05/12/2024 16:00 GMT+7

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng

Đồng Tháp hiện có 710 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 270 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Trọng tâm và chủ lực là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 91% số doanh nghiệp.

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - mong muốn trong thời gian tới công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng

Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - mong muốn trong giai đoạn tới, ngành công nghiệp sẽ trở thành động lực dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả còn 4 chỉ tiêu chưa đạt, tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp chưa cao, chưa mở ra được mặt bằng, tính pháp lý để thu hút nhà đầu tư lớn.

"Cần có đánh giá cung cấp thông tin cho nhà đầu tư ở 8 ngành công nghiệp. Hiện chúng ta chỉ tập trung 4 ngành chế biến: xuất khẩu gạo, thủy sản, rau quả, chế biến sâu. Tuy nhiên, chế biến xuất khẩu gạo và thủy sản đông lạnh gần như đã bão hòa công suất. Ngành cơ khí, điện tử còn nhiều dư địa nhưng chưa phát triển. Dự án đăng kí thì phải triển khai, không triển khai thì phải thu hồi", ông Nghĩa nói.

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng - Ảnh 2.

Các sản phẩm chế biến từ lúa, gạo, trái cây, thuỷ sản là thế mạnh của ngành công nghiệp Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đồng Tháp hiện có 710 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 270 doanh nghiệp so với cuối năm 2020. Trọng tâm và chủ lực là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm hơn 91% số doanh nghiệp.

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, ước thu hút được 110 dự án đầu tư (trong đó có 8 dự án FDI), 22 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến thuộc các ngành thủy sản, nông sản, dầu cá, dầu gạo… tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp tham quan nhà máy chế biến xoài công nghệ hiện đại ở huyện Hồng Ngự - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đã đưa vào hoạt động, thu hút được 66 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 12.170 tỉ đồng, hiện đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Tân Kiều. Tỉ lệ lấp đầy 90%.

Có 15 cụm có quyết định thành lập, có 12 cụm đưa vào hoạt động, thu hút được 62 dự án của 45 doanh nghiệp tổng vốn 15.395 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tỉ lệ lấp dầy 83%.

Khu vực biên giới có 2 cửa khẩu quốc tế (Thường Phước, Dinh Bà) và 5 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú). Giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá biên mậu giai đoạn 2021 - 2025 ước tăng bình quân 24%/năm.

Chú trọng công nghệ chế biến sâu

Ông Trần Trương Tấn Tài - tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) - cho biết công ty đã có 5 năm hình thành và phát triển ở Đồng Tháp và hoàn tất chiến lược cho 5 năm tiếp theo với những chiến lược tương đối lớn. Đến thời điểm này, doanh thu năm 2024 ước đạt 1.200 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 80 tỉ đồng. Xây dựng thương hiệu gạo theo chuỗi khép kín.

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng - Ảnh 4.

Chế biến xoài bằng công nghệ cấp đông hiện đại ở Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

"Tôi nghĩ thế mạnh của Đồng Tháp là những sản phẩm về nông nghiệp và đặc biệt là lúa gạo, thuỷ sản, cây ăn trái. Tuy nhiên, lúa gạo hiện chỉ tập trung vào xuất khẩu "thô", chưa tập trung vào chế biến sản phẩm cốt lõi đối với ngành gạo.

Lâu nay chúng ta chỉ xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước, người tiêu dùng cũng yêu cầu chất lượng gạo an toàn, vừa túi tiền. Để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ của công nghệ mới, tồn trữ để phân huỷ những chất có hại rồi mới cung ứng ra thị trường", ông Tài nói.

Đồng Tháp lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng - Ảnh 5.

Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - yêu cầu các ngành cần tập trung để phát triển ít nhất 1 khu công nghiệp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cần có giải pháp thu hút đầu tư đủ - đúng - nhanh

Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp - chỉ đạo trong thời gian tới, các ngành cần tập trung và quyết tâm hơn nữa để phát triển ít nhất 1 khu công nghiệp, tính toán giải pháp lấp đầy các cụm công nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện hữu; xác định lợi thế và các giải pháp thu hút nhà đầu tư đủ - đúng - nhanh.

Chú trọng đầu tư công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tận dụng xu hướng dịch chuyển nguồn lao động và hạ tầng giao thông kết nối phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên