Lô E8a có diện tích hơn 1,6 hecta bị 3 doanh nghiệp nhỏ thuê làm bãi trung chuyển hàng hóa mà không trả lại cho Nhà nước, dù UBND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều văn bản chỉ đạo - Ảnh: HỒNG NGỰ
Ngày 21-3, đại diện Công ty P.N., có địa chỉ tỉnh Đồng Tháp, cho biết đơn vị đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương đầu tư kho ngoại quan để làm bãi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu bảo thuế 1 - cửa khẩu quốc tế Thường Phước (có diện tích 2,6 hecta - PV).
Thế nhưng, nhiều tháng qua, đơn vị vẫn còn vướng lại lô đất E8a (diện tích 1,6ha) chưa thể đấu giá đất để làm dự án được. Nguyên do chính là lô đất này bị 3 doanh nghiệp khác thuê nhưng không trao trả lại mặt bằng cho UBND tỉnh, dù tỉnh đã ra nhiều văn bản yêu cầu tháo gỡ.
Theo tài liệu Tuổi Trẻ Online có được, vào các ngày 12-1, 21-1 và ngày 7-3 mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp liên tục có 3 công văn thông báo truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn về việc cho thuê đất tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước và siết chặt quản lý khu đất cửa khẩu.
UBND tỉnh yêu cầu Ban quản lý khu kinh tế chấm dứt các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn tại khu bảo thuế 1 - cửa khẩu quốc tế Thường Phước; đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp tự tháo dỡ các hạng mục xây dựng tạm, hoàn trả mặt bằng cho Nhà nước quản lý. Thời gian thực hiện hoàn trả mặt bằng chậm nhất trong tháng 2-2022.
"Trường hợp Công ty P.N., không triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao Ban quản lý khu kinh tế tham mưu UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư dự án theo quy định", văn bản nêu.
Lô đất E8a thuộc khu bảo thuế 1 - cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp có hàng hóa lên xuống tấp nập, không tháo gỡ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: HỒNG NGỰ
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chưa tháo dỡ tài sản, hoàn trả mặt bằng cho Nhà nước quản lý và có biện pháp rào chắn, giám sát, quản lý chặt chẽ đất đai khu bảo thuế 1, tránh trường hợp các doanh nghiệp, người dân lấn chiếm sử dụng đất.
Còn ông Nguyễn Văn Khơi - chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự - khẳng định: "Đất cửa khẩu này lúc trước do Ban quản ly khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp cho các doanh nghiệp nhỏ thuê lại, bây giờ khó đòi, khó giải phóng mặt bằng. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phối hợp. Nhiệm vụ chính vẫn là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh. Các doanh nghiệp này chậm tháo gỡ trao trả mặt bằng vì họ nói không có người nên có thể tiếp tục chờ hết tháng 3".
Nói về việc này, ông Ngô Văn Nâu - trưởng Ban quản ly khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp - giải thích rằng mấy tháng nay do dịch bệnh, cơ quan bị nhiễm COVID-19 gần hết nên chưa giải quyết được như chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp. Kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp là phải yêu cầu các doanh nghiệp nhỏ lẻ đã thuê đất trước đây phải trả lại mặt bằng sạch hơn 3 hecta để tổ chức đấu giá, thu hút đầu tư ở khu cửa khẩu này.
"Đúng là trách nhiệm thuộc đơn vị chúng tôi, nhưng đơn vị tôi không thể làm căn cơ, bài bản được, mà phải phối hợp với UBND huyện Hồng Ngự để lập biên bản đình chỉ, buộc tháo gỡ các công trình hiện hữu của các đơn vị ở khu vực cửa khẩu, để có mặt bằng cho UBND tỉnh tổ chức đấu giá. Chúng tôi sẽ lên khu vực cửa khẩu phối hợp với huyện Hồng Ngự xử lý vụ này", ông Nâu phân trần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận