kỹ.

Nếu thất bại, người này không được giận dữ đổ thừa người kia, mà phải bình tâm tìm hướng giải quyết, sống theo nguyên tắc: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa suốt đời không khê”. Chuyện dạy con cái cũng vậy. Mấy chục năm chung sống họ giữ đúng lời hứa. Cứ vậy họ nuôi dưỡng ba đứa con nên người. Giờ các con đã lập gia đình xa, ai cũng ủng hộ việc sưu tầm thuốc nam của cha mẹ nhưng khuyên cha mẹ đừng làm vườn nữa để họ gửi tiền về chu cấp. Song ông bà không đồng ý bởi hồi nào giờ vợ chồng “làm quen rồi, ở không chịu không được”.

Thay vào đó ông bà muốn các con giúp đỡ, san sẻ với mọi người trong việc làm từ thiện như mua nhu yếu phẩm, gạo tặng người nghèo hay đóng góp ít tiền làm chi phí sưu tầm thuốc ở tỉnh xa. Điều làm ông bà vui mừng nhất là con cái rất hiếu thảo, nghe lời cha mẹ. Thấy con cái như vậy, vợ chồng càng an tâm chú tâm vào việc làm từ thiện. Ông cười khà khà: “Ngộ cái chuyện gì bác thích thì cứ ý như rằng bác gái cũng ưng bụng. Chuyện gì bác gái gật đầu thì bác cũng nghe theo. Nhất là trong chuyện làm từ thiện này”. Bà tiếp lời: “Nói thật, nhờ sưu tầm thuốc mà vợ chồng bác thấy thân tâm an lạc. Đêm ngủ rất ngon giấc”.

500kg thuốc cho các phòng thuốc mỗi tháng

Ông Võ Văn Lợi - trưởng khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ, quận Cái Răng - cho biết: “Hiếm có cặp vợ chồng nào như vợ chồng chú Hạnh suốt ngày chung tay làm từ thiện, hái thuốc nam giúp đời”.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc - trưởng phòng thuốc nam từ thiện của Hội Chữ thập đỏ khu vực 6, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều - cho biết: “Vợ chồng chú Hạnh hái thuốc nam làm từ thiện hơn mấy chục năm nay. Mỗi tháng vợ chồng cung cấp khoảng 500kg thuốc cho các phòng thuốc. Các loại cây thuốc đó đều được chúng tôi kiểm chứng và đưa vào sử dụng. Khi nào phòng thuốc thiếu loại cây gì thì chúng tôi nói vợ chồng chú Hạnh biết để hái loại thuốc đó. Cho dù xa mấy, hai vợ chồng chú cũng tìm cho bằng được. Chẳng hạn như sang Vĩnh Long tìm cây nhãn lồng, cỏ mực... Thậm chí có những loại thuốc ở Bạc Liêu mới có, chú Hạnh cũng cố công đi tìm. Vậy mà khi chúng tôi ngỏ ý hỗ trợ tiền xăng, cả hai đều từ chối. Nhờ có nhiều người như vợ chồng chú mà phòng thuốc mới đủ thuốc hốt miễn phí cho bà con”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên