VND đang lên giá so với USD - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngày hôm nay (18-9), giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank ở mức 22.870 đồng/USD. Nếu so với đầu tháng 8, giá USD đã bốc hơi 180 đồng/USD. Còn so với mốc đầu tháng 6, giá USD giảm đến 275 đồng/USD.
Trong khi đó mức giá USD niêm yết tại Vietcombank vào đầu tháng 1 năm nay là 23.215 đồng/USD. Như vậy tính chung trong vòng gần 9 tháng qua, 1 USD đã giảm 345 đồng, tương đương khoảng 1,47%.
Giá bán USD tại các ngân hàng khác cũng liên tục đi xuống. Như tại Eximbank giá bán USD ngày hôm nay ở mức 22.850 đồng/USD, thấp hơn 20 đồng/USD so với giá bán USD tại Vietcombank. Giá mua USD tiền mặt ở mức 22.670 đồng/USD.
Điều đáng chú ý là những tháng gần đây Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm giá mua USD.
Như hồi tháng 6, Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua USD kỳ hạn 6 tháng tới 150 đồng, từ 23.125 đồng/USD xuống còn 22.975 đồng/USD. Đến ngày 11-8, Ngân hàng Nhà nước lại hạ giá mua USD xuống mức 22.750 đồng/USD. Như vậy mức giảm tổng cộng lên tới 375 đồng/USD.
Từ thời điểm đó tỉ giá USD liên tục vận động theo xu hướng giảm cho đến nay. Diễn biến này trái ngược so với những năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so với USD, nhất là ở những tháng cuối năm. Mức độ cắt giảm cho đến nay cũng được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến.
Theo ông Ngô Đăng Khoa - giám đốc khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam, xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước sau khi Việt Nam - Mỹ đạt thỏa thuận liên quan chính sách tỉ giá.
Nhưng liệu xu hướng giảm giá của đồng USD có tiếp tục vào năm sau? Theo dự báo của HSBC Việt Nam, bước sang năm 2022, tỉ giá USD sẽ đảo chiều về mức 23.000 đồng/USD trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại. VND có thể đứng trước áp lực USD mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ suy yếu hơn.
"Năm 2021, tiền đồng đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với FED. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm sau.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, nền kinh tế đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng kịch bản hoạt động và hoạch định chiến lược kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỉ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt", ông Khoa khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận