Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online từ chiều đến tối muộn 24-7, khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chật kín phụ huynh ôm con nhỏ chờ làm thủ tục nhập viện vì mắc bệnh tay chân miệng.
Phụ huynh lo lắng, có người không giữ được bình tĩnh khi bệnh tình của con chuyển biến xấu rất nhanh, mới xuất viện lại phải nhập viện.
Đội ngũ y bác sĩ làm việc không ngưng tay. Người khám bệnh, đánh giá mức độ nặng cho trẻ. Người làm thủ tục cho trẻ nhập viện, hoàn thành hồ sơ bệnh án... Bên trong phòng cấp cứu 1 còn có gần 10 trẻ mắc tay chân miệng độ nặng được theo dõi sát sao.
"Con tôi có sao không bác sĩ? Sao bé vừa xuất viện sáng 24-7, sức khỏe đã bình thường, nói líu lo, còn chào bác sĩ, giờ bệnh nặng trở lại", chị T. bế con là bé T.N.B.T. (21 tháng tuổi, ngụ quận Bình Tân) đang sốt, người lừ đừ, lo lắng hỏi bác sĩ.
Dỗ dành bé Tuệ Ngân (hơn 1 tuổi) quấy khóc sau khi vượt đường xa từ Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhập viện vì mắc tay chân miệng, ba bé ướt đẫm mồ hôi, kiên nhẫn đợi đến lượt làm thủ tục nhập viện.
ThS.BS Phan Thị Thanh Hà (khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết ca trực bắt đầu từ 15h30 ngày 24-7 và kết thúc lúc 6h30 ngày 25-7 với 2 bác sĩ chính, 2-3 bác sĩ đang học việc, 5 điều dưỡng chính và 2 điều dưỡng tăng cường từ lúc 21h.
"Lúc vào ca chúng tôi nhận thông tin khoa đang điều trị 37 ca. Từ chiều đến gần 21h đã tiếp nhận thêm gần 30 ca", bác sĩ Hà thông tin nhanh rồi tiếp tục thăm khám, đánh giá trẻ mắc tay chân miệng mới đang chờ nhập viện.
Hơn 21h, khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn sáng đèn. Tiếng trẻ khóc, tiếng y bác sĩ trao đổi công việc, tiếng tít tít từ các thiết bị y tế không ngừng vang. Kíp trực vẫn miệt mài làm việc quên thời gian. Dù đã thấm mệt nhưng ai cũng cố gắng khám, điều trị bệnh nhi tốt nhất có thể.
Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 - chia sẻ trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong năm nay may mắn hơn nhiều so với trẻ mắc bệnh này vào vụ dịch lớn năm 2011 và 2018, khi bệnh viện đã có cơ sở vật chất, bác sĩ nhiều kinh nghiệm chữa trị...
Người đứng đầu khoa nhiễm - thần kinh cũng cho hay trước tình trạng gia tăng trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú, toàn bộ nhân viên y tế của khoa phải căng mình cứu chữa, làm việc xuyên đêm khi bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, dễ chuyển nặng.
Riêng bác sĩ Quy, dù là ngày nghỉ hay ngày cuối tuần nhưng ông vẫn đến khoa làm việc. "Ngày nghỉ, tôi vẫn vào khoa khám bệnh, giải quyết các ca xuất viện, nếu không sẽ gây ùn ứ lượng bệnh nhi tại khoa. Tôi xem khoa như là nhà của mình", bác sĩ Quy tâm sự.
Dự báo ca mắc tay chân miệng tiếp tục tăng, nguy cơ thiếu thuốc
Báo cáo Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh viện ở TP phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành khác chuyển đến (chiếm 60-80%), trong đó có những ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch. Ngành y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.
Về cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng tuy đã chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ của TP dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và TP luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận