14/11/2018 11:21 GMT+7

'Đồng phục hóa' đường phố: Chuyên gia phát hoảng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Các chuyên gia đã phát hoảng gọi nỗ lực của chính quyền tại phố 'đồng phục hóa' Đình Thôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là 'chiếc áo lòe loẹt trên cơ thể vẹo vọ', là 'đóng cũi con phố'… và nói rất cần xem xét lại dự án này.

Đồng phục hóa đường phố: Chuyên gia phát hoảng - Ảnh 1.

Các chuyên gia gọi việc dựng hàng cột gắn biển hiệu ở phố Đình Thôn chẳng khác nào "đóng cũi con phố" hay khoác tấm áo lòe loẹt để che phủ những nhem nhuốc bên trong - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Với việc dựng hàng cột đỏ ấy, người ta đã đóng cũi con phố này lại. Nó thể hiện sự yếu kém, nghiệp dư về thiết kế đô thị

KTS TRẦN HUY ÁNH

Việc xây dựng tuyến phố kiểu mẫu của phường Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội bằng cách dựng hàng cột đỏ chót dọc hai bên đường gây "vướng chân", "bẩn mắt", đang gây phản ứng gay gắt trong dân chúng.

Tuổi Trẻ Online ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia.

KTS Trần Huy Ánh: Người ta đã đóng cũi con phố này

Với một con phố nửa làng, nửa phố như Đình Thôn, những nhà quy hoạch, quản lý địa phương đang thể hiện rằng họ không đương đầu nổi với những thách thức đô thị hóa diễn ra quá nhanh ở con phố này.

Việc dựng hàng cột biển hiệu ở đây cho thấy họ đang đưa ra những giải pháp mang tính chắp vá, khiến nó càng trở nên rối loạn. Và nó chỉ làm được cái việc vá víu, lòe loẹt bên ngoài mà không giải quyết được các lộn xộn bên trong.

Phố ấy vốn đã chật hẹp, và sự thiếu hiểu biết về thiết kế đô thị khiến chính quyền địa phương đưa ra những can thiệp thô bạo, làm ra những các còn tệ hại hơn để nguyên.

Có một câu nói rất hay của người Trung Quốc, đại loại thà không làm còn hơn làm không ra gì. Câu này rất đúng trong trường hợp phố kiểu mẫu ở Đình Thôn.

Nói cách khác, với việc dựng hàng cột đỏ ấy, người ta đã đóng cũi con phố này lại. Nó thể hiện sự yếu kém, nghiệp dư về thiết kế đô thị. Nhưng cái tệ can thiệp đô thị nghiệp dư này lại đang rất tràn lan ở Hà Nội hiện nay.

Cơ hội tham gia thiết kế đô thị của kiến trúc sư Việt Nam đang rất ít. Và do những người quản lý địa phương đang làm thay công việc chuyên môn của các kiến trúc sư nên mới đẻ ra những sản phẩm như hàng cột biển hiệu ở phố Đình Thôn này.

Đồng phục hóa đường phố: Chuyên gia phát hoảng - Ảnh 3.

Lát đá vỉa hè, biển hiệu đồng phục ở phố Lê Trọng Tấn, đồng phục hóa' Đình Thôn… theo KTS Trần Huy Ánh "là sản phẩm của quản trị nghiệp dư, thiếu tinh thần học hỏi" - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội: Cần xem xét lại!

Ba khuyết điểm của của dự án hàng cột gắn biển hiệu làm phố kiểu mẫu ở Đình Thôn là đơn điệu, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ và không phát huy được sáng tạo của người dân.

"Chúng ta cần phải thống nhất nguyên tắc rằng cải tạo chỉnh trang các tuyến phố mẫu phải cải tạo đồng bộ. Cảnh quan bao gồm biển hiệu quảng cáo, cây xanh, đặc biệt các công trình kiến trúc xung quanh"

KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM

Tôi hoan nghênh chủ trương làm tuyến phố kiểu mẫu của chính quyền địa phương tại Đình Thôn, bởi sau thử nghiệm chưa thành công với tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, thì Đình Thôn là một tuyến phố mới hình thành.

Nằm trong khu vực ngoại thành cũ của Hà Nội, thí điểm ở đây sẽ là một "mẫu" mới. Nhưng muốn tạo ra một khu phố điển hình thì phải xem xét các yếu tố đồng bộ và tương đối toàn diện, có giao thông thuận tiện, không ách tắc, có cảnh quan đẹp.

Dự án tạo một loạt cột biển hiệu này mới chú trọng đến một yếu tố tạo thành tuyến phố mẫu là yếu tố biển hiệu quảng cáo, chưa phát huy được vai trò yếu tố kiến trúc xung quanh, chưa kể giảm thuận lợi cho người dân đi lại trên vỉa hè.

Đây là những điểm bất hợp lý cần xem xét lại.

Vừa qua, TP Hà Nội đã có chú ý đến cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Ở dự án này, các chuyên gia đã đặt ra khá đồng bộ từ cải tạo mặt nước đến chỉnh trang cây xanh, chiếu sáng, đề xuất một bộ quy định khung về biển hiệu quảng cáo chứ không áp đặt một mẫu duy nhất.

Họ còn đưa ra việc nhận diện từng ngôi nhà và đề xuất cải tạo theo hướng nào để bảo tồn không gian lịch sử đặc biệt này. Đây là một chương trình nghiêm túc, khoa học của TP Hà Nội và tôi nghĩ rằng các dự án xây dựng tuyến phố kiểu mẫu của Hà Nội nên học theo cách làm này.

Việc cải tạo, chỉnh trang một tuyến phố phải do dân, vì dân và huy động sức dân để làm.

Đồng phục hóa đường phố: Chuyên gia phát hoảng - Ảnh 5.

KTS Ngô Doãn Đức cho rằng thay vì dựng hàng cột gắn biến hiệu thì Đình Thôn nên được làm hè đường, hạ ngầm dây điện - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

TS. KTS Ngô Doãn Đức: Nên bỏ ý tưởng "đồng phục"

Không nói dự án tuyến phố kiểu mẫu ở Đình Thôn do ai làm nhưng những gì hiện hiện ra trước mắt dân cho thấy nó rất tùy tiện.

Vỉa hè ở đó vốn đã lổn ngổn, chật chội khó đi, giờ lại có thêm hàng cột gắn biển hiệu này khiến nó càng thêm vướng víu. Nhìn cảnh quan cả tuyến phố, hàng cột đỏ chót ấy chẳng khác nào một chiếc áo khoác lòe loẹt cố che đi một cơ thể vẹo vọ bên trong.

Theo tôi, TP không nên theo đuổi các ý tưởng "đồng phục" trên các tuyến phố nữa, vừa tốn phí, vừa không hiệu quả. Bởi trước đây Hà Nội từng có nhiều dự án tương tự nhưng không thành công.

Việc nên làm ở Đình Thôn lẽ ra là phải làm sao để đường thông hè thoáng, tốt hơn nữa thì cố gắng hạ ngầm các đường dây, nhưng ở đây lại cắm thêm một hàng cột vào một nơi chốn rất lộn xộn.

Đây chỉ là việc cố gắng bao phủ lên cái xộc xệch, nhem nhuốc của tuyến phố chứ không giải quyết được cái xộc xệch bên trong. Chẳng khác gì mạng nhện hóa cho tuyến phố, rắc rối hóa một cái đơn giản.

Việc sơn màu đỏ cho hàng cột rất không ổn về tâm lý màu sắc. Những màu mạnh này người ta thường chỉ dùng cho vài ngày lễ hội rồi thôi, không ai sử dụng trong thiết kế đô thị thường ngày, dài hạn.

Tôi nghĩ thay vì dựng hàng cột gắn biển hiệu này thì chính quyền nên chuyển hóa sang làm hè đường, hạ ngầm dây điện và làm thoát nước tốt, trau chuốt lại biển hiệu. Đó mới là những việc cần làm ở tuyến phố này.

Cần sự tham gia của người có chuyên môn

Nói chung những việc thiết kế đô thị, chỉnh trang đường phố cần phải có bàn tay của người có chuyên môn về thiết kế cảnh quan.

Các dự án này để đi được vào đời sống cần phải nghiên cứu kỹ, được thiết kế bởi các kiến trúc sư cảnh quan, chứ không thể do phường, quận tự đưa ra và thực hiện một cách áp đặt, duy ý chí.

Cán bộ quản lý không thể làm thay cả việc của người có chuyên môn. Nếu không nó sẽ tạo ra những thứ rất tệ hại giống như hàng cột gắn biển ở Đình Thôn này.

Nghệ sĩ thị giác NGUYỄN THẾ SƠN
(Đại học Mỹ thuật Việt Nam)

Hà Nội vừa "đồng phục hóa" thêm một tuyến phố

TTO - Khoảng 200 cột thép đỏ chót vừa được dựng lên dọc phố Đình Thôn (Hà Nội) để người dân gắn biển hiệu. Chính quyền nói làm vậy để tạo sự đồng bộ, văn minh, nhưng người dân lại thấy chúng “vướng chân”, “bẩn mắt”.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên