"Chúng tôi đang rời khỏi không gian bị chi phối bởi đồng USD và đang phát triển các cơ chế cùng công cụ cho một hệ thống tài chính thật sự độc lập", ông Morgulov phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 7 ở Bắc Kinh vào hôm 7-7.
Chưa có lộ trình chính thức
Đại sứ Nga tại Trung Quốc cũng nhấn mạnh các phần việc để hướng tới mục tiêu trên đang được triển khai, song khó có thể kỳ vọng sẽ có sự thay đổi ngay trong tương lai gần.
Đồng tiền chung BRICS được đánh giá hoàn toàn có thể làm lung lay vị thế vững chắc của đồng USD trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc thiếu lộ trình phát triển chính thức và nhiều khó khăn khác khiến các chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của đồng tiền này.
Đây không phải lần đầu tiên đại diện một nước thành viên BRICS lên tiếng về việc giảm tầm ảnh hưởng của đồng USD trong thương mại toàn cầu. Thực tế, ngay từ những năm đầu sau khi nhóm này thành lập vào năm 2009, việc phát hành đồng tiền chung để không phụ thuộc vào đồng USD đã là một trong những ưu tiên chính sách của BRICS.
Nỗ lực trên được nhắc đến nhiều hơn trong những năm gần đây khi Mỹ và các nước phương Tây tăng cường sử dụng đồng USD làm công cụ trừng phạt kinh tế của một số nước thành viên BRICS mà tiêu biểu là Nga và Trung Quốc.
Hơn nữa, việc tỉ giá giữa đồng USD với các đồng tiền khác liên tục tăng thời gian gần đây càng "tiếp lửa" cho mong muốn tách khỏi đồng USD. Xét theo tư cách tập thể, năm 2022 khối BRICS là nền kinh tế xuất siêu lên đến 387 tỉ USD. Do đó, việc đồng USD tăng giá có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của các nước này trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế - điều không nước nào mong đợi.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 năm 2022, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố nhóm này dự định sẽ phát hành "đồng tiền dự trữ toàn cầu mới" và sẵn sàng làm việc cởi mở với tất cả đối tác thiện chí.
Đến Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 vào tháng 8-2023, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đồng tiền chung BRICS nhằm giảm tác động của biến động tỉ giá đồng USD lên các nước thành viên nhóm này.
Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi trên, đến nay vẫn chưa có một lộ trình cụ thể chính thức nào cho việc phát hành đồng tiền chung BRICS.
Đồng tiền chung khối BRICS thách thức đồng USD
Theo tạp chí Foreign Policy, khác với các đồng tiền trong quá khứ, đồng BRICS hoàn toàn có khả năng làm lung lay vị trí của đồng USD trong thương mại quốc tế. Với việc xuất siêu lên đến hàng trăm tỉ USD, tự thân các nước BRICS đã có thể đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của nhau.
Về bản chất, BRICS là tập hợp các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới. Sự đa dạng vị trí địa lý khiến danh mục xuất khẩu hàng hóa các nước thành viên trong nhóm cũng rất khác nhau và bổ sung tốt cho nhau.
Đây là sự tương phản lớn với bất kỳ đồng tiền chung nào trước đó, tiêu biểu là đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). EU là tập hợp các nước có chung đường biên giới, dẫn đến điều kiện địa lý cũng tương đồng và tính bù trừ trong danh mục sản xuất giữa các nước kém hơn BRICS nhiều.
Chính tiềm năng giao thương to lớn giữa các nước BRICS mở ra không gian sử dụng khổng lồ cho đồng tiền chung của nhóm này. Hơn nữa, tiềm năng này không chỉ giới hạn trong chín nước thành viên hiện tại. Mỗi thành viên BRICS đều là đầu tàu kinh tế trong khu vực địa lý của mình, hoàn toàn có thể lôi kéo các quốc gia lân cận sử dụng đồng tiền chung của nhóm.
Tuy nhiên, việc thành lập đồng tiền chung không hề đơn giản. Giống như đồng euro và Ngân hàng trung ương châu Âu, một đồng tiền chung BRICS cũng cần có một ngân hàng trung ương đa quốc gia. Quá trình thành lập ngân hàng dạng này vô cùng phức tạp và tốn thời gian, song cũng không phải bất khả thi.
Vấn đề địa chính trị giữa một số nước thành viên BRICS cũng là điều cần cân nhắc. Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã luôn âm ỉ trong nhiều thập niên qua, trong khi Ai Cập và Ethiopia cũng có không ít mâu thuẫn lợi ích chiến lược liên quan đến nguồn nước sông Nile. Tuy nhiên, những lợi ích kinh tế BRICS mang lại một lần nữa có thể giúp các quốc gia vượt rào cản trên để tạo khu vực đồng tiền chung.
Hầu hết chuyên gia cho rằng dù đồng tiền chung BRICS có được các nước đón nhận rộng rãi thì vị thế số 1 của đồng USD trong thương mại quốc tế vẫn gần như không bị lay chuyển. Mỹ vẫn đang là nền kinh tế đứng đầu thế giới và tính uy tín, bền vững của đồng USD trong thương mại quốc tế đã được chứng minh và hoàn thiện trong nhiều thập niên.
Song nếu thành công thì đồng tiền chung BRICS vẫn hoàn toàn có thể thay đổi cục diện thương mại quốc tế khi biến trật tự tiền tệ toàn cầu từ chỗ đơn cực thành đa cực - một bước nhảy vọt trong tiến trình phi USD hóa.
Con dao hai lưỡi mang tên USD
Tạp chí Foreign Policy cho rằng dù là công cụ đắc lực để Washington củng cố vị thế siêu cường quốc tế của mình, đồng USD vẫn là con dao hai lưỡi nhiều người Mỹ cần dè chừng.
Một mặt, việc tăng giá đồng USD giúp Chính phủ Mỹ tăng độ "sát thương" của các biện pháp trừng phạt kinh tế lên nước khác. Mặt khác, đối tượng chịu tổn thương đầu tiên của động thái này lại có thể là chính người Mỹ.
Đồng USD tăng giá đồng nghĩa giá trị hàng hóa và dịch vụ Mỹ so với thế giới tăng, vô hình trung khiến kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến giảm số việc làm của người Mỹ và rộng hơn là nền kinh tế nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận