Như đã thông tin, trước tình trạng kẹt xe liên tục ở ngã tư Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), bạn đọc đề xuất một số giải pháp để tránh kẹt xe.
Đi làm hằng ngày trên đoạn đường này, bạn đọc Trần Minh Tâm hiện là kỹ sư xây dựng đã gửi đến Tuổi Trẻ Online một số gợi ý để giảm kẹt xe. Trong đó có đề xuất giải pháp phải tạm thời đóng ngã tư.
Theo một số bạn đọc, nguyên nhân gây kẹt xe ở giao lộ Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh do giao thông chưa điều tiết linh hoạt cùng vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa xử lý dứt điểm. Do đó đóng nút giao chỉ giải quyết được phần ngọn.
Liên quan góp ý của bạn đọc, đại diện Phòng khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết cần phải nghiên cứu cụ thể.
Đóng nút giao phải đi đường vòng gần 3km
Là người sinh sống tại đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), bạn đọc Sang cho rằng nếu đóng nút giao Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, người dân đi từ hướng đường Chánh Hưng (đường Phạm Hùng nối dài) qua ngã tư phải đi đường vòng gần 3km dưới dạ cầu Ông Lớn.
Khoảng cách đi lại như vậy quá xa và có thể ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt những người sinh sống ở đây.
Theo bạn đọc Sang, nút giao này đa phần chỉ ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm. Do đó những khung giờ này cần phải có người túc trực để phân luồng, điều chỉnh đèn tín hiệu hợp lý.
Những người dừng chờ đèn đỏ không đúng luật, cố tình lấn lên sát ngã tư phải bị xử phạt nghiêm. Những giải pháp này phần nào sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe trong lúc chờ các phương án căn cơ hơn như xây hầm chui, cầu vượt…
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Canh cũng cho rằng hiện lượng xe đi qua đây đều theo tín hiệu của đèn giao thông "cứng" và chưa có sự điều chỉnh theo thời điểm.
Có những khung giờ, dù phía bên này đã hết xe nhưng phía bên kia thì xếp hàng dài chờ đèn xanh.
"Để từ đường Phạm Hùng ra đường Nguyễn Văn Linh, tôi thấy phải chờ mất 3 lượt đèn xanh đỏ", bạn Canh bức xúc.
Thường xuyên đi qua nút giao này vào những khung giờ cao điểm, theo bạn đọc Toàn, buổi sáng khu vực này kẹt hướng từ quận 8 qua quận 1 khi xe cộ lên cầu Chánh Hưng. Còn buổi chiều kẹt hướng ngược lại.
Cầu Chánh Hưng với bề ngang nhỏ, tạo nút thắt cổ chai. Do đó cần phải có sự phối hợp, điều tiết giao thông của cơ quan chức năng để đảm bảo đoạn đường từ các ngã tư gần đó đến đường dẫn lên cầu, xe ô tô chỉ chạy trong 1 làn.
Xử lý nghiêm hàng rong lấn chiếm đường
Trong khi đó, theo bạn đọc Phạm, việc đóng nút giao là giải pháp khi có sự cố hoặc để xây dựng, kéo dài quãng đường các xe chạy. Riêng nút giao Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, bên cạnh lượng xe quá tải, việc chiếm lòng lề đường cũng là nguyên nhân gây kẹt xe.
Do đó lực lượng chức năng cần phải xử lý nghiêm những người lấn chiếm lòng lề đường bán hàng và những người ngang nhiên dừng đỗ xe dưới lòng đường để mua hàng khiến dòng xe bị ùn ứ.
Theo bạn đọc Trần Nam, đa số các loại xe đều đi vào trung tâm TP.HCM qua đường Phạm Hùng. Nhưng hiện đường này rất nhỏ, lại còn có chợ tạm nên tạo nút "thắt cổ chai". Các xe đẩy hàng rong chiếm một nửa trong dòng xe đi lại nên kẹt vẫn hoàn kẹt.
"Dù có làm cầu vượt hay đóng giao lộ cũng khó giải quyết nạn kẹt xe. Giải pháp hiệu quả trước mắt là giải tỏa chợ tạm, mở rộng cầu, bố trí lại đèn tín hiệu, phân luồng giao thông hiệu quả và nghiên cứu mở rộng đường Phạm Hùng", bạn đọc Nam góp ý.
Tương tự, theo tài khoản 24bi, việc thay đổi ý thức, chấp hành luật giao thông cũng sẽ góp phần làm giảm ùn tắc. Đường sá ở TP.HCM hiện đang chịu rất nhiều áp lực từ lượng lớn xe cộ, ý thức người lái xe giảm.
Trong thời gian chờ Sở Giao thông vận tải TP.HCM tìm ra phương án hợp lý, bạn đọc này đề xuất có quy định cấm vượt với các xe ô tô khi đi qua đường Phạm Hùng (đoạn từ đường Tạ Quang Bửu đến Nguyễn Văn Linh).
Đường Phạm Hùng vượt 111% khả năng phục vụ
Trong 20 tuyến đường chịu áp lực về giao thông nhiều nhất ở TP.HCM, đường Phạm Hùng đứng vị trí thứ 13. Trong 9 tháng đầu năm 2024 xảy ra 88 vụ ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng.
Hiện tuyến đường này đã vượt 111% khả năng phục vụ. Tình trạng giao thông tại đây đã vượt xa so với các tiêu chuẩn thiết kế khi xây dựng. Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra cũng khiến tuyến đường này dễ bị ùn tắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận