Nhà chức trách thành phố Munich sắp xếp nơi ăn, chốn tạm trú cho người tị nạn Trung Đông - Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Angela Merkel khẳng định: “Những gì chúng ta đang chứng kiến sẽ có ảnh hưởng xã hội lâu dài và sẽ thay đổi đất nước”. Nhà khoa học chính trị Hajo Funke của ĐH Tự do ở Berlin cho rằng đây là thách thức cực lớn đối với nền kinh tế số một châu Âu.
Theo AFP, Chính phủ Đức ước tính trong năm nay sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người tị nạn, cao gần gấp đôi so với kỷ lục năm 1992. Khi đó Đức đón 438.000 người tị nạn đến từ Nam Tư cũ. Phó thủ tướng Sigmar Gabriel dự báo trong các năm tới, Đức sẽ tiếp nhận 500.000 người tị nạn mỗi năm. |
Ông cho biết hệ thống giáo dục của Đức sẽ phải cải tổ toàn diện để thích ứng với dòng người tị nạn.
Ví dụ, chương trình học, quy chế tuyển sinh… sẽ phải có nhiều thay đổi lớn. “Chúng ta chưa từng trải qua tình huống tương tự ở châu Âu, do đó sẽ phải thực hiện nhiều thử nghiệm” - chuyên gia xã hội Meinhard Miegel nhận định.
Hòa nhập như thế nào?
Còn nhớ thời hậu Thế chiến II, các nước Đông Âu trục xuất 12 triệu người gốc Đức. Họ trở về một quốc gia gần như xa lạ, bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
“Khi đó Chính phủ Đức đã nỗ lực giúp họ hòa nhập vào xã hội. Có một điểm thuận lợi là 12 triệu người này nói tiếng Đức và có chung nền tảng văn hóa” - chuyên gia Miegel cho biết.
Ngược lại, dòng người tị nạn hiện nay chủ yếu đến từ các nước Trung Đông như Syria và Iraq, phần lớn không biết nói tiếng Đức. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế dự báo người tị nạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ hóa dân số đang già đi nhanh chóng của Đức và lấp đầy những khoảng trống trong lực lượng lao động.
Do tỉ lệ sinh thấp, dân số Đức dự báo giảm từ mức 81 triệu người hiện nay xuống còn 70 triệu vào năm 2060. Khả năng cân bằng ngân sách của Chính phủ Đức sẽ bị hạn chế do phải chi tiêu quá nhiều cho hệ thống hưu trí, an sinh xã hội cho người già.
Trong vài năm qua, các ngành công nghiệp ở Đức liên tục than thở tình trạng thiếu công nhân. Và người tị nạn có thể là giải pháp xử lý vấn đề này. Mới đây nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tổ chức đào tạo và bố trí công việc cho người tị nạn.
“Sự hòa nhập vào xã hội Đức luôn được thực hiện một cách hiệu quả qua thị trường lao động. Đức có thành tích tốt về phương diện này” - chuyên gia về di cư Orkan Koesemen của Tổ chức Bertelsmann Foundation khẳng định.
Cơ hội chứ không phải nguy cơ
Trên thực tế từ trước cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu, Đức đã là nhà của 15 triệu người nước ngoài hoặc có nguồn gốc nước ngoài. Kể từ Thế chiến II, Đức đã từng tiếp nhận vài làn sóng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư cũ và Iran. Có gần 3 triệu người gốc Thổ đang sống ở Đức.
Chuyên gia Koesemen cho biết Đức đã trải qua nhiều chuyển đổi lớn trong những năm qua. “10 năm trước, Đức tuyên bố chúng tôi không phải là quốc gia của người nhập cư. Bây giờ chính phủ khẳng định có thể tạo ra sức mạnh từ dòng người nhập cư. Đó là một thay đổi rất lớn” - ông Koesemen nhận định.
Ông nhấn mạnh về vấn đề nhập cư, kết quả tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách hòa nhập của chính phủ. Thủ tướng Merkel mới đây cho biết với kinh nghiệm đã có được từ quá khứ, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đức sẽ là giúp người tị nạn hòa nhập với xã hội Đức.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng người tị nạn tuân thủ luật pháp nước Đức. Chúng ta hãy nỗ lực để đảm bảo các cộng đồng người tị nạn không sống biệt lập, hướng nội, tách biệt với xã hội, tẩy chay sự hòa nhập hoặc xây dựng xã hội riêng cho mình” - bà Merkel nhấn mạnh.
Bà khẳng định nếu người tị nạn được hỗ trợ hòa nhập nhanh, được đưa vào trường học và lực lượng lao động một cách thuận lợi thì “đó là cơ hội đối với nước Đức chứ không phải là nguy cơ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận