Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2024 vừa công bố, Petrolimex ghi nhận doanh thu 75.131 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Do giá vốn tăng nhưng với tốc độ thấp hơn, lãi gộp trong kỳ "ông lớn" ngành xăng dầu đạt gần 4.700 tỉ đồng, tăng 31%.
Về chi phí, ngoại trừ lãi vay giảm gần 17%, còn chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp quý này đều tăng lên.
Sau khi thoái vốn tại PGBank, phần lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm 26%, chỉ còn 110 tỉ đồng. Dù vậy, Petrolimex vẫn có một quý kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế đạt 1.441 tỉ đồng, tăng 72% so với quý 1-2023.
Lý giải mức tăng mạnh của lợi nhuận, đại diện Petrolimex cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả, sản lượng bán tăng so với cùng kỳ.
Cũng theo đại diện Petrolimex, nguồn cung năng lượng, giá dầu thế giới vừa qua không biến động mạnh như các năm, trong khi nguồn cung trong nước ổn định.
Về biến động giá, theo ghi nhận thị trường, từ ngày 4-1 đến nay, giá xăng có 11 lần tăng, 7 lần giảm. Còn mặt hàng dầu có 10 lần tăng, 8 lần giảm.
Kể từ đầu năm, xăng RON 95 đã đắt hơn 3.040 đồng, dầu thêm 1.240 đồng một lít.
Tại nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2024, Petrolimex "chốt" kế hoạch doanh thu hợp nhất 188.000 tỉ đồng, lãi trước thuế 2.900 tỉ đồng.
Như vậy, chỉ sau một quý, "ông lớn" ngành xăng dầu đã thực hiện được xấp xỉ 40% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lãi trước thuế.
Tuy nhiên, cũng cần thấy kế hoạch của Petrolimex đặt ra năm 2024 khá thận trọng, khi mục tiêu doanh thu cùng lợi nhuận trước thuế "đi lùi" 32% và 26% so với kết quả năm ngoái.
Tại bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Petrolimex hơn 80.732 tỉ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn 58.284 tỉ đồng. Tuy nhiên nợ ngắn hạn cũng lên tới 49.633 tỉ đồng.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện, đến cuối quý 1-2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn -1.398 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước -2.678 tỉ đồng.
Thông thường, đối tác chậm thanh toán dẫn tới khoản phải thu tăng lên hoặc hàng tồn kho lớn là những yếu tố khiến việc dòng tiền kinh doanh âm.
Đến cuối quý 1-2024, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex đạt 16.750 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 36%, lên 14.924 tỉ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong các khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn, có 2.619 tỉ đồng từ hãng hàng không Vietjet Air, tăng 8% so với đầu năm và chiếm 19% tổng khoản phải thu khách hàng ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận