15/05/2016 08:28 GMT+7

Đồng tiền chưa đi liền quy hoạch

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Thông tin UBND tỉnh Bến Tre muốn phục hồi bến phà Rạch Miễu để phòng trường hợp quá tải hoặc có sự cố ở hai đầu cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cầu Rạch Miễu hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre bị ùn ứ xe dịp lễ 30-4 và 1-5 - Ảnh: Mậu Trường
Cầu Rạch Miễu hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre bị ùn ứ xe dịp lễ 30-4 và 1-5 - Ảnh: Mậu Trường

 Câu hỏi đặt ra: quy hoạch cầu như thế nào để giờ đây phải tính chữa cháy ùn tắc bằng... phà?

Hôm qua 14-5, ông Lê Văn Hoàng (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre) đã đi thực tế kiểm tra, lập dự toán trình UBND tỉnh về việc phục hồi phà.

Nỗi khổ... nhà nghèo

Ông Nguyễn Như Thạo (nguyên phó Ban quản lý dự án 7 - Bộ GTVT) là “tổng chỉ huy” công trình cầu Rạch Miễu nối liền tỉnh Tiền Giang - Bến Tre từ năm 2002-2009.

Nói về những dịp lễ tết cầu Rạch Miễu bị quá tải, ông Thạo nói: “Chuyện này Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 7 và hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã hình dung từ trước khi xây cầu lận. Hồi đó ai cũng muốn xây cầu có bốn làn xe vì biết chắc vài năm sau phương tiện sẽ tăng cao, nhưng khổ nỗi không có tiền nên phải liệu cơm gắp mắm”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng (nguyên giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang) cũng nói khi lập dự án đầu tư cầu Rạch Miễu, Bộ GTVT và hai tỉnh bàn rất nhiều. Tuy nhiên thời điểm đó ngân sách rất eo hẹp. Đó là lý do phải đầu tư bằng hình thức BOT, Nhà nước góp 40%, còn doanh nghiệp 60%.

“Ngày thường cầu Rạch Miễu không quá tải, chỉ có ngày lễ tết xe nhiều thì mới ùn tắc. Một là do mặt cầu hẹp, nhưng cũng có nguyên nhân việc thu phí tại trạm thu phí cầu Rạch Miễu khá chậm. Nếu thu nhanh hơn, giải phóng xe ra trạm nhanh cũng sẽ giảm ùn tắc” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Thạo, lúc đó Bến Tre như là một ốc đảo, đến Bến Tre từ hướng nào cũng phải lụy phà. Chính phủ và Bộ GTVT rất quan tâm nên quyết định làm cầu Rạch Miễu chỉ có hai làn ôtô, bởi nếu chờ có tiền mới làm thì không biết đến khi nào.

“Bộ GTVT đã tính sẵn sau khi đưa vào sử dụng cầu Rạch Miễu khoảng 10 năm thì phải lập dự án đầu tư cầu Rạch Miễu 2. Cầu Rạch Miễu khánh thành đầu năm 2009, đến nay đã 7 năm, nếu có quá tải thì cũng phù hợp với tính toán của bộ.

Tôi khẳng định cầu Rạch Miễu quá tải không phải do tầm nhìn quy hoạch hạn chế. Nếu hồi đó có tiền thì chúng tôi đã xây cầu lớn như cầu Mỹ Thuận rồi vì vốn đầu tư phần mở rộng không nhiều lắm” - ông Thạo nói.

Tổng vốn đầu tư xây cầu ban đầu dự toán là 599 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, trong đó ngân sách nhà nước góp 40%, 60% của nhà đầu tư gồm liên doanh Cienco 5 và Cienco 6. Đầu năm 2009 khi cầu hoàn thành, tổng vốn đầu tư thực tế lên gần 1.400 tỉ đồng.

Phục hồi phà Rạch Miễu: không khả thi!

Dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, quốc lộ 60 đoạn từ cầu Rạch Miễu phía tỉnh Tiền Giang đến sau trạm thu phí cầu Rạch Miễu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị ùn ứ nghiêm trọng. Ôtô, xe máy chen chúc nhích từng mét qua cầu.

Lo ngại cầu bị quá tải và xảy ra những chuyện không hay nên UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở GTVT rà soát xem có thể phục hồi bến phà Rạch Miễu hay không nhằm ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Về việc đi thực tế kiểm tra, lập dự toán trình UBND tỉnh việc phục hồi bến phà, ông Lê Văn Hoàng cho biết: sau khi cầu Rạch Miễu khánh thành thì bến phà Rạch Miễu cũng giải tán. Phần lớn hạ tầng cũng được tháo dỡ.

Theo ông Hoàng, giờ đây để đầu tư lại cần khoản tiền khá lớn. Đầu tư làm lại cầu dẫn, trái nổi vốn đã khó, tìm đâu ra phà để chạy còn khó hơn. Bản thân giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre cũng thấy phương án phục hồi phà Rạch Miễu khó khả thi.

Ông Nguyễn Như Thạo cũng nói việc phục hồi bến phà Rạch Miễu là không khả thi.

Ông giải thích: “Một chuyến phà mất 30 phút, chưa kể thời gian lên xuống phà là quá dài, trong khi mỗi chiếc phà chở không bao nhiêu xe. Giả sử cầu có ùn ứ như vừa rồi thì tài xế vẫn chấp nhận nhích từng mét để qua cầu hơn là xuống phà. Đó là chưa kể xe nhiều mà ít phà thì thời gian chờ qua phà còn lâu hơn nhiều”.

* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP.HCM):

Vấn đề tầm nhìn quy hoạch

Đi qua cầu Rạch Miễu lúc mới khánh thành, tôi cảm thấy cầu quá hẹp và mỏng manh, nghĩ rằng không chừng chỉ một thời gian sau sẽ quá tải. Giờ đây, đúng là chỉ sau gần 7 năm sử dụng, cầu đã rơi vào tình trạng quá tải những dịp lễ tết.

Phải chi lúc đó những người thiết kế có tầm nhìn dài hơn, xây dựng cầu rộng hơn hoặc có sẵn phương án kỹ thuật để mở rộng cầu khi cần thiết thì không có chuyện đưa ra giải pháp tình thế khôi phục phà Rạch Miễu như ý tưởng của một số người hiện nay.

Tầm nhìn ngắn hạn, giải pháp tình thế trong xây dựng cơ bản là vấn đề chung của nhiều nơi. Cả TP.HCM cũng vậy. Đơn cử:

Năm 1995, để giải quyết việc ùn tắc giao thông ở ngã tư Hàng Xanh, TP đã dự kiến xây cầu vượt nhưng trù trừ, quyết định hỏi ý kiến người dân xung quanh đó. Kết quả người dân địa phương lựa chọn làm vòng xoay.

Chỉ một thời gian sau, tình trạng kẹt xe tại vòng xoay này ngày càng trầm trọng. Để giải quyết, cầu vượt bằng thép đã được xây dựng hoàn tất trong năm 2013, một việc đáng ra phải làm từ lâu khi mở rộng đường Điện Biên Phủ nối dài.

Tuy nhiên, phương án tình thế này cũng chỉ tạo thông thoáng cho chiều từ trung tâm ra vào xa lộ Hà Nội, dưới cầu tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra.

Bài học ở đây là các công trình lớn cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, quyền lợi chung của toàn thành phố, tư vấn thiết kế chuyên nghiệp chứ không thể chỉ dựa vào việc tham vấn của một số ít người có lợi ích liên quan.

Một bài học nữa đã và đang gây tổn thất ngân sách do thiếu tầm nhìn và sự phối hợp trong xây dựng cơ bản: đó là dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương được thiết kế ban đầu trên cơ sở quy hoạch lâu dài của thành phố, trong đó có kể đến mở rộng đường Cách Mạng Tháng 8, với các cửa lên xuống ga ngầm nằm trên lề đường tương lai.

Khi đi vào thẩm tra, thành phố thấy rằng không đủ kinh phí để mở rộng đường Cách Mạng Tháng 8, toàn bộ thiết kế ga ngầm phải làm lại theo hiện trạng, làm chi phí thiết kế tăng vọt, dự án chậm trễ hẳn vài năm.

Việc không mở rộng đường Cách Mạng Tháng 8 làm vấn đề nan giải của trục giao thông bộ từ Củ Chi về trung tâm thành phố vẫn còn đó, làm việc kết nối các tuyến xe buýt vào ga tàu điện ngầm cực kỳ khó khăn.

Nó cũng giống như trường hợp của cầu Rạch Miễu kể trên. Bài học ở đây là làm quy hoạch đúng đã khó, nhưng làm đúng như quy hoạch còn khó hơn.

Không có cách nào khác là cần phải có quan điểm xuyên suốt, tuân thủ triệt để quy hoạch để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ các dự án.

Có như vậy mới tránh việc làm đi làm lại, người dân khổ sở vì ảnh hưởng bởi dự án và tình hình ùn tắc, ngập nước không được giải quyết triệt để.

NGỌC ẨN

Đang xúc tiến xây dựng cầu Rạch Miễu 2

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết vào cuối năm 2015, Bộ GTVT đã vào làm việc với hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre để lấy ý kiến lập dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2.

Sở GTVT hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre rất đồng tình bởi cầu Rạch Miễu hiện nay hẹp, trong khi tuyến giao thông này đang chịu áp lực lớn, nhất là dịp lễ tết, nên thường xảy ra ùn ứ.

Ông Trần Văn Bon (giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang) nói: “Tỉnh Tiền Giang đề nghị xây dựng cầu Rạch Miễu 2 tại vị trí điểm cuối đường tỉnh 870 tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành qua cù lao Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và nối với huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Đây là phương án tối ưu vì đường tỉnh 870 nối liền với đường dẫn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Khi đó phương tiện từ TP.HCM về Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng theo cầu này sẽ rất thuận tiện”.

Ông Lê Văn Hoàng (giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre) cũng xác nhận tỉnh này đã đề nghị Bộ GTVT hai phương án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 là bố trí vốn ngân sách trung hạn 2016-2020 và phương án BOT. Dự án này đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương.

Cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60 có chiều dài toàn tuyến 8.331m, chiều dài cầu 2.878m, bề rộng mặt cầu 12-15m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Đây là cầu dây văng đầu tiên do kỹ sư VN thiết kế và thi công. Tháp dây văng hình chữ A, cao 106,5m.

Thiếu tiền chứ không phải thiếu tầm nhìn

Ông Chu Ngọc Sủng - nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - Bộ GTVT), chủ nhiệm dự án thiết kế công trình cầu Rạch Miễu - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc thiết kế, xây dựng cầu Rạch Miễu.

Theo ông Sủng, cầu Rạch Miễu được nghiên cứu xây dựng từ năm 1997. Thời điểm đó quy mô toàn tuyến đường nối với cầu là 2 làn xe. Các đơn vị liên quan cũng đã thống nhất nếu có tiền làm cầu Rạch Miễu 4 làn xe thì tốt hơn.

“Nhưng thời điểm đó việc xây cầu 4 làn xe không thực hiện được vì thiếu tiền. Phải huy động đầu tư BOT để xây cầu nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt. Đồng thời xác định trong tương lai phải làm thêm một cầu để đáp ứng sự phát triển chứ không phải là quy hoạch, thiết kế không có tầm nhìn” - ông Sủng nói.

Ông Sủng cho biết thời điểm xây dựng cầu Rạch Miễu, thiết kế của cầu được tính toán đáp ứng lưu lượng giao thông trong vòng 20 năm. Cho đến nay, kịch bản tăng lưu lượng qua cầu cũng không phải là quá đột biến khi tuyến đường từ cầu Cổ Chiên về cầu Rạch Miễu trong giai đoạn hiện nay cũng chỉ có 2 làn xe.

Ông Sủng nhận định nguyên nhân ùn tắc ở cầu Rạch Miễu hiện nay chưa phải là do lưu lượng tăng đột biến, mà do đặc thù giao thông hỗn hợp ôtô, xe máy đi xen kẽ dễ gây va chạm, ách tắc. Nếu xe đi đúng quy luật tuần tự, nhường nhịn nhau thì không đến nỗi.

Liên quan đến nghiên cứu tái lập phà Rạch Miễu, xây thêm cầu thứ 2 của UBND tỉnh Bến Tre, ngày 14-5 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết UBND tỉnh Bến Tre chưa trình lên Bộ GTVT về phương án trên nên Bộ GTVT chưa có cơ sở đánh giá cụ thể.

“Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, cầu Rạch Miễu hiện nay lưu lượng chưa phải là quá tải nên việc đưa phà hoạt động trở lại cần phải tính toán cụ thể. Nếu cầu Rạch Miễu quá tải thật thì Bộ GTVT sẽ có giải pháp dùng ngân sách hoặc đầu tư đối tác công - tư (PPP) để làm thêm một cầu nữa cũng là bình thường” - ông Trường cho biết.

 

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên