Sếu đầu đỏ chỉ thị môi trường trong lành
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ rằng từ lâu Đồng Tháp là vùng đất an lành, là nơi sinh sống quen thuộc của sếu đầu đỏ, loài chim quý hiếm trên thế giới. Trước đây có những năm có đến hàng ngàn chim sếu di cư về vùng đất Tràm Chim để sinh sống.
Tuy nhiên do nhiều tác động như: biến đổi khí hậu, chế độ thủy văn, sự canh tác nông nghiệp quá mức... làm hệ sinh thái bị thay đổi, nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, nguồn thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ là năn kim bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sống của sếu.
"Sếu đầu đỏ là loài chim chỉ thị về môi trường trong lành, sự phục hồi các giá trị sinh học tự nhiên; là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân từ ngàn xưa.
Hằng năm, mỗi mùa sếu về người dân nơi đây như được đón nhận sự may mắn, một chỉ dấu cho sự khôi phục tự nhiên bền vững. Việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách", ông Nghĩa nói.
Nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế ủng hộ nuôi sếu
Ông Montri Suwanposri - phó chủ tịch Công ty cổ phần C.P. Việt Nam - cho rằng đề án bảo tồn sếu đầu đỏ mang nhiều giá trị và ý nghĩa cao đẹp, thể hiện sự hợp tác bền vững giữa cơ quan nhà nước, người dân Thái Lan và Việt Nam.
Đề án đề cao việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; chú trọng trách nhiệm chung trong việc bảo tồn, phát triển và khai thác tài nguyên một cách bền vững.
"Đây còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa con người và sếu đầu đỏ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, cải thiện môi trường, giảm khí thải nhà kính, khôi phục nền nông nghiệp hữu cơ.
Điều đó cũng là nhằm phát triển du lịch sinh thái thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và khối doanh nghiệp tư nhân, mở ra con đường phát triển bền vững một cách thiết thực", ông Montri Suwanposri nói.
PGS Jade Donavanik - chủ tịch hội đồng quản trị của Tổ chức Vườn thú Thái Lan - cho biết đề án bảo tồn sếu là nền tảng phản ánh sự hợp tác quốc tế trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường bền vững; là cơ hội quan trọng để chúng ta thấy được cam kết của mình.
Mặc dù dự án này gặp nhiều thách thức và trở ngại nhưng nhờ sự hợp tác và hữu nghị chặt chẽ giữa Thái Lan và Việt Nam, các mục tiêu của đề án có thể mang lại lợi ích cho cả môi trường, nền kinh tế và hạnh phúc của người dân trong khu vực.
"Đây là nỗ lực không chỉ có ý nghĩa đối với Vườn quốc gia Tràm Chim hay tỉnh Đồng Tháp, mà còn đối với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu", ông Jade Donavanik nói.
Thả nuôi 50 con sếu sinh sống quanh năm
Để "Đưa đàn sếu trở về", tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt "Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032".
Mục tiêu trong 10 năm sẽ có khoảng 100 con sếu được nuôi, thả ra và có ít nhất 50 con có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Đến nay đề án đã qua nhiều bước như: Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan; triển khai một số Chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn quốc gia Tràm Chim.
Triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi sếu và thực hiện các hoạt động công tác truyền thông; tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận