19/03/2016 11:15 GMT+7

Đông Nam Á thắt chặt quan hệ quốc phòng với Úc

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Trước tình hình Trung Quốc ngày càng có những động thái ngang ngược tại Biển Đông, một số nước Đông Nam Á đang chủ động tăng cường quan hệ quốc phòng với Úc.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định lập trường nước này cho rằng tự do đi lại trên Biển Đông là vấn đề cần được bảo vệ - Ảnh: Theage
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định lập trường nước này cho rằng tự do đi lại trên Biển Đông là vấn đề cần được bảo vệ - Ảnh: Theage

Theo TheAge (Úc), hoạt động hợp tác quốc phòng giữa Úc và các quốc gia Đông Nam Á ngày càng trở nên cần thiết hơn khi Mỹ cảnh báo việc tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết về khiếu nại của Philippines với Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thời gian tới có thể sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tuyên bố một vùng đặc quyền của họ tại vùng biển có 30% hàng hóa thương mại thế giới lưu thông qua.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Úc, bà Marise Payne vào tuần tới để thảo luận về việc Trung Quốc đưa các khí tài quân sự ra những vùng đảo nước này chiếm đóng tại Biển Đông.

Chuyến công du của ông Hishammuddin Hussein là dấu hiệu cho thấy Malaysia đang xem xét một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Trước đây Malaysia từng né tránh quan điểm đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, duy trì thế cân bằng trong chính sách ngoại giao của họ với Bắc Kinh.

Trong một diễn biến liên quan, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đang lên kế hoạch công du tới Úc vào tháng 5 tới để thảo luận về một loạt các hiệp ước mới giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận về tăng cường hợp tác quốc phòng.

Sau một cuộc họp tại Sydney ngày 18-3, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và người đồng cấp Singapore, ông Vivian Balakrishnan đã tuyên bố cả hai nước cùng cam kết bảo vệ quyền của các nước trong việc tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông.

“Đó và việc Úc đã làm trong quá khứ và cũng là việc mà chúng tôi sẽ tiếp tục làm”, bà Bishop nói.

Ông Balakrishnan cho biết mặc dù là một quốc đảo nhỏ bé, nhưng tổng giá trị thương mại của Singapore nhiều gấp 3 lần so với GDP của họ, do đó an ninh đi lại trên Biển Đông là vấn đề hết sức thiết thân với Singapore.

Theo Hiệp định phòng thủ FPDA ký kết năm 1971, 5 nước Malaysia, Singapore, Úc, Anh và New Zealand đã cam kết sẽ “tham vấn” nhau trong một sự việc hoặc khi có nguy cơ tấn công vũ trang xảy tới với Malaysia và Singapore.

Theo Reuters, chỉ huy các hoạt động của hải quân Mỹ - đô đốc John Richardson - nói việc Trung Quốc gia tăng tốc độ quân sự hóa trên Biển Đông đã thúc đẩy các nước khác trong khu vực hợp tác với nhau. Từ đó dẫn đến các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ, Nhật và Ấn Độ cũng như mối quan hệ hợp tác quốc phòng chưa từng có tiền lệ giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.

Đô đốc John Richardson cho biết Mỹ hoan nghênh các nước khác cùng tham gia các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông. Nước này cũng đã lên kế hoạch tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh khu vực đảo, đá bị Trung Quốc đơn phương chiếm đóng, bồi đắp thời gian qua tại Biển Đông. 

 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên