Dòng văn học Việt "ngoại nhập"

NGUYỄN KHẮC PHÊ 28/10/2008 16:10 GMT+7

TTCT - Những năm gần đây, ngoài các sáng tác của lớp nhà văn ở miền Nam trước 1975 hiện sống ở nước ngoài và phần nhiều in ở nước ngoài (chỉ một số ít được in trong nước như tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác...), có hiện tượng một số người Việt (không phải là “thuyền nhân” di tản) định cư ở nước ngoài sau 1975 để làm ăn hoặc vì hoàn cảnh gia đình riêng đã trở thành những cây bút rất đáng chú ý.

Phóng to

Điều khá đặc biệt - nếu tôi không nhầm - đa số họ là phụ nữ. Nhiều tác phẩm của họ được đăng tải trong nước, được bạn đọc đón nhận một cách trọng thị. Gần đây nhất là MC. Ammond Nguyen Thi Tu (Nguyễn Thị Tư - từng hoạt động văn nghệ ở Đồng Nai, Quy Nhơn), hiện sống cùng gia đình ở Canada, với các truyện ngắn được giới thiệu khá liên tục trên báo Văn Nghệ và tạp chí Nhà Văn (Hội Nhà văn VN). Được đánh giá cao một cách “chính thống” hơn cả là Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết Và khi tro bụi (giải thưởng văn xuôi duy nhất năm 2007 của Hội Nhà văn VN); rồi Lê Ngọc Mai, tiến sĩ ngữ văn, nguyên giảng viên văn học Nga Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện sống ở Pháp, với Tìm trong nỗi nhớ (giải B cuộc thi tiểu thuyết lần 2 của Hội Nhà văn VN) và tiểu thuyết Trên đỉnh dốc (NXB Hội Nhà văn 2006). Đang là lưu học sinh ở Thượng Hải (Trung Quốc), năm 2006, Vũ Phương Nghi đã có tiểu thuyết Chuyện lan man đầu thế kỷ (NXB Lao Động) về cuộc đời một “hủ nữ” khá ấn tượng... Chưa nhiều, nhưng các cây bút này đã hợp thành một dòng riêng mà tôi tạm gọi là “văn học Việt ngoại nhập”.

Chat room
Chat room (NXB Văn Học và Công ty sách Phương Nam, 2008) - tập truyện ngắn của Minh Thùy - là một đóng góp đáng kể vào dòng văn học “ngoại nhập” này.

Điều dễ thấy hơn cả là những tác phẩm viết từ nước ngoài của Minh Thùy cũng như của các tác giả có hoàn cảnh tương tự dễ “nhập nội” có lẽ vì bản thân họ ít (hoặc không) gánh chịu những đau đớn và “ân oán” trong hai cuộc chiến tranh, và vì thế truyện của họ không có chuyện “địch - ta” và ít đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm là ý thức hệ. (Minh Thùy từng là sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, nguyên phóng viên ban kinh tế báo Tuổi Trẻ, hiện định cư ở Đức). Tác phẩm của họ thường là những câu chuyện tình - tình yêu nam nữ, tình đồng loại - đề tài muôn thuở mà vẫn không nhàm chán của văn chương. Nét khác biệt là những chuyện tình nơi xa xứ diễn ra trong bối cảnh bất đồng ngôn ngữ và văn hóa, vừa như là phép lạ hóa để hấp dẫn độc giả, vừa gợi những vấn đề có ý nghĩa nhân bản sâu xa.

Mặt khác, những tác giả như Minh Thùy do có điều kiện tiếp xúc thuận tiện với nhiều khuynh hướng nghệ thuật, và quan trọng hơn là sự lựa chọn (hay chấp nhận) cách sống “mở” với thế giới ngay từ lúc ra đi, nên tác phẩm của họ ít nhiều có giọng điệu mới mẻ. Một điều đáng ghi nhận là những đổi mới nghệ thuật của họ không “cực đoan” đến mức trình diễn những kiểu sắp đặt câu chữ không mấy người hiểu. Có phải bản tính nữ (mặc dù họ là những cây bút khá tiêu biểu cho trào lưu “âm thịnh” trong làng văn) đã giúp họ giữ được sự chừng mực, không đoạn tuyệt với “truyền thống”. Truyện của Minh Thùy có giọng điệu mới mà vẫn nhuần nhị, cảnh vật hết ở Đức lại sang Mỹ, nhân vật Tây, tiếng Tây không ít trong truyện nhưng vẫn gần gũi với người đọc trong nước.

Chat room gồm 11 truyện ngắn - trong đó Chuông gọi hồn đúng ra là một truyện vừa với dung lượng trên 50 trang chữ nhỏ, không gian và thời gian trong truyện trải dài từ xóm Nhà Đèn (Sài Gòn) thời chưa có Mỹ đến thành phố Marseille (Pháp) khi người Việt di tản đã thành cộng đồng bám rễ xứ người. Đây cũng là truyện duy nhất có dư âm chiến tranh với những “sở Mỹ”, quán bar, hàng PX (quân dụng Mỹ) và đôla đã làm biến dạng xóm Nhà Đèn, biến dạng nhiều số phận, khiến Lê Văn Cu - một thanh niên sống trong dòng tu gần với Chúa - giết chết một lính Mỹ vào lúc “chuông nhà thờ rộn rã ngân vang”... Tuy vậy, tên lính Mỹ không xuất hiện trong vai “kẻ địch” (hắn bất ngờ đến nhà Cu, cưỡng hiếp người chị của Cu...), mà chỉ là nhân chứng cuối cùng của cả một chuỗi con người tha hóa vì dục vọng, mà đau đớn thay, người đầu tiên khiến Cu đau đời lại chính là cha mình, kẻ đã bỏ mặc đứa con mang cái tên tạm bợ làm trò cười cho bạn bè.

Vì thế, về sau tuy sống ở xứ người, tiếng chuông nhà thờ vẫn ám ảnh khiến y sống biệt lập trong một căn hầm như nhà mồ và sau khi y treo cổ tự tử, người vợ hờ khám phá căn hầm bị điện giật chết khi muốn ngắt mạch điện tạo nên tiếng chuông quái đản thường vọng ra từ “nấm mồ” sống này. Những truyện còn lại trong tập nhẹ nhàng hơn, cũng có nhân vật tìm được hạnh phúc (như cô Oanh gặp được anh chàng người Đức từng sống chung với sinh viên VN, thuộc cả thơ Bút Tre “Anh đi công tác Pley.Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra”... - truyện Hơi bị... yêu em), nhiều trang văn rất tươi trẻ, nhưng bao trùm lên tất cả - nói đúng hơn là đọng lại sau những câu chuyện tình nơi xa xứ vẫn là nỗi buồn. Bởi tìm vợ tìm chồng mà chỉ để có Thẻ xanh hay Đi bước nữa (tựa đề hai truyện trong tập) chỉ để được bảo lãnh hay nhập quốc tịch Tây thì làm sao có hạnh phúc thật sự! Ngay cả truyện Chat room vui vẻ giữa mấy người bạn, kết cục cũng là sự thất vọng: cô Phượng vượt hành trình dài tìm gặp được bạn chat thì té ra đó là một ông già gác cổng cô đơn!

Ngẫm ra, phải sống xa quê hương là điều bất hạnh đeo đẳng con người ta suốt cả cuộc đời, cho dù cuộc sống sung túc. Và hình như ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế, những số phận bất hạnh chính là đất dụng võ của nhà văn...

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - May đi từ bảy ngày trước. Lần này, May không hề khóc. Mặt nàng bình thản.

- Em không thể sống thế này được. Em phải đi.

Tôi để cho nàng đi. Tôi biết May sẽ quay lại trong vòng một hai ngày, hoặc một tuần. Lâu nhất là một tuần. May là người Mỹ và coi mình là một người ngoan đạo. Một tuần là khoảng thời gian lâu nhất nàng có thể đi. Nàng đã từng làm thế một lần - gần Giáng sinh năm ngoái. Lần ấy, chúng tôi cãi nhau to vì tôi đã không “friendly” với những người ở nhà thờ của nàng. Chúng tôi đã đi picnic ở một công viên. Mọi người chuẩn bị đồ ăn, còn tôi ngồi trên ghế xem lũ trẻ chơi bóng. Khi đồ ăn chuẩn bị xong, họ cầu nguyện và chúng tôi ăn. Ăn xong, họ bắt đầu nói chuyện. Một người phụ nữ đứng tuổi kể chuyện Chúa đang giúp chồng bà ta bình phục sau một ca phẫu thuật cắt trĩ. Một người khác tạ ơn Chúa đã hàn gắn quan hệ giữa chị ta với người bố đã bỏ chị ta từ lúc năm tuổi. Một người nói về chuyện nghiện rượu. Đến lượt May, nàng nói rằng nàng tạ ơn Chúa vì đã mang tôi đến. May nói tôi luôn có những câu trả lời rõ ràng về cuộc sống, trong khi nàng hay lo lắng viển vông. Nàng nói tôi là cái mỏ neo, là mọi thứ trong cuộc đời nàng; nàng chỉ còn ước một điều là tôi cũng tin Chúa như nàng, để chúng tôi có thể là vợ chồng ở trên trần thế và cả khi về với nước Chúa...

May nói xong, mọi người đều mỉm cười và nhìn tôi. Tôi mỉm cười lại với họ. Tôi chờ một giây. Rồi một giây nữa. Khi những người xung quanh nhận ra tôi không định nói gì, họ liếc nhìn nhau rồi liếc nhìn May, rồi một người quay sang một phụ nữ trẻ và hỏi cô ta về người chồng đang làm nghĩa vụ ở Iraq.

Khi chúng tôi trở về nhà hôm đó, May nói rằng tôi đã coi thường “my people”(1).

- Anh bôi tro trát trấu vào mặt tôi - May nói - Anh đúng là loại châu Á vô thần máu lạnh. Anh thử nghĩ xem, chúng tôi đã đối xử với anh thế nào mà anh coi thường chúng tôi như thế?

May đã nói “chúng tôi”. Chúng tôi nào? Nàng không có lý do và cũng không có quyền nổi cáu với tôi về chuyện này. May biết rõ tôi không tin Chúa khi chúng tôi lấy nhau.

May còn gọi tôi bằng nhiều tên khác nữa ngoài “đồ vô thần máu lạnh”. Tôi chưa bao giờ thấy nàng giận dữ như thế. Tôi chẳng gọi nàng bằng tên gì cả. Tôi biết May. Tôi biết tất cả bọn họ. Chẳng cần phải gọi tên nào khác.

Hình như việc tôi không nói gì làm May càng tức giận. Nàng gào lên bằng thứ tiếng Mỹ rất hợp với các cuộc xô xát:

- Do you want me to die? Should I die to make you happy, you son of a bitch(2)?

Nàng nói xong thì lao đến gần cửa sổ như thể nàng sẽ nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Dĩ nhiên, May biết và tôi biết, nàng sẽ không nhảy.

Lúc ấy, tôi ngồi trên chiếc ghế dài tôi vẫn hay ngồi để xem vô tuyến; tôi biết tôi nên chạy đến ngăn nàng. Nhưng tôi quá mệt. Tôi chờ một giây trôi qua. Rồi một giây nữa. May nhìn tôi. Nàng không còn khóc. Mắt nàng đỏ nhưng ráo hoảnh. Bất thần, nàng đổ người xuống sàn nhà và cuộn mình lại như một con sâu. Sau đó, nàng bắt đầu những tiếng gào khan. Tôi nhìn May. Rồi tôi đứng lên khỏi ghế và nói:

- For God’s sake, can you cut the crap(3)?

Nhưng May không còn nghe tôi nói nữa.

Phóng to
Phan Việt tên thật là Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000, rồi sang Mỹ học cao học về ngành truyền thông, sau đó theo học chương trình tiến sĩ về chính sách xã hội ở Chicago. Cô từng đoạt giải nhì Văn học tuổi 20 lần III (báo Tuổi Trẻ). Cô cũng là một tác giả của “dòng văn học Việt ngoại nhập”.

Tôi mở cửa thò đầu ra ngoài để hứng gió lạnh rồi quyết định đi dạo một vòng. Tôi đã định đi bộ ra tận bờ hồ Michigan, nhưng chỉ đến cuối phố 57, tôi ghé vào quán cà phê Istria và ngồi đó cho đến lúc bắt đầu lên đèn mới về nhà. Khi tôi bước vào nhà, tôi biết là May đã đi. Nàng cầm theo túi xách, đồ trang điểm trên bàn phấn và điện thoại di động. Nhưng nàng không trả lời điện thoại khi tôi gọi.

Bảy ngày trôi qua, rồi May gửi email cho tôi. Nàng nói: “Em sẽ về nhà. Chúng ta cần nói chuyện”. Tôi trả lời nàng ngay lập tức. Tôi nói: “Em về đi. Chúng ta sẽ nói chuyện”.

Nhưng chúng tôi không hề nói chuyện lần đó. Khi tôi nhìn thấy nàng bước qua cửa, tôi bước tới ôm lấy nàng. Chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đã xảy ra.

Nhưng lần này, May không hề khóc. Nàng không mang gì theo cả.

- Em phải đi - May chỉ nói mỗi thế và bước ra cửa.

- Phải đi? - tôi nói.

- Anh chẳng tin bất cứ thứ gì - nàng nói - Anh không bao giờ tin em. Em không quan tâm nếu cả thế giới này không tin em. Nhưng anh là chồng em. Vì Chúa, anh là chồng em!

***

May đã sai.

Tôi tin nhiều thứ.

Tôi tin vào cái chết. Cha tôi chết trước khi tôi ra đời. Mẹ tôi nói hai người gặp nhau năm 1973 ở Hà Nội, khi cha tôi từ miền Nam ra tập kết. Họ làm đám cưới được 30 ngày thì cha tôi đi và không bao giờ trở lại. Tôi chỉ có một tấm ảnh đen trắng nhỏ của cha tôi và những câu chuyện mẹ tôi kể đi kể lại. Rất nhiều năm sau, trước khi quyết định đi bước nữa, mẹ tôi mời một bà đồng đến nhà. Bà ta gọi hồn cha tôi lên. Tôi nói chuyện với cha. Ông nói rằng ông đã luôn đi theo tôi kể từ khi tôi sinh ra. Ông nói ông sẽ luôn ở cùng tôi. Tôi đã kể cho May nghe chuyện này. Nàng nghĩ nó thật “freaky”(4).

Tôi cũng tin mẹ tôi sẽ làm mọi thứ vì tôi bởi mẹ tôi đã làm mọi thứ vì tôi. Suốt những năm 1980, mẹ tôi một mình nuôi tôi lớn lên ở Sơn Tây, nơi mẹ tôi xung phong lên công tác. Khi tôi bốn tuổi, mẹ tôi bắt đầu dạy tôi học. Đến khi tôi đi Mỹ học và lấy vợ, bà không muốn làm phiền tôi nên kiên quyết ở lại Việt Nam. Năm ngoái, khi mẹ tôi mất, tôi lập bàn thờ cho bà trong nhà. May rất bực chuyện này nhưng nàng vẫn để tôi làm. Có điều, nàng kiên quyết không cho tôi đốt hương mà chỉ được đốt nến trên bàn thờ. Nàng bảo hương sẽ ám vàng trần nhà.

Nhà văn Lê Văn Thảo, tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM (giám khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần III): “Phù phiếm truyện của Phan Việt có cách viết rất hiện đại. Phong cách viết của tác giả này khác hẳn, khác với các tác giả trong nước, do tác giả trải qua một quá trình giao lưu văn hóa. Đây là tập truyện hay, lạ của một tác giả có trình độ cao, có cái nhìn của một người tiếp xúc với nền văn minh tiên tiến”.

Tôi tin vào những năm tháng tuổi thơ và những bài học của ngày đó. Bạn bè của ngày đó. Trò chơi của ngày đó. Niềm vui của ngày đó. Những con đường đất đến trường. Những con cá mà tôi và lũ bạn bắt từ con suối cạnh nhà. Những trận đánh nhau trên sân trường và trong phố. Những gánh nước tôi phải giúp mẹ lấy về từ trạm nước máy duy nhất đầu phố. Những cuộc họp tổ dân phố - để sửa đường, để đến thăm người ốm, để nhắc nhở nhà ai đó đang lục đục...

Tôi tin vào kiến thức bởi vì chính nó đưa tôi đến chỗ này.

Tôi tin rằng mọi thứ xoay vòng. Tôi tin rằng cả vũ trụ này chỉ là một thể thống nhất, giống như nước, đá, tuyết và hơi nước đều chỉ là một. Như cha tôi chết nhưng thực ra không bao giờ chết. Tôi sẽ còn gặp lại cha tôi. Mọi thứ đều vận chuyển và xoay tròn. Thế thì tại sao phải lo? Tại sao phải sợ? Tại sao lại nổi cáu vì tôi đã không nói gì?

Và tôi chưa bao giờ hết tin. Tôi không hề làm gì cả. Tại sao người ta cứ nói với tôi rằng tôi không tin bất cứ cái gì? Nhất là May?

***

Tôi mặc áo khoác, đi ủng rồi đóng cửa và đi bộ ra ngoài đường. Dưới không độ. Trời khô nẻ, nhiều gió. Tôi quyết định đi vào hiệu sách Borders ở góc đường 53 cắt với Lake Park. Tôi lấy một quyển sách du lịch châu Á khỏi giá và ngồi đọc mục nói về Việt Nam. Họ in sai rất nhiều tên, dấu má lộn xộn, nhưng những tấm ảnh thì rất đẹp. Tôi không thể tin mình đã xa Việt Nam 13 năm. Tôi ngồi rất lâu chỉ xem những bức ảnh Việt Nam và đọc những chỉ dẫn du lịch trên đó. Họ bảo nếu đến Hà Nội, nhất định phải đến xem múa rối nước Thăng Long vì đó là kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới. Lần tới về Hà Nội, tôi sẽ thử.

Thế rồi tôi không thể nào đọc được nữa vì một nhóm người ở trong khu uống cà phê của hiệu sách bắt đầu nói rất to. Họ đã nói chuyện từ lúc nãy nhưng bây giờ cuộc nói chuyện leo thang thành một cuộc tranh luận gay gắt. Có bốn người tham gia cuộc tranh luận trong khi những người còn lại ngồi nghe. Tất cả họ đều là người da đen. Một trong số họ chắc là sinh viên cao học kinh tế của Đại học Chicago vì anh ta mặc một chiếc áo có chữ Uchicago/GSB ở trước ngực. Một người khác bán đĩa nhạc rong trên tàu điện ngầm - anh ta ôm khư khư một hộp đĩa CD trong lòng, anh ta vòng cả hai tay để giữ chúng. Người thứ ba ngồi cạnh một chồng sách cao, toàn sách luyện thi môi giới nhà đất. Và người thứ tư là một thằng bé.

Thằng bé khoảng 12 tuổi nhưng to lớn như một đô vật sumo. Tuy thế, khuôn mặt nó vẫn là mặt của một đứa trẻ. Nó không có cổ mà có một cái cằm ba ngấn xệ xuống thành cổ. Cả thân người đồ sộ của nó lút trong chiếc ghế bành màu đen rồi tràn ra ngoài thành ghế. Thằng bé mặc một cái áo len đen ở bên trong, bên ngoài là áo thể thao ngắn tay màu đỏ, rộng thùng thình, có in hàng chữ “Chicago White Sox” trước ngực. Khuôn mặt thằng bé đang đỏ lên vì tức giận. Rõ ràng nó đã rơi vào bẫy của ba người lớn kia mà không biết. Ba người lớn và những người ngồi xem xung quanh quan sát cuộc tranh luận một cách thích thú.

- Được rồi, thế tức là cháu biết là có Chúa? - người sinh viên hỏi.

- Phải, cháu biết là có Chúa - thằng bé nói, giọng khản đặc.

- Làm sao cháu biết chắc? Cháu nhìn thấy Chúa chưa? Cháu đã gặp Chúa chưa?

- Chưa.

- Thế thì làm sao cháu biết là Chúa tồn tại?

Thằng bé rõ ràng thất vọng và bực mình. Nhưng nó cố gắng kiên nhẫn.

- Thế này nhé... chú đã bao giờ nhìn thấy một triệu đôla chưa?

- Chưa. Chú chưa bao giờ nhìn thấy một triệu đôla - người sinh viên trả lời với một nụ cười.

- Nhưng chú biết là một triệu đôla có tồn tại, đúng không?

- Đúng, một triệu đôla có tồn tại.

- Thì đấy, Chúa cũng thế.

- Nào, nào, khoan đã - anh chàng bán đĩa CD xen vào - Tôi không nhìn thấy một triệu đôla bao giờ nhưng những người khác đã nhìn thấy. Tôi nhìn thấy một triệu đô trên vô tuyến. Em đã gặp ai nhìn thấy Chúa chưa? Em có nhìn thấy Chúa trên vô tuyến không?

- Không. Nhưng có người đã thấy Chúa. Như bà ngoại em. Bà ngoại em bảo bà nhìn thấy Chúa trong mơ. Năm ngoái, bà em trượt chân, Chúa còn chữa khỏi chân cho bà em.

- Đấy là bà em nói thế. Nhỡ bà em nói dối em thì sao? Mà bà em chỉ nhìn thấy Chúa trong mơ. Tôi còn mơ tôi biết bay, nhưng tôi đâu có bay được, đúng không?

- Bà em không bao giờ nói dối em! Không đời nào!

- OK, có thể bà em không nói dối. Có thể bà em nói thật. Nhưng đấy là sự thật của bà em. Giống như là anh mơ bay được ấy. Đấy là ảo giác. Em có biết từ “ảo giác” không? Em có biết nó nghĩa là gì không? “Ảo giác” là...

- Em biết thừa “ảo giác” là gì.

- Đấy, bà ngoại em cũng thế.... Có thể bà em đau chân nên bà em gặp ảo giác. Có thể não bà em lừa bà em.

Thằng bé suy nghĩ một lúc. Nó cắn môi. Rồi nó nói:

- Nhưng như thế thì các anh cũng không biết chắc là không có Chúa. Các anh cũng không thể nói chắc chắn được.

- Ừ, nhưng mà bọn anh có nói gì đâu - người sinh viên nói - Bọn anh biết hay không không quan trọng. Vấn đề là bọn anh đang hỏi là làm thế nào em biết là có Chúa.

- Em biết. Có thế thôi. Các anh chẳng hiểu được đâu.

Khuôn mặt thằng bé đã chuyển từ đỏ sang tái. Hai mắt nó tối sầm.

- Thì thế nên bọn anh đang cố hiểu - người sinh viên nói - Nghe này, bọn anh không định trêu em. Bọn anh chỉ đang cố hiểu.

- Nhưng em không cần các anh hiểu - giọng thằng bé đanh lại.

- Kìa kìa... thôi nào... nghe anh nói này...

Thằng bé hoang mang. Mặt nó chuyển từ đỏ sang tái, rồi lại chuyển sang đỏ. Hai tay nó bám chặt vào thành ghế.

- Nào nào, thôi nào - người sinh viên nói với những người xung quanh - Các anh thật là quá quắt. Các anh làm thằng bé giận rồi.

Những người còn lại lập tức cố nín cười nhưng họ vẫn còn tủm tỉm. Họ lại nhìn hau háu vào mặt thằng bé.

- Nghe này - người sinh viên nói với thằng bé - Họ không cười nhạo em đâu. Họ cười vì điều em vừa nói rất là hài hước. Em rất có khiếu hài hước, em có biết không? Rất hài hước đấy.

Thằng bé vẫn không trả lời. Nó liếc nhìn từng người một. Ai cũng mỉm cười và gật gật đầu khi nó nhìn. Thằng bé có vẻ nguôi nguôi. Người sinh viên lại hắng giọng:

- Được rồi, bây giờ nghiêm túc này. Nếu như có Chúa, nếu thực sự có Chúa, như em vừa nói với bọn anh, thì Chúa ở đâu?

- Khắp nơi!

- Khắp nơi? Tức là Chúa có trong phòng này?

- Dĩ nhiên.

- Chúa có trên ghế này không? - người sinh viên chỉ vào cái ghế bành mà thằng bé đang ngồi.

- Có.

- Chúa ở trong ghế này? Chính cái ghế này?

- Dĩ nhiên... Chắc thế...

- Sao lại chắc thế? Em bảo Chúa ở khắp nơi cơ mà.

- Thì Chúa ở khắp nơi.

- Nhưng em đang ngồi trong ghế này. Thế thì Chúa ở đâu? Hay em là Chúa? Em có phải là Chúa không?

- Không. Em không phải là Chúa. Nhưng Chúa ở trong em.

- À... ra thế... Chúa ở troooong em. Thế thì em có một phần Chúa?

- Em có linh thể của Chúa ở trong người.

- Nó như thế nào? - người bán đĩa lại chen vào - Có linh thể là như thế nào?

- Nhưng mà em có sống ở sân bay đâu - người luyện thi môi giới nhà đất nói.

Anh ta đã nói bằng giọng tỉnh bơ, nhưng rồi anh ta không nhịn được mà phá ra cười. Những người khác cũng lập tức mím môi để ngăn tiếng cười hoặc quay mặt đi.

Thằng bé im lặng nhìn lần lượt từng người. Mặt nó cứ đỏ dần đỏ dần lên, từ hai má lan sang hai tai. Đột nhiên, nó hét lên:

- Chúa ở đây. Chúa ở khắp nơi. Chúa ở trong tôi. Tại sao các người không chịu hiểu? Tại sao các người không nhìn thấy? Các người toàn là đồ ngốc. Toàn một lũ ngốc. Tại sao các người không chịu mở mắt ra mà nhìn?

Những người ngồi quanh lập tức trở nên hào hứng khác thường. Họ tranh nhau nói. Không ai còn nghe thấy tiếng ai. Người thì trấn an thằng bé. Người thì khuyến khích cổ vũ nó. Người thì cười. Họ nói chuyện với nhau. Người sinh viên cao giọng át tiếng ồn:

- Thôi nào, thôi nào, nếu em là Chúa, hoặc Chúa ở trong em như em vừa nói, thì nếu như em nhảy qua cửa, em sẽ không bị gãy chân, đúng không?

Trước khi bất cứ ai trong số họ kịp hiểu, thằng bé đã bật dậy khỏi ghế, chạy đến bên cửa ra bancông và trèo lên. Thằng bé quá nhanh so với thân người to béo của nó. Chỉ vài giây, nó đã ngồi trên bệ bancông, hai tay dang ra. Trong một khoảnh khắc, tất cả những người trong quán đều bất động. Họ chỉ nhìn chằm chằm vào thằng bé.

Thằng bé quay đầu nhìn lần lượt từng người một. Khuôn mặt nó không hề giận dữ, chỉ có hai môi mím chặt. Mắt nó ráo hoảnh. Nó nhìn lần lượt từng người. Không một ai cử động. Rồi thằng bé khẽ nâng người lên.

Lúc đó, tôi ngồi ngay cạnh cửa ra vào. Tôi không nghĩ gì cả. Tôi chỉ bật dậy và lao ra. Tôi vung hai tay tóm lấy chân thằng bé. Nó vẫn ở trên bệ bancông trong tư thế ngồi xổm. Nó giật mình khi thấy tôi ôm lấy chân nó. Nó giật mình hét lên một tiếng, rồi vung tay bám vào lan can. Khi nó nhận ra chuyện gì đang diễn ra, nó bắt đầu lấy hai tay đẩy vai tôi ngược trở lại. Nó cố đẩy tôi ra. Nó dùng hai nắm đấm để đấm vào tay, vào vai, vào đầu tôi. Nó thở hổn hển trong lúc đấm và đẩy tôi ngược trở lại. Bàn tay nó nhiều thịt, nó đẩy vụng về như một đô vật sumo trên màn hình vô tuyến quay chậm. Hơi thở của nó phà vào mặt tôi càng lúc càng mạnh. Nó đấm nhanh hơn. Nó đấm tôi thật sự - bằng những nắm đấm mạnh nhưng mềm vì đầy thịt. Và nó bắt đầu rủa tôi. Nó vừa rủa vừa xin tôi thả hai chân nó ra. Nó chửi tôi. Nó chửi ngày càng to và điên cuồng. Nhưng tôi nhất định không thả. Tôi vẫn ôm chặt hai chân nó.

Đằng sau tôi, những người đàn ông vừa nhìn hai chúng tôi vừa phá ra cười. Lần này, họ cười còn to hơn lần trước. Họ không còn phải cố nhịn nữa. Họ vỗ hai tay vào nhau; họ đập chân xuống sàn; họ đập vào vai nhau; họ gõ tay xuống mặt bàn, vào thành ghế. Họ đập những cuốn sách vào nhau. Họ cười ngặt nghẽo và cố nói qua tiếng cười.

- Ôi Chúa! - họ nói - Ôi đức mẹ Maria!

- Ôi đức Giêsu Kitô lòng lành - họ nói.

- Trời đất quỷ thần ơi - họ nói.

- Lạy Chúa cứu thế, nhìn xem kìa - họ nói.

- Ôi Chúa, hãy nhìn David và Goliath(5) kìa!

“Ôi Chúa!” - họ liên tục ôm bụng cười. Tôi không quan tâm. Tôi chỉ ôm chặt lấy hai chân thằng bé... Tôi cứ ôm chặt hai chân thằng bé...

_____________

(1) “Những người của nàng”. Ở đây có hàm ý tôn giáo vì Chúa phân biệt con cái của Chúa (gọi là “my people”) và những người ngoại đạo. Những thứ chơi chữ này rất khó diễn giải sang tiếng Việt.
(2) Anh muốn tôi chết hả? Chắc là tôi chết thì anh mới sung sướng, đồ chó?
(3) Vì Chúa, em thôi cái trò hề đó đi.
(4) Rùng rợn
(5) Tích nổi tiếng trong Kinh thánh: David nhỏ bé đánh bại người khổng lồ Goliath.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận