14/06/2009 09:25 GMT+7

Dòng nghề tâm sử: Viết gia phả bằng nghệ thuật!

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TT - Dòng nghề tâm sử - câu chuyện nghệ thuật của đại gia đình bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng diễn ra vào tối 16-6 tại rạp Hưng Ðạo. Một chương trình thoạt nghe cứ ngỡ có tính "nội bộ", nhưng nói đến hát bội - cải lương tuồng cổ của mảnh đất Nam bộ rõ ràng không thể không nhắc đến đại gia tộc có hơn năm đời gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này!

J9IlHZYc.jpgPhóng to
NSND Thanh Tòng (trái) chỉ đạo diễn xuất trong buổi tập cho thế hệ thứ 6, bé Hồng Quyên (ảnh chụp sáng 13-6 tại rạp Hưng Đạo) - Ảnh: T.T.D.

Lần ấy có người bà con đưa cho NSND Thanh Tòng quyển gia phả. Ông xem, thấy có người mình biết, có người không, rồi ngẫm nghĩ: làm gì để con cháu sau này có thể nhớ rõ mặt mày, tận tường hoạt động nghệ thuật của từng người trong dòng họ, một dòng tộc có đến gần 90 năm ăn cơm nghệ thuật, mang ơn khán giả? Vậy là ông nảy ra ý tưởng: viết gia phả bằng hình ảnh nghệ thuật! Nghĩ thì nghĩ vậy, chứ lúc ấy ông cũng chưa mường tượng sẽ thực hiện ý tưởng độc đáo đó như thế nào. Bẵng đi một thời gian...

Không làm sẽ không còn kịp nữa...

fJFOx9LY.jpgPhóng to
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tòng trong vở Chiếc áo thiên nga - Ảnh: T.G.TIẾN

Đêm diễn Dòng nghề tâm sử có sự tham gia của hơn 100 diễn viên, trong đó hơn 30 nghệ sĩ thuộc dòng tộc. Có đến bốn ban nhạc gồm hát bội, hồ quảng, cổ nhạc, tân nhạc. Sẽ có tổng cộng tám tiết mục trong một chương trình dài khoảng ba giờ gồm: nghệ thuật giao hòa - khởi đầu lập nghiệp, hát bội pha cải lương, cải lương tuồng Tàu, cải lương hồ quảng, phần giới thiệu hậu duệ của nghệ sĩ Khánh Hồng, cải lương tuồng cổ, trích đoạn Thánh Gióng - giới thiệu chi tộc nghệ sĩ Huỳnh Mai, kế thừa truyền thống, đời nối đời, nghề truyền nghề - tiết mục kết thúc có sự xuất hiện của hơn mười diễn viên nhí là hậu duệ đời thứ sáu của dòng họ này cũng đang ngày đêm tập luyện để nối tiếp nghiệp tổ.

Chừng năm ngoái, Quế Trân - con gái nghệ sĩ Thanh Tòng - đề nghị tổ chức một live show riêng cho cha. Ý nguyện năm nào lại thức dậy, ông bày tỏ: "Ba chỉ muốn làm một chương trình cho cả dòng họ!".

Ý tưởng về chương trình nhanh chóng được bà con dòng tộc tán thành, và người được đặt trọn niềm tin để thực hiện cuốn gia phả "khác biệt" đó không ai khác hơn là NSND Thanh Tòng - hậu duệ xuất sắc đời thứ tư, người được dân trong nghề kính nể tôn xưng "vị thống soái của cải lương tuồng cổ". Chân đi khập khiễng vì căn bệnh thấp khớp nặng, huyết áp, tim mạch... lúc này lúc khác, vậy mà cả tháng nay ngày nào cũng thấy nghệ sĩ Thanh Tòng lật đật hết vô phòng dựng phim lại ra sàn tập. Quệt tay lau gương mặt mướt mồ hôi, ông thở gấp: "Có điều kiện phải làm, chứ để trễ sợ không còn kịp nữa...". Ông lo cũng phải bởi tuổi tác, thời gian nào có nương nhẹ ai đâu...

Năm thế hệ - một con đường

Những ngày ông miệt mài trong phòng thu, chắt lọc những thước phim tư liệu của gia đình để dựng thành những đoạn video clip cũng là những ngày ông lần giở lại những trang sử nghệ thuật của gia tộc. Ở đó có vinh quang mà cũng có những biến cố, những thăng trầm gắn với một hành trình dài của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nam bộ.

Quá khứ trôi về những năm 1920, thuở bà cố nội ông với gánh hát bội Vĩnh Xuân lừng lẫy một thời. Gánh hát đó đã sản sinh ra nghệ sĩ Hai Thắng. Từ một anh kép trẻ sáng giá, Hai Thắng nối tiếp nghiệp làm bầu của gia đình, lèo lái Vĩnh Xuân ban (diễn túc trực ở khu vực đình Cầu Quan) trở thành một trong những gánh hát nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn, Gia Ðịnh lúc bấy giờ.

Dòng nghề nối tiếp dòng nghề, thế hệ thứ ba của dòng tộc bắt đầu xuất hiện với những người con của bầu Thắng tiếp tục nối gót cha như nghệ sĩ Minh Tơ, Huỳnh Mai, Khánh Hồng, Bạch Cúc, nhạc sĩ Ðức Phú, con rể Thành Tôn... Như một thân cây cao lớn, rễ tỏa nhánh khắp muôn phương, dòng máu nghề càng được tiếp nối và thổi bùng với những thế hệ kế tiếp như gia đình ông Minh Tơ - bà Bảy Sự có các người con: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Công Minh, Thanh Sơn, nhạc sĩ Minh Tâm...;

Gia đình bà Huỳnh Mai - ông Thành Tôn có: Bạch Liên, Bạch Lựu, Bạch Lê, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc...; gia đình ông Khánh Hồng có nghệ sĩ Chí Bảo; gia đình bà Bạch Cúc - ông Hoàng Nuôi có con là đạo diễn Phượng Hoàng, nghệ sĩ Hiếu Sữa... Ðến nay là một lớp nghệ sĩ trẻ đang ngày một khẳng định vị trí của mình: Xuân Trúc, Trinh Trinh, Quế Trân, Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Ngọc Trinh, Ðiền Trung... và thấp thoáng đã có bóng dáng thế hệ thứ sáu, đó là nghệ sĩ nhí Hồng Quyên, Tú Quyên (con của nghệ sĩ Tú Sương).

Một gia tộc hơn năm đời vẫn giữ mạch ngầm xuyên suốt một dòng nghề. Từ những gương mặt xuất sắc của nghệ thuật hát bội thuở ban sơ đến phong cách cải lương tuồng cổ hiện nay, dòng tộc ấy đều có những cá nhân tiêu biểu tạo nên những khuynh hướng tiên phong, như ông Minh Tơ, Khánh Hồng, Ðức Phú... là những người sáng tạo cách hát bội pha cải lương; Thanh Tòng là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu xây dựng loại hình cải lương tuồng cổ...

Cây nhà lá vườn

Thời buổi kinh tế khó khăn, vậy mà nghệ sĩ Thanh Tòng vẫn cười rất tươi: "Cũng không tốn kém lắm vì tụi tui sử dụng cây nhà lá vườn không hà!".

"Cây nhà lá vườn" - câu nói chơn chất mà ẩn chứa niềm tự hào mạnh mẽ về truyền thống làm nghề của gia tộc. Không khó để có thể kể tên những nghệ sĩ xuất sắc của dòng họ chẳng những diễn giỏi mà còn có khả năng viết kịch bản và dàn dựng như Minh Tơ, Khánh Hồng, Thanh Tòng, Bạch Lựu, Trường Sơn, Bạch Long... Bởi vậy nên kịch bản nhà - không tốn catsê, đạo diễn nhà - không tốn catsê, diễn viên nhà - không tốn catsê, thậm chí khâu âm nhạc, biên đạo múa, phục trang... cũng không tốn nốt vì cũng do những người con không theo nghiệp diễn đảm nhiệm!

Chỉ có thứ mà nghệ sĩ Thanh Tòng tốn nhất thời điểm này là... nước mắt! Từng mảng ký ức, từng điểm nhấn, từng tiền nhân... nhắc đến là ông lại nghẹn lời từng chặp. Ðó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì một "quyển gia phả độc đáo" của gia tộc sắp hoàn thành trong nay mai.

Thời gian này, cứ độ chiều tối tại rạp Hưng Ðạo có một không khí tập tuồng rất đặc biệt mà không đoàn hát nào có được. Ba thế hệ của gia tộc cùng đứng trên một sàn tập, ba mẹ hướng dẫn con từng đường quyền, điệu múa; ông bà chỉ cháu cách sắp nhịp trong mỗi câu ca...

Nghệ sĩ Thanh Tòng cho biết khi hay tin gia đình ông tổ chức đêm diễn, tính đến nay có đến 15 đài truyền hình cả nước xin được hòa sóng cùng Ðài PT-TH Hậu Giang để truyền hình trực tiếp chương trình, không chỉ có các đài ở phía Nam như: Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Ðồng, Sóc Trăng, Bạc Liêu... mà có cả các đài ở miền Trung và phía Bắc như: Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hà Giang...

Vậy mới thấy sức ảnh hưởng của đại gia đình bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng không chỉ bó hẹp trong một gia tộc!

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên