Trong ngôi trường mầm non vừa khánh thành, các em thích thú với những trò chơi mới - Ảnh: CLB Mùa đông ấm
Ngôi trường này vừa khánh thành với hai phòng học, hai nhà vệ sinh, phòng giáo vụ, nhà bếp... Nhưng thu hút bọn trẻ hơn cả là sân chơi với cầu trượt, xích đu nhiều màu sắc.
Tôi bắt gặp một đứa trẻ địu em nhỏ trên lưng, ăn mặc phong phanh. Bàn chân của con bị rách da, vậy mà con vẫn hồn nhiên địu em chạy nhảy. Tôi chưa từng mường tượng ra điều ấy nếu không đến những vùng đất này
NGÔ ANH TUẤN
Tình nguyện không cần "đao to búa lớn"
Điểm trường mầm non thôn Ngải Thầu cũ (thuộc Trường mầm non xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) được xây tạm bằng gỗ từ 15 năm trước, nay đã xuống cấp. Trận lũ tháng 6-2018 vừa qua khiến một phần mái của trường bị sập. Chứng kiến những khó khăn, vất vả của thầy trò vùng cao, nhóm bạn trẻ thuộc CLB Mùa đông ấm kết nối với Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) huyện Bát Xát vận động hơn 323 triệu đồng và hiện vật, xây dựng ngôi trường khang trang cho các em.
Khởi công từ tháng 7, dự kiến trường xây xong sớm đón chào năm học mới. Nhưng mưa lũ liên tục, đường sá sạt lở khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn. Anh Nguyễn Tuấn Hùng, phó chủ tịch Hội LHTN huyện, cho biết Hội vận động trên 300 lượt thanh niên đưa vật liệu bằng xe máy lên tận điểm trường. Mãi đến tháng 11 trường mới được khánh thành. Ngày nào ngôi trường cũng nhộn nhịp bởi các em đến vui chơi cả khi đến lớp lẫn thời gian nghỉ.
"Thời điểm sắp xây xong, mấy anh em trên đó gửi hình ảnh về. Tôi háo hức chờ đợi xem trường mới sẽ như thế nào. Nhận những tấm hình thấy sung sướng quá, trước - sau thay đổi rõ rệt" - anh Ngô Anh Tuấn, người sáng lập CLB Mùa đông ấm, chia sẻ.
Nhắc lại chuyến đi đến Ngải Thầu, tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Thắng (CLB Mùa đông ấm) vẫn chưa hết xúc động. Chỉ 7km đường từ trung tâm xã lên bản nhưng Thắng cùng các bạn phải vượt qua ba điểm sạt lở, phía dưới là vực sâu mà đường đi chỉ đủ cho một chiếc xe máy chạy qua. "Bà con trên đó khổ quá, chưa có điện, cuộc sống vất vả vô cùng.
Tôi nghĩ tình nguyện không cần làm việc gì quá đao to búa lớn, mà nên xem bà con mong muốn gì nhất để hỗ trợ trong khả năng của mình" - Thắng tâm niệm.
Xây nhà tắm cho trẻ vùng cao
Anh Tuấn nhớ hơn 12 năm trước, lần đầu tiên anh đặt chân đến những vùng đất phía Bắc xa xôi của Tổ quốc và bị ám ảnh khi bắt gặp bàn chân của một em nhỏ đã rách da nhưng vẫn hồn nhiên địu em chạy nhảy. "Hình ảnh đó theo tôi mãi đến bây giờ. Về Hà Nội, tôi quyết định kêu gọi bạn bè lập nhóm để quyên góp quần áo, sách vở cho các con" - anh Tuấn nhắc lại kỷ niệm cũ.
Đến năm 2011, nhóm tìm đến xã Lũng Chinh (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) sống cùng bà con mấy ngày trời. Trong thời tiết rét buốt, bà con phải đi xách nước từ hồ treo về sinh hoạt, còn những đứa trẻ chỉ quây tạm bợ phên nứa hoặc quây áo mưa lại để tắm.
"Mọi người bảo trẻ con vùng cao quen cái lạnh rồi nhưng không đồng nghĩa với việc cơ thể các con thích nghi được với cái lạnh. Lạnh như thế kiểu gì cũng bệnh, tay chân các con run lẩy bẩy. Thấy vậy, chúng tôi chuyển hướng sang xây nhà tắm cho học sinh vùng cao" - anh Tuấn kể.
Nhóm bạn bắt đầu đi "gõ cửa" các đơn vị xin hỗ trợ nguồn lực. Năm 2014, những nhà tắm đầu tiên có hệ thống máy nước nóng lạnh được xây dựng tại huyện Mèo Vạc. Qua gần bốn năm, đến nay đã có bảy nhà tắm được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của nhóm bạn và các nhà hảo tâm.
"Nhà tắm đầu tiên xây xong, bọn trẻ thích lắm, thay nhau thử mở van nước ra. Quan trọng nhất là mấy đứa nhỏ không tắm ngoài trời nữa. Nhà tắm có nước nóng, trường nào không có điện thì dùng năng lượng mặt trời" - anh Tuấn vẫn nhớ như in sự hào hứng của các học sinh nơi đây.
Một mình không đủ nguồn lực gây quỹ hoạt động, anh Tuấn kêu gọi thêm bạn bè. Một người bạn nghe câu chuyện của nhóm đã giới thiệu đến những người bạn khác, dần dần lan tỏa hoạt động ý nghĩa trong cộng đồng. Đến nay trang fanpage của nhóm thu hút hơn 7.000 lượt theo dõi.
Dự tính trong năm tiếp theo, nhóm sẽ vận động nguồn lực xây dựng ít nhất 10 nhà tắm mới ở huyện Bát Xát.
Làm từ thiện phải minh bạch
Người sáng lập CLB Mùa đông ấm cho rằng việc vận động quỹ không khó lắm, song quan trọng nhất là làm từ thiện thì phải minh bạch, phải làm thực chất mới tạo được niềm tin của mọi người.
"Tôi nghĩ mình giúp người khác thì sẽ có người giúp mình thôi. Làm thiện nguyện chúng tôi được nhiều lắm, được mối quan hệ, được mọi người quý mến. Càng tham gia nhiều chương trình, tôi càng trăn trở vì bà con mình khổ quá" - anh Tuấn bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận