
Ngành cấp nước lý giải tiền 702.000 đồng là phí mở nước - phí khôi phục dịch vụ cung cấp nước (sử dụng từ "phạt phí" do chậm đóng tiền nước là chưa chính xác). Ảnh minh họa công nhân bảo trì hệ thống cấp nước TP.HCM - Ảnh: TTO
Bạn đọc phản ánh về việc bị phạt do chậm đóng tiền nước ở ấp 1A, quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Người đứng tên hợp đồng mua bán nước sinh hoạt là bà H.T.T.L. - mẹ bạn đọc phản ánh. Địa chỉ này hiện đang cho thuê.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về trường hợp trên, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết sự việc này xảy ra vào năm 2024.
Thời điểm đó địa chỉ trên không thanh toán tiền nước sinh hoạt kỳ 9-10 năm 2024 và Xí nghiệp cấp nước Nông thôn đã gửi giấy báo tiền nước và nhắc nợ theo đúng thời gian quy định.
Nhưng sau đó khách hàng vẫn không thanh toán tiền nước sinh hoạt còn nợ.
Ngày 28-10-2024, đơn vị cấp nước đã tạm ngưng dịch vụ cấp nước bằng hình thức cắt ống D25, khóa nước bằng nút bít cao su (theo công nghệ Nhật Bản).
Sau khi tạm ngưng cung cấp nước, khách hàng (là người thuê nhà) đã liên hệ thanh toán hết nợ tiền nước sinh hoạt và chuyển khoản thanh toán phí mở nước 702.000 đồng vào trưa cùng ngày.
Xí nghiệp cấp nước Nông thôn đã khôi phục lại dịch vụ cấp nước ngay sau đó.
Vấn đề bạn đọc thắc mắc là vì sao đã trả tiền nước rồi mà vẫn "bị phạt" 702.000 đồng?
Theo giải thích của ngành cấp nước, số tiền 702.000 đồng là phí mở nước - phí khôi phục dịch vụ cung cấp nước (sử dụng từ "phạt phí" là chưa chính xác).
Sự việc tạm ngưng cung cấp nước và khôi phục dịch vụ cung cấp nước đã hoàn thành trong năm 2024.
Ngay khi nhận được phản ánh của báo Tuổi Trẻ, đơn vị cấp nước đã liên hệ với bà H.T.T.L. và ông V.C.B. - con trai bà L.. Qua giải thích, bà L. và ông B. đã hiểu và không có phản ảnh gì thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận