Ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết để được ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO, TP Cao Lãnh, và trước đó là TP Sa Đéc, đã phối hợp với các sở ngành, Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhiều hoạt động, tất cả bằng sự nỗ lực qua nhiều năm chứ không hiển nhiên chỉ đăng ký giấy tờ là được.
Lan tỏa tinh thần học tập ở Đồng Tháp
"Danh hiệu thành phố học tập là sự tự hào của người dân, sự đóng góp của người dân được ghi nhận, góp phần tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của địa phương. Chúng tôi tiếp tục nhân lên những mô hình học tập tiêu biểu, dần dần làm sao để người dân cảm thấy sách vở là thiết yếu, lan tỏa tinh thần học tập ra toàn xã hội, chứ không chỉ một không gian hay một cộng đồng nào" - ông Bửu nói.
Theo ông Bửu, Đường sách TP Cao Lãnh vừa đi vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn, qua đó tạo điều kiện và giúp nâng cao văn hóa đọc.
"Hiện tại, chúng tôi tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, các phong trào khởi nghiệp, khuyến học, khuyến tài ở địa phương. TP Cao Lãnh vừa được ghi danh thì vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Còn những địa phương khác, như TP Hồng Ngự, sẽ tiếp cận với những mô hình học tập này, đến thời điểm phù hợp sẽ làm hồ sơ ghi danh, phấn đấu để tỉnh có ba thành phố học tập" - ông Bửu nói thêm.
Bắt đầu từ "công dân học tập"
Cô Tiêu Ngọc Thúy (giảng viên Trường đại học Đồng Tháp) ba năm liền đoạt giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Trước đó, khi còn là sinh viên và rất thích đọc sách, cô Thúy đã đăng ký trực thư viện trường.
Để khuyến khích tinh thần đọc sách và tạo không gian đọc, thư viện xanh, cô thành lập câu lạc bộ đọc sách, tiêu biểu có hai dự án "Đọc sách rinh quà" và "Đổi sách lấy cây xanh" thu hút nhiều sinh viên tham gia.
Điển hình về việc duy trì học tập suốt đời là tấm gương của cô giáo Huỳnh Thị Thu, cựu giáo viên Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh) - người lấy bằng đại học thứ ba ở tuổi 70. Hiện cô Thu đã có bằng đại học các chuyên ngành: sư phạm ban Việt - Hán, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Trung Quốc.
"Việc học giúp tôi hòa vào dòng chảy của thế hệ mới, tiếp cận tiến bộ của thời đại mà những thập niên trước không có hoặc mình chưa có điều kiện tiếp cận. Đi học đại học ở tuổi lão niên giúp tôi thấy đời sống này phong phú và đáng sống. Sắp tới, tôi mong muốn học thêm chứng chỉ tin học để tìm hiểu về công nghệ thông tin" - cô Thu chia sẻ.
Còn tại TP Sa Đéc nổi tiếng với nhiều gia đình học tập, dòng họ học tập truyền qua các thế hệ. Ông Lê Văn Giàu - phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông - cho biết những năm qua địa phương vẫn theo sát các hoạt động theo tiêu chí của thành phố học tập. Năm 2022, toàn xã có hơn 500 công dân học tập, đạt các yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
"Năm 2023, toàn xã đăng ký trên 1.800 công dân học tập độ tuổi từ 19 tuổi trở lên. Tiêu biểu ở địa phương có dòng họ Lê (tức gia đình thầy Lê Văn Bền), dòng họ Tô Phúc nhiều thế hệ là cán bộ công chức, quan tâm làm từ thiện tạo phúc lợi xã hội, hay dòng họ Võ có các con cháu đều theo ngành y... Tất cả là tinh hoa góp phần vào xây dựng xã hội học tập" - ông Giàu cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Danh - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, cái khó nhất là xây dựng theo các tiêu chí của thành phố học tập để được UNESCO công nhận. Chưa hết, sau đó vẫn phải tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng ra toàn xã hội.
"Sở cũng thường xuyên đôn đốc phòng giáo dục của hai thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh để tiếp tục thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu mô hình học tập có thể kể đến như phát động phong trào văn hóa đọc, xây dựng các bộ tiêu chí, danh hiệu đơn vị học tập, công dân học tập, gia đình dòng họ học tập... các thành phố làm rất tốt" - ông Danh nói.
Mục tiêu đến năm 2025
Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức: 90% học sinh, sinh viên và người học được tiếp cận, sử dụng thông tin tại thư viện công cộng và thư viện cơ sở giáo dục; 35% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại hệ thống thư viện công cộng, trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã.
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc: 60% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 90% người sử dụng thư viện (học sinh) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Về tăng cường phát triển vốn tài liệu: đọc bình quân 3 cuốn sách/người năm; 100% cơ sở giáo dục các cấp, bậc học có thư viện với nguồn tài liệu phù hợp.
(trích đơn đăng ký thành viên Mạng lưới học tập toàn cầu của TP Cao Lãnh gửi UNESCO)
Việt Nam có 5 thành phố
Thành phố học tập toàn cầu là giải thưởng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh hai năm một lần. Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu UNESCO là một mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau.
Việt Nam có năm trên tổng số 294 thành phố từ khắp nơi trên thế giới được UNESCO công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" gồm TP Cao Lãnh, TP.HCM, TP Hải Dương, TP Sa Đéc và TP Vinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận