Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Rê cho biết ông và ba hộ dân khác đã di dời nhà 3 lần. “Chúng tôi được người trong xóm cho dựng nhà ở tạm đến khi nào nhà nước xây dựng xong tuyến dân cư thì sẽ xây cất nhà ổn định. Những ngày này chúng tôi sợ nhất dông lốc vì nhà cất tạm rất mong manh, chỉ cần cơn gió mạnh đã lung lay rồi. Nước uống phải mua từng thùng, điện phải câu nhờ..." - ông Rê nói.
Hàng trăm hộ dân đang sống tạm bợ trong cảnh thiếu trước hụt sau và nơm nớp lo sợ trước cảnh trên mưa dưới lũ, sạt lở đeo bám. Thế nhưng đến nay bà con vẫn chưa biết cất nhà ở đâu để sống an toàn.
Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo địa phương. Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: “Số hộ di dời ra khỏi vùng sạt lở rất nhiều, trong khi tuyến dân cư dự định xây dựng mới chỉ được đo đạc, phóng tuyến mấy ngày nay. Trước mắt để chữa cháy, địa phương đã chuẩn bị sẵn phương án cho người dân ở tạm tại khu văn hóa, nhà thiếu nhi, trường học của xã…nhưng đa số người dân đã tự thu xếp ở tạm nhà người quen để chờ lên tuyến dân cư”.
Chiều 4-10, dòng lũ xoáy đã làm bờ sông tại ấp Tân Phú A sạt lở với chiều dài 25m, sâu vào đất liền 5m. Địa phương phải huy động lực lượng tháo dỡ di dời khẩn cấp 4 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Từ đầu mùa lũ đến nay, tại xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, nước lũ đã làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông trên địa bàn xã với tổng chiều dài 3.045m, ăn sâu vào đất liền từ 5-90m khiến 374 hộ phải di dời.
Thống kê của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp, đến nay toàn tỉnh đã có 8.861 căn nhà bị ngập nước, đã di dời 1.306 hộ và 5.100 hộ kê kích nhà. Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai xây dựng các tuyến dân cư giai đoạn 2 tại huyện Thanh Bình và Châu Thành để có chỗ cho bà con dựng nhà định cư. Nhưng theo lãnh đạo địa phương, đến nay việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận