Buổi tối đi ngang qua một số tuyến đường, người ta có thể nhìn thấy một vài chị em phụ nữ đưa tay vẫy gọi các anh đàn ông chạy xe gắn máy. Báo chí với phép lịch sự cần thiết, gọi các chị em đó bằng cái ngữ danh từ hơi bóng bẩy một chút là gái bán hoa. Ngành lao động - xã hội gọi tên họ cụ thể hơn một chút là gái đứng đường. Việc của họ là chung chạ với một người đàn ông nào đó trong chốc lát để kiếm vài ba trăm ngàn đồng để trang trải cuộc sống. Nếu không may mắn, họ có thể bị cơ quan chức năng bắt quả tang. Trong trường hợp này, biên bản xử phạt hành chánh gọi họ là gái mại dâm. Người đàn ông bị gọi là khách mua dâm.
Một số người phụ nữ khác được trời phú cho nhan sắc xinh đẹp, từng tham dự một vài cuộc thi có tính văn hóa ở trong nước hay ngoài nước, đạt được một vài danh hiệu nhất định. Danh hiệu đó có thể là người mẫu thời trang, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp; kèm theo đó là tên gọi cuộc thi. Nếu họ chỉ đi một đường, làm một công việc phù hợp với danh hiệu mình đạt được thì quá tốt. Nếu họ lỡ yêu hoặc không yêu mà kết hợp với một người đàn ông có tiền bạc, có thế lực theo mô hình phổ biến “Già nhân ngãi, non vợ chồng” thì họ được gọi là kiều nữ. Người đàn ông ấy được gọi là đại gia.
Những đại gia đã có gia đình thường có khuynh hướng kết hợp với một kiều nữ để cho đời thêm lóng lánh, huê dạng. Điều này đang trở thành một mode sống của những người thành đạt. Pháp luật hôn nhân gia đình không cho phép họ cưới vợ hai; họ... tuân thủ pháp luật nên không cưới. Họ chỉ chung sống như vợ chồng với kiều nữ đó, bỏ ra một số tiền mua căn nhà cho kiều nữ ở, sắm chiếc xe cho kiều nữ đi... Những “mối tình” như thế này cũng có dấu hiệu của mại dâm – một thứ mại dâm cao cấp. Thế nhưng cơ quan chức năng không rảnh rỗi đâu mà tìm hiểu, kiểm tra kiều nữ và đại gia; trừ trường hợp giữa hai người phát sinh kiện tụng, đồng ý vác chiếu ra tòa.
Ở đây, tôi chỉ bàn về khía cạnh hình thức của tên gọi. Cùng là phụ nữ, cùng thực hiện một hành vi bán dâm như nhau; người phụ nữ nghèo bị gọi là gái bán dâm; người phụ nữ sang trọng, có danh hiệu lại được gọi là kiều nữ. Cùng là đàn ông, cùng thực hiện một hành vi dùng tiền mua dâm như nhau; người đàn ông qua đường kia bị gọi là khách mua dâm; người đàn ông có tiền, có quyền lại được gọi là đại gia. Nếu khách mua dâm và gái bán dâm có thể bị xử phạt hành chánh, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thì ngược lại, kiều nữ và đại gia chẳng ai bị phạt cái gì cả.
Chính đồng tiền đã quyết định tên gọi trong hai trường hợp này. Nói một cách rõ ràng hơn, hễ quan hệ tình dục mà ít tốn tiền thì bị gọi với tên gọi có vẻ khinh thị; quan hệ tình dục mà trả tiền nhiều thì được gọi có vẻ kính trọng. Ai cũng biết hai khái niệm “kiều nữ” và “đại gia” đều là tiếng lóng nhưng khi người ta gọi hai tiếng lóng ấy thì biểu hiện kính trọng đã có rồi. Đồng tiền có quyền lực ngầm khiến đại gia không thể bị gọi là người mua dâm và kiều nữ không thể bị gọi là kẻ bán dâm. Nói cách khác, tiền nhiều thì có vẻ “sang trọng” hơn, dù chỉ là sang trọng về tên gọi.
Vụ án một đại gia đề nghị truy tố một kiều nữ ra tòa với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang làm tốn giấy mực của nhiều tờ báo và đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Do đồng tiền có thể quyết định tên gọi nên tôi gọi đây là một vụ án sang trọng! Có lẽ ta cũng nên tự hào vì không chừng, toàn khối ASEAN chưa có được vụ án sang trọng như ở nước ta!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận