Bắc Kạn là một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng cũng xây dựng được một tượng đài gọi là “Tượng đài Chiến thắng” với kinh phí 14 tỉ đồng từ năm 2015. Ngày 9-8 vừa qua, một em bé - không phải là lực sĩ nhé - leo lên chơi, chạm vào tượng đài đã khiến một phần tượng đài gãy đổ. Cháu bé phải vào nhà thương cấp cứu. Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh này giải thích: Tượng đài được làm bằng đá xanh từng phần rồi gắn keo để kết nối các phần lại. Ông nói thêm: “Trẻ con trèo rồi đu lên đầu tượng thì làm gì nó chẳng đổ”.
Khác với quan điểm của ông giám đốc sở, ông cục trưởng Cục Mỹ thuật và nhiếp ảnh Bộ VH-TT&DL lại nêu quan điểm một cách thẳng thừng: “Một đứa trẻ... va chạm thôi mà tượng đổ thì rõ ràng là kết cấu có vấn đề, thi công cũng có vấn đề”. Đại để là trẻ con mới chạm vào đã đổ thì không hiểu nếu có một vụ động đất nhẹ cỡ vài ba độ Richter, không hiểu cái quần thể 14 tỉ đồng đó có “thọ” nổi hay không?
Báo chí nhân cơ hội này bàn về chất lượng xây dựng các công trình tượng đài kỷ niệm. Từ tượng đài Điện Biên Phủ (Điện Biên) đến tượng đài Đông Triều (Quảng Ninh) qua tượng đài Nơ Trang Lơng (Đắk Nông) đều có vấn đề về chất lượng xây dựng. Chỗ nào vừa xây xong cũng nghe nói đến lên kế hoạch sửa chữa. Tệ hại nhất là đã có tình trạng tham ô, làm trái diễn ra khi xây dựng tượng đài Điện Biên Phủ khiến một số nhân vật phải đi tù.
Thế nhưng, cái đáng ngại nhất của những công trình tượng đài hôm nay lại là chất lượng nghệ thuật. Không hiểu làm sao, nghệ thuật tạo hình của các bên nhận xây dựng rất kém; hình tượng nhân vật chủ thể được xây dựng rất xấu, thậm chí là thô kệch một cách khó hiểu. Qua tay những nghệ sĩ tạo hình, những kiến trúc sư bài bản thì các bức tượng rất giàu tính nghệ thuật; còn qua tay các anh thợ đúc thì “nghệ thuật” tượng đài lại thảm hại đến khó nhìn. Bạn hãy xem (qua hình ảnh thôi nhé) tượng đài ở Bắc Kạn. Cũng là công, nông, binh, trí reo mừng chiến thắng nhưng gương mặt các chủ thể không có gì vui vẻ, hình tượng mỗi chủ thể cứng đơ. Còn cái cách xây tượng đài là tạo hình từng phần của cơ thể con người bằng đá rồi lấy keo gắn lại cho ra từng chủ thể thì nói thật trên thế giới không có cách “tạc tượng” nào kỳ cục như vậy.
Một điều cần nhớ là việc xây dựng tượng đài đụng chạm vào những tình cảm thiêng liêng, có khi là niềm tin tâm linh nơi con người. Bỏ ra hàng chục tỉ đồng xây dựng một tượng đài hay một quần thể thì dễ dàng nhưng khi tượng đài hay quần thể đó quá xấu về mặt mỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn thẩm mỹ của nhân dân hay quá tệ về mặt xây dựng thì ít ai dám đập bỏ. Hệ quả là nhân dân thường xuyên được “thưởng thức” những tác phẩm khô héo về tính nghệ thuật và dễ hư hao về kỹ thuật xây dựng.
Rõ ràng, nhiều địa phương lạm dụng tiền bạc của nhà nước và nhân dân, tạo ra những công trình kém về chất lượng kỹ thuật, xấu về mỹ thuật mà vẫn gọi nó là tượng đài hay quần thể tượng đài là không xứng đáng làm cái gọi là “bộ mặt địa phương”. Việc khoán trắng cho những nhà thầu thiếu lương tâm trách nhiệm và nghèo nàn về mỹ thuật đã tạo ra những công trình tào lao, dễ hư hại.
Nhân dân ta rất kính trọng những anh hùng, liệt sĩ, người có công; chỉ mong các công trình tượng đài được xây nên bền chắc với thời gian, khơi gợi được xúc động thẩm mỹ trong lòng người. Dùng đồng tiền hàng chục tỉ xây lên những công trình vô bổ, vừa dễ hư hỏng, vừa làm xấu các quãng trường thành phố, thị xã, thị trấn thì xây lên làm gì? Mà đất nước ta đâu có giàu sang lắm để xây dựng những công trình vô bổ rồi... không dám đập bỏ vì nó quá xấu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận