13/11/2016 09:12 GMT+7

Đông Nam Á trầy trật chống cướp biển

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bất chấp những nỗ lực song phương và đa phương trong 10 năm qua, Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng gia tăng các vụ cướp biển trong khu vực.

Tuần duyên Singapore tuần tra tuyến đường hàng hải gần eo biển Malacca - Ảnh: Reuters
Tuần duyên Singapore tuần tra tuyến đường hàng hải gần eo biển Malacca - Ảnh: Reuters

Đông Nam Á đang chứng kiến xu hướng các nhóm khủng bố, như Abu Sayyaf, kết hợp với các toán cướp biển trong khu vực để tấn công các tàu chở hàng

Báo cáo của IHS Maritime & Trade

Một báo cáo của chuyên trang về an ninh hàng hải IHS Maritime & Trade vừa công bố cho thấy cướp biển Đông Nam Á đã thay đổi chiến thuật từ cướp hàng hóa sang bắt cóc tống tiền.

Phương thức tấn công thay đổi

Với diện tích rộng và lực lượng tuần duyên mỏng, Đông Nam Á đang dần trở thành điểm nóng của thế giới về nạn cướp biển và cướp có vũ trang. Giai đoạn 1995-2013, khu vực này chiếm tới 41% tổng cộng các vụ cướp biển xảy ra trên toàn cầu, gây thiệt hại trung bình mỗi năm ít nhất 8,4 tỉ USD.

Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), năm 2015 Đông Nam Á xảy ra 178 vụ cướp biển tấn công, nhiều hơn cả vùng sừng châu Phi, vốn nổi tiếng với các toán cướp biển Somali.

Còn tính từ đầu năm 2016 đến nay, Đông Nam Á chiếm tới 1/3 số vụ tấn công tính trên toàn thế giới. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã giảm 65%.

Địa bàn hoạt động của cướp biển trong những năm gần đây đã bắt đầu dịch chuyển dần về phía đông, không còn lảng vảng xung quanh eo Malacca như trước. Nổi lên gần đây là Biển Đông, các vùng biển nằm giữa Indonesia, lãnh thổ phía đông Malaysia và Philippines.

Với diện tích lớn trải dài qua nhiều nước, lại thông thoáng và ít bị lực lượng tuần tra truy đuổi (vì lực lượng mỏng), đây là khu vực hoạt động lý tưởng của các toán cướp biển và tội phạm trên biển.

Báo cáo của IHS Maritime & Trade nhấn mạnh chiến thuật của cướp biển tại Đông Nam Á đã thay đổi trong ba năm trở lại đây. Thay vì cướp các tàu chở hàng, chúng chuyển sang bắt cóc để đòi tiền chuộc.

Ngoài các toán cướp biển chuyên nghiệp, nhóm khủng bố Abu Sayyaf đang “trỗi dậy” như một thế lực mới trong giới cướp biển ở Đông Nam Á. Nhóm này đóng trú ở Philippines và đang dẫn đầu trong các vụ tấn công theo phương thức mới.

Các hợp tác song phương, đa phương

Các vụ cướp biển thường có tính chất rất phức tạp, cả về địa lý và pháp lý, chủ yếu liên quan đến chủ quyền quốc gia trên biển. Phần lớn các vụ tấn công đều xảy ra tại các vùng biển chồng lấn hoặc tiếp giáp giữa các nước.

Nếu bị phát hiện và truy đuổi, các toán cướp biển có thể nhanh chóng tẩu thoát sang các vùng biển của nước lân cận.

Nắm rõ các quy luật hoạt động của các toán cướp biển và trách nhiệm của quốc gia ven biển, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra nhiều sáng kiến để đối phó, cả các nỗ lực đa phương và song phương.

Cách đây 10 năm, Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP) dưới sự bảo trợ và đồng thuận của 16 quốc gia châu Á mở ra hi vọng chấm dứt nạn cướp bóc tại một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới.

Đến nay, ReCAAP đã phát triển thành một mạng lưới với 20 quốc gia thành viên, trong đó khu vực Đông Nam Á có tám nước tham gia là Việt Nam, Brunei, Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Với Trung tâm chia sẻ thông tin đặt tại Singapore cùng các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên, ReCAAP đang cố gắng mở rộng và từng bước hạn chế các vụ tấn công.

Khi chủ quyền lãnh thổ trên biển tiếp tục là một vấn đề nhạy cảm trong khu vực, sự thành công của ReCAAP trong tương lai chỉ có thể được duy trì thông qua sự trung lập và phối hợp giữa các nước trong khu vực.

Ngoài hợp tác đa phương, giữa các nước Đông Nam Á còn có thỏa thuận hợp tác ba bên, hợp tác song phương như Hợp tác ba bên về an ninh hàng hải ở eo biển Malacca giữa Indonesia, Malaysia và Singapore; giữa Singapore và Malaysia; giữa Ấn Độ và Indonesia.

Mới đây nhất là thỏa thuận tuần tra chung trên biển Sulu giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.

Lãnh đạo ba nước đã đồng ý cho phép các lực lượng tuần duyên được phép truy đuổi cướp biển vào vùng biển của nhau với hi vọng có thể dẹp được các toán cướp biển và lập lại kỷ cương trong vùng biển này.

Hồi tháng 6, Indonesia đã phải ngừng các chuyến tàu chở than sang Philippines vì sự hoành hành của cướp biển, trong đó có nhóm Abu Sayyaf ở Sulu.

Hoạt động xuất khẩu than chỉ mới được tiến hành trở lại hồi tháng 10 vừa rồi nhưng chỉ có các tàu trên 500 tấn mới được xuất bến, theo Bộ Giao thông vận tải Indonesia.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa có chuyến công du Malaysia và thảo luận cùng Thủ tướng Najib Razak nhiều vấn đề, trong đó có việc chống cướp biển.

Trước đó, ông Duterte từng thúc giục Malaysia và Indonesia cùng Philippines tuần tra chung trên biển để chống cướp biển, nạn bắt cóc con tin và các loại tội phạm ngoài biển khác trong vùng biển chung của ba nước.

Theo Reuters, sau cuộc gặp hôm 10-11, hai nhà lãnh đạo Philippines và Malaysia đã thống nhất sẽ cùng Indonesia “truy đuổi nóng” nhóm khủng bố này trong vùng biển ngoài khơi Sulu, một tỉnh tự trị ở miền nam Philippines. Philippines sẽ cho phép tàu Malaysia vào hải phận của mình nếu họ đang truy bắt khủng bố, cướp biển.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên