“Dòng qua dòng lại”, đỡ hại môi trường

NGỌC ĐÔNG 18/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Những tấm bạt làm mái hiên hay che phủ thùng xe tải đã bạc màu phong sương vì phải phơi mình che nắng mưa quanh năm suốt tháng vẫn có thể được trao một đời sống mới, tái chế thành những sản phẩm đa dạng, rất xanh mà lại cũng rất Sài Gòn.

Thảo Trang, đồng sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn, sắp xếp sản phẩm trưng bày tại xưởng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG AN
Thảo Trang, đồng sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn, sắp xếp sản phẩm trưng bày tại xưởng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG AN

Chỉ từ một lần tình cờ “thấy một tấm bạt mái hiên bị rách một ít nằm chỏng chơ trong thùng rác” khi ngồi cà phê vào cuối mùa mưa năm ngoái mà Trần Kiều Anh và cô bạn Thảo Trang đã sáng lập nên Dòng Dòng Sài Gòn - thương hiệu sản xuất balô, túi xách, phụ kiện từ bạt mái hiên cũ tái chế.

Bạt cũ “đổi đời”

Cuối tháng 8 năm nay, Dòng Dòng Sài Gòn giới thiệu loạt sản phẩm thuộc bộ sưu tập gồm 3 mẫu balô và 1 mẫu thẻ treo hành lý với tông màu chủ đạo là sọc xanh lá, với tên gọi “Đồ bộ ông Tám” cùng lời chú thích: “Sọc xanh từ quán ‘dịch lộn’ (vịt lộn) ông Tám, đặc biệt phù hợp với mạng Mộc và... nhiều mạng khác”.

“Bọn mình gọi mẫu bạt này là bạt ông Tám vì có họa tiết sọc giống đồ bộ pyjama mà các chú các bác hay mặc” - Tú Quân, một thành viên của Dòng Dòng Sài Gòn, vừa cười vừa nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần khi đang “còng lưng” chùi rửa một tấm bạt cũ trong xưởng.

Xưởng may của Dòng Dòng Sài Gòn là một ngôi nhà thuê nhỏ xinh chừng vài chục mét vuông, nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ kế bên một khu dân cư cao cấp ở quận 2, TP.HCM. Ở đó, đội ngũ vỏn vẹn 6 người của Dòng Dòng Sài Gòn miệt mài làm hết các khâu từ phân loại bạt, vệ sinh, rồi cắt, may, đóng gói thành phẩm… để cho ra đời những chiếc balô, túi tote, giỏ đi chợ, ví tiền, bóp viết… được làm từ bạt nhựa cũ đã qua sử dụng.

Toàn bộ sản phẩm của Dòng Dòng Sài Gòn đều được những người sáng tạo ra chúng đặt cho những cái tên ngộ nghĩnh theo họa tiết của bạt; có cái có tên Pê Phở, cái khác tên 45, lại có chiếc độc nhất vô nhị tên Cà Na được làm từ bạt mái hiên quán ốc cũ có in hình món ốc cà na rang muối ớt.

Giải thích vì sao chỉ nhìn thấy một tấm bạt bị vứt đi - thứ mà ai cũng có thể bắt gặp ở bất kỳ con đường nào - Kiều Anh kể: “Những tấm bạt đó thật ra chỉ bị rách một hai chỗ thôi nhưng vì công dụng che nắng mưa đã hết nên bị vứt đi, trở thành một lượng rác thải ra môi trường dù chất lượng bạt vẫn còn rất tốt. Tôi với Trang bảo nhau làm sao để tái chế chúng thành những sản phẩm có ích”.

Vốn làm thiết kế app và website, Kiều Anh và Thảo Trang biết nhau qua những dự án làm chung. Đến gần cuối năm ngoái, cả hai quyết định “cùng nhau làm gì đó vui vui” và Dòng Dòng Sài Gòn ra đời.

Từ thiết kế app chuyển sang thiết kế túi, tuy nói không khó nhưng mà cũng không dễ. Ban đầu, Kiều Anh và Thảo Trang thử nghiệm nhiều loại bạt, thế nhưng loại bạt dùng làm banner, quảng cáo, sự kiện lại không có được độ bền để chịu lực, sau cùng chỉ có bạt mái hiên và bạt xe tải là thỏa điều kiện.

Mất khoảng ba tháng, Dòng Dòng Sài Gòn mới có sản phẩm balô đầu tiên, sau gần cả trăm mẫu thất bại từ khâu thiết kế ra đến thành phẩm.

Thảo Trang (trái) và Tú Quân, hai thành viên của Dòng Dòng Sài Gòn, vệ sinh bạt cũ thu gom về để chuẩn bị cho các khâu cắt may tiếp theo tại xưởng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. -Ảnh: HOÀNG AN
Thảo Trang (trái) và Tú Quân, hai thành viên của Dòng Dòng Sài Gòn, vệ sinh bạt cũ thu gom về để chuẩn bị cho các khâu cắt may tiếp theo tại xưởng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. -Ảnh: HOÀNG AN

Những chuyến “móc bạt”

Có bạt để may thành phẩm là một chuyện, thế nhưng khâu “trần ai” nhất trong quy trình sản xuất của Dòng Dòng Sài Gòn có lẽ là thu gom bạt cũ mà bộ ba Kiều Anh, Thảo Trang, Tú Quân hay đùa là “đi móc bạt”.

Hỏi rằng bạt nguyên liệu cũ mà Dòng Dòng Sài Gòn sử dụng là “xin hay mua”, Tú Quân trả lời “bọn mình xin để được mua”. Theo Tú Quân, bạt nguyên liệu của Dòng Dòng Sài Gòn đến từ nhiều nguồn, trong đó có bạt thải từ các vựa ve chai, bạt cũ từ các tiệm lắp đặt bạt mới cho khách, bạt cũ từ các hàng quán chuyển đổi loại hình kinh doanh, và bạt vụn từ những cửa hàng bán bạt số lượng lớn.

Công đoạn thuyết phục để mua bạt cũ không đơn giản, gần như bắt đầu từ con số không. Lúc đó các cô gái còn chưa biết mua bạt cũ ở đâu, chỉ biết lên Google tìm số điện thoại, gọi đến các tiệm bán bạt rồi năn nỉ người ta để dành bạt vụn cho mình đến mua. Phản ứng cũng nhiều kiểu, có người gạt phăng đi bảo không có, có vài người nói “sẽ gọi lại” rồi chẳng thấy, nhưng may mắn cuối cùng cũng mỉm cười với ba cô gái trẻ kiên trì.

Một chỗ, hai chỗ, rồi nhiều chỗ hơn nhận lời gom bạt vụn để dành cho Dòng Dòng Sài Gòn. Nhóm còn tìm đến các vựa ve chai để nài nỉ nếu có bạt thì gom lại, bảo quản tốt, đừng vứt ra mưa nắng rồi gọi mình đến thu mua.

“Nghe thì thấy có nhiều nguồn bạt như vậy nhưng thật ra mọi người vẫn chưa quen với ý tưởng có ai đó muốn thu những tấm bạt thải này về, nên chúng tôi cũng phải thuyết phục rất nhiều” - Kiều Anh nói.

Cả nhóm còn nhớ chuyến đi gom bạt “vòng vòng Sài Gòn” từ Bình Chánh sang quận 12, lên Hóc Môn rồi lại xuống Tân Bình mất một ngày trời, cứ ở đâu có bạt người ta gọi thì lại áo mũ xe cộ rồi tất tả đi. Chuyến đi đó được xem là khá thành công, thu được chiến lợi phẩm là 90 mét vuông bạt che mái hiên và một mớ bạt lẻ tẻ khác.

Bạt gom về được tập kết ở xưởng để phân loại; bạt xe tải, mái hiên được dùng làm balô - dòng sản phẩm chủ lực của thương hiệu, các loại bạt ít bền chắc hơn thì để may túi đi chợ, giỏ xách… với tinh thần tận dụng triệt để. Riêng loại bạt banner sự kiện có độ bền kém thì được dùng may túi giao hàng.

Sau khi phân loại, bạt được mang đi chà rửa, vệ sinh bằng các sản phẩm an toàn cho sức khỏe và môi trường như baking soda, giấm, cồn sát trùng, men vi sinh… trước khi được chuyển sang các khâu thủ công tiếp theo là ủi, cắt, lên rập và may hoàn chỉnh.

Dòng Dòng Sài Gòn
Dòng Dòng Sài Gòn

“Dòng qua dòng lại”

Slogan của Dòng Dòng Sài Gòn là “dòng qua dòng lại, đỡ hại môi trường”. “Dòng dòng” là phát âm miền Nam của từ “vòng vòng”, cũng như vòng đời của những miếng bạt cũ từng tồn tại ở đâu đó loanh quanh Sài Gòn, chứng kiến nhịp sống Sài Gòn dưới nắng dưới mưa, trước khi vòng một vòng rồi về đến xưởng Dòng Dòng và bắt đầu một vòng đời tái chế mới.

Tuy xuất phát từ nỗi băn khoăn về môi trường, nhưng nhóm làm Dòng Dòng bảo mình “không dám” truyền tải thông điệp gì lớn lao cả, mà chỉ mong người tiêu dùng có được một lựa chọn từ một thương hiệu nội địa với những sản phẩm được làm chỉn chu, thông minh từ những vật liệu bình dị xung quanh mình, thể hiện được lối sống và văn hóa của nơi họ đang sống.

“Những cái cũ thì thường có nhiều chuyện để kể. Mái hiên là thứ quen thuộc đến nỗi mà người ta thường không để ý, nhưng khi mình cắt riêng ra từng chi tiết một thì thấy rất đẹp, cho mình cảm giác quan sát được dòng chuyển động của Sài Gòn” - Kiều Anh nói tiếp.

Lợi thế của sản phẩm từ bạt tái chế là nguyên liệu gốc vốn đã có sẵn khả năng chống nước, chống chọi sự khắc nghiệt của thời tiết. “Mình muốn tuổi thọ của sản phẩm được bền lâu để khách hàng xài thấy tốt, nếu người ta mua chỉ vì muốn chứng tỏ mình làm được gì đó cho môi trường, hoặc mua chỉ vì độc, lạ thì thật ra mình cũng không “cứu” được miếng bạt bao nhiêu hết” - Kiều Anh giải thích.■

“Chào bạn, tôi từng ngồi ở một góc Chợ Lớn khá lâu”, hay “Tôi từng là mái hiên của một quán cà phê ở Bình Thạnh” là những thông điệp nhỏ mà người sáng tạo muốn gửi đến người mang balô của mình.

Các thợ thiết kế của Dòng Dòng Sài Gòn chọn giữ lại và nâng niu những vết trầy, xước, bạt màu như một phần “trải nghiệm” trong vòng đời trước của tấm bạt, để khách hàng nhìn thấy được vẻ đẹp của những thứ bỏ đi, vì, như lời Kiều Anh, “mỗi chiếc balô, túi xách từ bạt tái chế đều mang trong mình những câu chuyện về Sài Gòn”.

“Những tấm bạt mình thu về thường sẽ in thông tin cửa hàng, rồi tên quán, có khi còn có cả hình món ăn trên đó nữa, những chi tiết đó nếu biết trân trọng và cắt cúp hợp lý, để làm nên những chiếc balô, túi xách thì thật sự đó là nét rất riêng, rất Việt Nam.

Kiều Anh

(Đồng sáng lập Dòng Dòng Sài Gòn)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận