Dòng phương bắc 2: Mỹ - Đức bắt tay, Ukraine hụt hẫng

TƯỜNG ANH 03/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Giằng co về số phận dự án đường ống khí đốt Dòng phương bắc 2 đã tạm khép lại hôm 21-7 với cái bắt tay giữa Mỹ và Đức trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao hai nước đã ra tuyên bố chung bật đèn xanh cho việc hoàn tất xây dựng đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu của Nga (nhà điều hành là công ty con 100% của Gazprom, Nord Stream -2 AG).

Ngay từ đầu năm 2015, dự án Dòng phương bắc 2 đã liên tiếp bị ba chính quyền Mỹ - Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden - chỉ trích. Dưới thời Trump, Quốc hội Mỹ đã thông qua hai đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt với dự án.

Washington lo ngại tuyến đường sẽ gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, lấy mất các khoản phí trung chuyển mà Ukraine thu được với khí đốt bơm qua đường ống hiện có. 

Một khi đã có thể đi vòng qua Ukraine, Matxcơva sẽ càng dễ dàng can thiệp vào tình hình Kiev.

Ảnh: Foreign Policy

 Đó là chưa kể Hoa Kỳ đang quảng bá khí hóa lỏng (LNG) của họ với thị trường EU. Tuy nhiên Tổng thống Biden, trong nỗ lực tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Berlin, đã dừng các lệnh trừng phạt với Dòng phương bắc 2. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói chính quyền Trump dù phản đối dự án này, đã đưa ra các biện pháp trừng phạt quá sát thời gian chính quyền mới lên và nắm được tình hình, khi đường ống được xây dựng đã hơn 90%.

Có thể tóm tắt thỏa thuận như sau: Washington đồng ý để Đức hoàn tất dự án; đổi lại, Berlin có nghĩa vụ sử dụng các đòn bẩy để gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine thêm 10 năm, sau khi hợp đồng hiện nay hết hạn vào năm 2024. 

Để bù đắp tổn thất cho Ukraine, các khoản đầu tư lên tới 1 tỉ USD dự kiến được đưa vào một quỹ xanh, giúp Ukraine chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. 

Đức sẽ góp cho quỹ này 175 triệu đôla ban đầu. Một đặc sứ sẽ được bổ nhiệm cho việc này và các cuộc đàm phán với Nga sẽ bắt đầu không muộn hơn ngày 1-9. Kremlin xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Merkel đã bắt đầu thảo luận về khả năng gia hạn thỏa thuận quá cảnh sau năm 2024.

Đức cũng hứa sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt chống Nga ở cấp độ châu Âu nếu Matxcơva sử dụng các nguồn năng lượng gây áp lực lên nước khác, bao gồm cả việc lạm dụng tuyến đường ống Dòng phương bắc 2.

Ukraine thất vọng

Ngay sau tuyên bố Mỹ - Đức, Ukraine và Ba Lan đã ra tuyên bố chung nhận định việc Mỹ từ bỏ nỗ lực ngăn chặn Dòng phương bắc 2 “làm trầm trọng thêm” cuộc khủng hoảng xung quanh đường ống dẫn khí đang thi công.

Bị đặt trước chuyện đã rồi bởi các thỏa thuận “sau lưng”, Kiev đã lái thỏa thuận sang hướng bảo đảm an ninh hơn là vấn đề kinh tế, nhằm đánh động sự quan tâm của phương Tây. 

Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ukraine, bà Olga Stefanishina, nói yêu cầu của Kiev là phải đảm bảo duy trì việc quá cảnh khí đốt và tiếp tục các hợp đồng ba bên.

Mặt khác, Kiev phải nhận được sự bảo đảm, chứ không phải thỏa thuận, liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. 

Bà Stefanishina nói các yêu cầu này đã được Kiev gởi cho Brussels bảy tháng trước nhưng vẫn không nhận được trả lời, và như đã thấy, không được thể hiện trong thỏa thuận Mỹ - Đức.

Người đứng đầu Tập đoàn dầu khí Ukraine Naftogaz Yuri Vitrenko thì cho rằng NATO nên đẩy nhanh việc đưa Ukraine vào hàng ngũ của mình liên quan đến các mối đe dọa xuất phát từ Dòng phương bắc 2. 

Ukraine lập luận rằng với việc hoàn thành việc xây dựng đường ống, “Nga sẽ bắt đầu sử dụng nguồn cung cấp khí đốt như một vũ khí địa chính trị, và không chỉ chống lại Ukraine mà còn chống lại các quốc gia châu Âu khác”.

Thỏa hiệp đổi lấy đầu tư

Báo kinh doanh Ý Il Sole 24 Ore đã gọi đó là bản chất của thỏa thuận. Do hậu quả các lệnh trừng phạt của Mỹ, việc xây dựng Dòng phương bắc 2 đã kéo dài hơn một năm rưỡi so với dự kiến, làm phát sinh thêm 560 triệu euro (660 triệu USD) chi phí. 

Các nhà phân tích tại Sberbank CIB vào năm 2018 từng ước tính chi phí tiềm năng của Dòng phương bắc 2 là 17 tỉ USD, bao gồm cả việc xây dựng đường ống trên đất liền. Theo đó, đường ống dẫn khí với công suất sử dụng 60% “sẽ không thể hoàn vốn trong vòng 20 năm”.

Báo tiếng Đức của Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung dự đoán rằng thỏa thuận Dòng phương bắc 2 giữa Hoa Kỳ và Đức sẽ gây ra chỉ trích trong Quốc hội Mỹ, “... bởi vì cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được hưởng lợi từ giải pháp này”, trong khi “thỏa thuận khó có thể tìm được sự chấp thuận ở Ukraine”. 

Tương tự, tạp chí Mỹ Foreign Policy cho rằng thỏa thuận Biden - Merkel đã “trao thắng lợi cho ông Putin” và “chấm dứt tuần trăng mật của ông Biden với Đông Âu”.

Phân tích lý do ông Biden nhượng bộ, Foreign Policy cho rằng khi nhậm chức, ông phải đối mặt với một đường ống sắp hoàn thành và mối quan hệ rạn nứt với Đức và Ukraine, trong khi thách thức từ Trung Quốc ngày càng tăng. 

Vào tháng 5, Washington đã quyết định không trừng phạt công ty và các cá nhân đứng sau dự án Dòng phương bắc 2, vốn có giám đốc điều hành là Matthias Warnig, một công dân Đức là cựu đặc vụ của cảnh sát mật Đông Đức.

Quyết định này được đưa ra vừa để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán với Đức, vừa để cứu vãn mối quan hệ rạn nứt với Berlin thời hậu Trump. 

Mặt khác, chính quyền Biden kết luận rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt không thể ngăn cản dự án, một khi nó đã hoàn thành hơn 90%. 

Tờ này dẫn lời Daniel Fried, từng là trợ lý ngoại trưởng thời George W. Bush, cho rằng chính quyền Biden đã mắc hai “sai lầm chiến thuật”: (1) Từ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi có được sự đảm bảo đủ vững chắc từ phía Đức; và (2) không tham khảo sớm ý kiến của Ukraine và Ba Lan, hai quốc gia kịch liệt phản đối dự án.

Thất bại của đe dọa xoay trục

Báo chí Nga đi xa hơn trong việc phân tích lý do thỏa thuận Mỹ - Đức. Tờ Sự thật Komsomol (KP) cho rằng khoản bồi thường được hứa cho Ukraine trông giống “của bố thí” hơn là trợ giúp. 

Ngoài ra, việc Washington hoãn chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Mỹ (từ cuối tháng 7 chuyển sang giữa tháng 8) cho thấy mức độ khó chịu của Bộ Ngoại giao Mỹ trước những nỗ lực của các chính trị gia Ukraine “tán tỉnh Trung Quốc”.

Kiev mới đây đã rút khỏi một tuyên bố được 40 nước ký kết lên án tình hình ở Tân Cương. Quan chức Chính phủ Kiev A. Arectovich còn nói rõ Ukraine “sẽ xoay trục về phía đông” nếu một số nước phương Tây vì sợ Trung Quốc mà kết giao với Nga gây bất lợi cho Ukraine. 

Cùng lúc, ông Zelensky dọa có thể thay đổi chính sách đối ngoại của Ukraine dựa trên bối cảnh thất bại của các cuộc đàm phán cuối cùng.

Quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn ở EU. Vài năm qua EU đã áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào khu vực, và dường như Hoa Kỳ đã quyết định giải thích với Ukraine rằng trong cuộc đối đầu giữa các siêu cường, Ukraine không nên “đi đêm”. 

Không chỉ vậy, Washington còn khuyên các chính trị gia Ukraine “hạn chế bình luận” về thỏa thuận này qua thông tin rò rỉ trên Politico.

Tuy nhiên, lựa chọn “xoay trục sang phía đông” của Kiev thực ra cũng rất hạn chế. 

Nhà phân tích chính trị người Ukraine Oleg Saakyan nói trên tờ KP rằng Trung Quốc cũng không quan tâm đến một Ukraine mạnh và độc lập: “Nếu muốn điều này thì chính Bắc Kinh, chứ không phải Hoa Kỳ, sẽ cung cấp cho Ukraine 750 triệu đôla để mua vũ khí. Và [Trung Quốc] đã không bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ tất cả các sáng kiến của Nga, chứ không phải của Ukraine”.

Vậy nên, nói một cách nhẹ nhàng, người Mỹ cho rằng họ không có nghĩa vụ phải bồi thường cho nền kinh tế èo uột của Ukraine, với những quan chức mà suốt bao thập niên vẫn không thể giảm bớt sự phụ thuộc của ngân sách vào việc vận chuyển khí đốt. 

Một số chuyên gia cho rằng viễn cảnh Nga từ chối vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024 cuối cùng có thể buộc các chính trị gia và quan chức Ukraine rời khỏi vùng an toàn và bắt đầu những cải cách thực sự trong lĩnh vực năng lượng.■

 
 Dòng phương bắc 2 (màu đỏ) và hệ thống đường ống hiện hữu (màu xanh). Ảnh: The Economist

Dòng phương bắc 2 là tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 1.234km từ Nga đến Đức băng qua biển Baltic. 

Nó được xây song song với Dòng phương bắc 1 đã đi vào hoạt động từ năm 2012, hệ thống này sẽ xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu qua biển Baltic, kết nối trực tiếp Gazprom (Nga) với người tiêu dùng, bỏ qua các quốc gia trung chuyển. 

Công suất của cả hai tuyến - với tổng chiều dài 2.468km - sẽ là 55 tỉ mét khối/năm. Đường ống đi qua vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của 5 quốc gia Đức, Đan Mạch, Nga, Phần Lan và Thụy Điển. 

Dự án được Đức và EU nói chung ủng hộ vì đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt rủi ro, chưa kể việc mua khí hóa lỏng từ Mỹ sẽ đắt hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận