19/02/2018 11:07 GMT+7

Đông trùng hạ thảo Tây Tạng đến cao nguyên Lang Biang

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Đông trùng hạ thảo dòng Cordyceps sinensis phân bố chủ yếu ở Tây Tạng từ độ cao trên 3.500m so với mực nước biển, thường gọi là đông trùng hạ thảo dòng Tây Tạng.

Đông trùng hạ thảo Tây Tạng đến cao nguyên Lang Biang - Ảnh 1.

Một loài có hình thái phát triển "đông trùng hạ thảo" được tiến sĩ Trương Bình Nguyên tìm thấy tại Lang Biang - Ảnh: MAI VINH

Tiến sĩ Trương Bình Nguyên (viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học - Đại học Đà Lạt) công bố quốc tế nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo dòng Cordyceps sinensis. Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc nuôi cấy thành công dòng này.

Giới nghiên cứu khoa học xem tiến sĩ Trương Bình Nguyên như "ma rừng". Cao nguyên Lang Biang gần như không nơi nào không có dấu chân tiến sĩ Nguyên đi tìm nấm. 

Ông Nguyên nhớ lại khoảng năm 2006, trong một chuyến tìm hiểu về thảm thực vật ở gần đỉnh Lang Biang, ông tìm thấy một con sâu đã chết, ở phần đầu sâu có mầm trắng như hoa tuyết. Ông tò mò và hiểu ra đây là một loài nấm có hình thái phát triển tương tự đông trùng hạ thảo. 

Lần tìm các dữ liệu khoa học ít ỏi tại Việt Nam và tàng thư ở nhiều nước, ông tìm thấy một hướng đi mới: nuôi cấy sinh khối đông trùng hạ thảo có xuất xứ Tây Tạng (giống Cordyceps sinensis) ngay tại cao nguyên Lang Biang.

Tự nhìn nhận đó là một ý tưởng ngông cuồng, vì cao nguyên Lang Biang chỉ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, trong khi đông trùng hạ thảo Tây Tạng sinh trưởng ở độ cao hơn 3.500m và ký sinh trên những loài côn trùng cực kỳ khác lạ, tiến sĩ Nguyên vội vã trở lại Nhật.

Ngược thời gian, vào năm 2003, ông Nguyên khi đó đang là nhà khoa học của Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên, đi Nhật làm nghiên cứu sinh. Ông được giáo sư Akira Suzuki, chủ tịch Hiệp hội Nấm châu Á - Thái Bình Dương, giới thiệu nghiên cứu tại cơ sở khoa học của tiến sĩ Yamanaka, một cơ sở hàng đầu ở Nhật Bản về nấm ăn, nấm chế biến thực phẩm chức năng và dược liệu. 

Ông Yamanaka đã sang Việt Nam. Trang trại nấm nhỏ bé của ông Nguyên đã khiến ông Yamanaka chú ý. Ông Yamanaka ngạc nhiên vì ông Nguyên không trồng nấm trên toàn bộ diện tích của mình, mà lại làm hàng chục nhà nấm, mỗi nhà chỉ khoảng 20m2. Ông Yamanaka hỏi: "Anh Nguyên, sao anh lại làm những nhà nấm rất nhỏ trong một trang trại nhỏ? Tôi chưa thấy ở đâu cả".

Ông Nguyên gãi đầu giải thích: "Con phải làm thế để điều tiết lượng nấm sản xuất và bán ra ngoài mỗi ngày khoảng 40kg. Nếu trồng đồng loạt, có lúc thu bán ồ ạt hàng trăm ký nấm với giá rất thấp nhưng sẽ có lúc chẳng thu được gì cả". 

Ông Yamanaka vỗ tay thành tiếng, rồi cười: "Tao thích mày rồi đó Nguyên. Ở Nhật, họ không nghĩ ra chuyện này nên tìm cách bảo quản nấm để bán quanh năm suốt tháng, làm chất lượng nấm giảm đi nhiều". Bước ra khỏi trại nấm nho nhỏ, là sinh kế để ông Nguyên an tâm đi Nhật học tiến sĩ, ông Yamanaka nói: "Anh cần gì cứ nói, tôi sẽ giúp ". 

Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng với giáo sư Suzuki rằng ông muốn sản xuất đông trùng hạ thảo dòng Tây Tạng, giáo sư Suzuki hỏi thêm về phương pháp nghiên cứu rồi nói: "Yamanaka có thể giúp anh, ông ấy có giống đông trùng hạ thảo dòng Tây Tạng".

Ông Nguyên đi tìm người thầy hướng dẫn mình, đánh bạo nói cái khó trong nghiên cứu ông đang ấp ủ. Ông Yamanaka nhìn ông Nguyên rồi cười lớn, đắc ý: "Suzuki nói Nguyên phải không? Chỉ có ông ấy mới biết tôi có giống quý đó". 

Ông Yamanaka cho  người mang đến cho ông Nguyên hai hộp nhựa màu trắng, kèm theo đó là tờ giấy hướng dẫn chi tiết cách bảo quản nguồn giống. "Đó là lúc tôi cảm nhận nhiều về sức nặng của lời hứa thầy trò" - ông Nguyên nhớ lại và từ lời hứa ấy ông bắt đầu hành trình ngót nghét 10 năm nghiên cứu tìm dung dịch thức ăn và môi trường nhân tạo để nấm Cordyceps sinensis phát triển mà không cần vật chủ (côn trùng) ngay tại vùng Lang Biang có độ cao không tương đồng với Tây Tạng.

Tiến sĩ Nguyên đã tạo sự đặc biệt khi bào chế những nông sản Đà Lạt thành thức ăn phù hợp cho dòng đông trùng hạ thảo quý hiếm này. "Công trình đã công bố nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ dừng lại. Tôi cần tìm quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo dòng Tây Tạng ở quy mô công nghiệp, khi đó giá thành của loại dược liệu quý này sẽ giảm thấp, đa số người dân sẽ có điều kiện sử dụng". 

Đông trùng hạ thảo Tây Tạng đến cao nguyên Lang Biang - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trương Bình Nguyên kiểm tra sự phát triển sinh khối đông trùng hạ thảo dòng Cordyceps sinensis trong phòng nuôi cấy - Ảnh: MAI VINH

Đông trùng hạ thảo Tây Tạng đến cao nguyên Lang Biang - Ảnh 3.

Gần như mỗi tuần, tiến sĩ Trương Bình Nguyên đều cùng các học trò đi sâu vào những cánh rừng thuộc cao nguyên Lang Biang thực hiện các nghiên cứu về nấm - Ảnh: MAI VINH


MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên