05/05/2015 11:26 GMT+7

Đồng Tháp Mười - Kỳ 2: Tấm bia đá thất lạc

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Năm 1931, các nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier và Jean-Yves Claeys đã vào gò Tháp Mười đào thám sát và tìm được rất nhiều hiện vật có giá trị.

Phế tích "Viễn vọng đài" ở Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.

Trong số hiện vật tìm được có bia đá khắc chữ Phạn thuộc văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Bí mật chìm theo con tàu đắm 

Di tích Gò Tháp được biết tới lần đầu tiên những năm 1869-1878 khi Silvestre (một thanh tra người Pháp làm việc tại đây) phát hiện được một bánh xe bằng đá và dấu tích phần móng của một ngôi tháp cổ - khu vực gò Tháp Mười hiện nay.

Sau đó Lunet de Lajonquière đã chú ý tới lịch sử Tháp Mười qua các văn bản khắc trên đá được lưu giữ ở dinh tham biện Sa Đéc. Một trong số đó có nhắc tới việc thái tử Gunavarman, thuộc dòng hoàng tộc Kaundinya (Hỗn Điền - vua đầu tiên của vương quốc Phù Nam) cho dựng một tượng đôi bàn chân của thần Vishnu.

Từ năm 1931, các nhà khảo cổ học người Pháp Parmentier và Claeys tiếp tục nghiên cứu thực địa. Năm 1943, nhà khảo cổ học Louis Malleret tiếp tục khảo sát di tích trên phạm vi rộng hơn. Đặc biệt ông đã phát hiện thêm những cấu kiện kiến trúc chèn vào móng của phế tích kiến trúc.

Vùng Đồng Tháp Mười rộng khoảng 631.000 ha, bao trùm lên ba tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Trong đó diện tích Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp khoảng 239.000 ha, chiếm 38% diện tích của vùng và chiếm tới 74% diện tích của tỉnh Đồng Tháp.

Từ kết quả khảo cổ cho biết hàng ngàn năm trước vùng Đồng Tháp Mười là một vịnh biển, được phù sa bồi đắp dần dần thành đất liền. Đây là vùng đầm lầy, trũng thấp, hoang hóa lâu đời.

Trước thế kỷ 19, vùng Đồng Tháp Mười rất hoang vu, chỉ có một số ít người dân ở miền ngoài vào khai hoang, sản xuất. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp), gần đây có nhiều thông tin mới xác định một tấm bia đá khắc chữ Phạn do nhà khảo cổ học Parmentier tìm thấy ở gò Tháp và mang về dinh tham biện Sa Đéc, rồi chuyển lên tàu đưa về Sài Gòn.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, ông Hiếu đã bỏ ra rất nhiều năm đi tìm tấm bia đá khắc chữ Phạn mà nhà khảo cổ Parmentier thu được để xem toàn bộ nội dung trong đó nói gì nhằm góp phần giải mã bí ẩn tên gọi Tháp Mười.

Thế nhưng chưa có ai tìm thấy nó bởi vì số hiện vật trên đã không về tới Sài Gòn như dự kiến.

Ông Hiếu kể: “Trong một lần tôi nói chuyện này với cụ Vương Hồng Sển thì ổng tiết lộ một bí mật, đó là chiếc tàu chở hiện vật khai quật ở Tháp Mười năm đó đã bị chìm tại sông Sa Đéc khi chưa rời bến.

Toàn bộ hiện vật cũng bị rơi xuống sông gần dinh tham biện. Hiện tôi vẫn chưa xác định được vị trí cầu tàu cạnh dinh thời điểm đó ở chỗ nào để có thể đề xuất chính quyền hỗ trợ tìm.

Những bí mật ở Tháp Mười mà ông Parmentier phát hiện những năm đó rất quan trọng nên theo tôi cần phải tìm chúng. Thế nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là kinh phí”.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giám đốc Bảo tàng Lịch sử - văn hóa), có thể tấm bia đá khắc chữ Phạn có liên quan đến lịch sử vùng đất này đã bị chìm dưới đáy sông Sa Đéc.

Tuy nhiên, ông không cho rằng tấm bia nói trên có ý nghĩa quyết định đến việc giải mã nguồn gốc chữ “Tháp Mười” hay “Đồng Tháp Mười”.

Muốn có câu trả lời mang tính khoa học phải dựa vào kết quả khảo cổ học tại di tích Gò Tháp và truyền thống văn hóa của người Việt.

Đào thám sát tại Gò Tháp. Nhiều di vật có giá trị có thể đang nằm đâu đó dưới lòng đất - Ảnh: V.Tr.

Những cuộc tranh luận

Sau khi Thiên Hộ Dương sử dụng từ Tháp Mười trong văn bản hành chính lần đầu tiên vào những năm 1865-1866, rất nhiều nhà khảo cổ, sử gia trong và ngoài nước đã cất công tìm hiểu để giải thích, chứng minh lý do có tên gọi này.

Và cũng vì không nhìn thấy hiện vật và bia đá khắc chữ Phạn nói trên, cho nên một số nhà nghiên cứu sau này chủ yếu dựa vào thông tin của các nhà khảo cổ người Pháp công bố để suy luận.

Theo các tài liệu sử học, đến nay có ít nhất ba giả thuyết về tên gọi Tháp Mười. Ý kiến thứ nhất cho rằng xưa kia vùng này có mười quốc vương, mỗi ông vua xây cho mình một ngôi tháp.

Ngôi tháp tại gò cao nơi Thiên Hộ Dương làm căn cứ kháng Pháp là ngôi tháp của ông vua thứ mười.

Ý kiến thứ hai cho rằng đây có tháp mười tầng. Có lẽ vì tin theo giả thuyết này mà vào năm 1956 chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho tháo dỡ, di dời ngôi tháp cổ được cư dân người Việt xây dựng thờ Phật phái đại thừa vào thời Thiệu Trị (1841-1847) trên đỉnh gò để xây dựng một ngôi tháp mười tầng cao 42m. Kiến trúc giống tháp tại chùa Thiên Mụ ở Huế.

Tháp này còn được gọi là “Viễn vọng đài” quan sát, khống chế hoạt động của quân giải phóng ở Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên vào đêm 19-12-1959 đặc công tiểu đoàn 502 đã vào đánh sập. Hiện các vết tích ngôi tháp này vẫn còn.

Còn giả thuyết thứ ba nói đây là tháp canh thứ mười của nghĩa quân Thiên Hộ Dương. Tuy nhiên giả thuyết này thiếu căn cứ bởi Thiên Hộ Dương ngay khi đặt chân đến gò Tháp đã gọi đó là Vãng Tháp, tức là ông biết chắc nơi đây có một cái tháp đổ nát.

Sau đó chính ông đã đổi lại là Tháp Mười. Cho nên khó có khả năng Thiên Hộ Dương lấy một trong những tháp canh của mình mà đặt tên cho cả vùng này!

Từ phát hiện và thông tin của nhà khảo cổ học Parmentier năm 1931 về tấm bia khắc chữ Phạn nói trên đã dẫn đến hàng loạt suy luận về tên gọi Tháp Mười.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiếu, cho đến nay các nhà nghiên cứu, nhà khoa học vẫn còn “ngổn ngang trong nhận định”. Những cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn.

Người thì cho rằng tên gọi Tháp Mười xuất phát từ ngôi tháp mười tầng, người bảo đó tháp thứ mười. Trong phương ngữ Nam bộ, hiện tượng đọc trại, đảo vị khá phổ biến. Ví dụ địa danh Nàng Hai ở Sa Đéc lúc mới hình thành là Hai Nàng, sau đó lại biến thành Nàng Hai.

Do đó theo quan điểm cá nhân của ông thì trước đây nơi này có tên là gò Mười Tháp, lâu ngày bị đọc trại thành gò Tháp Mười.

Tuy nhiên để có căn cứ khoa học khẳng định quan điểm nào đúng thì ít nhất phải tìm cho được tấm bia khắc chữ Phạn mà nhà khảo cổ học Parmentier tìm thấy và bị chìm xuống sông Sa Đéc, đồng thời phải đẩy mạnh việc khai quật, khảo cổ ở di tích Gò Tháp. Khi nào tất cả những bí mật trong lòng đất Gò Tháp được phơi bày thì câu trả lời cũng sẽ rõ hơn...

Trong khi đó, khi tiến hành hai đợt khai quật Gò Tháp năm 1984 và năm 1993, các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều cổ vật bên trong các kiến trúc.

Và cũng chính tại đây, lần đầu tiên giới khảo cổ học phát hiện hình ảnh ngôi nhà được chạm khắc trên vàng.

Theo TS Đào Linh Côn (Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM), hai đợt hai quật năm 1984 và 1993 đã đem lại nhiều nguồn tư liệu mới về văn hóa Óc Eo tại Gò Tháp. Đặc biệt đó là loại hình mộ táng với một tập hợp di vật phong phú và đa dạng gắn liền với di tích.

“Những ngôi mộ được khai quật giúp chúng ta xác định chúng thường được chôn trên những gò đất đắp cao bên cạnh khu vực cư trú và kiến trúc. Đây là những ngôi mộ hỏa táng được xây cất với quy mô khá lớn. Vật liệu xây dựng chính là gạch, cát và đất sét” - TS Côn nhận định.

_____________

Kỳ tới: Kho cổ vật quý

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên