Đông Nam Á gấp rút sắm tàu ngầm

HỮU NGHỊ 01/05/2012 02:04 GMT+7

TTCT - Sau khi đã có những cảnh báo về mối nguy cơ từ tàu ngầm Trung Quốc qua các vụ đụng độ với tàu sân bay hoặc tàu khu trục của Mỹ, các nước Đông Nam Á phản ứng ra sao trước mối đe dọa này?

Phóng to
Tàu ngầm Scorpene của Pháp trang bị cho hải quân Malaysia - Ảnh: shaktiraj25.blogspot.com

Hơn ai hết, đề đốc Hank McKinney, nguyên tư lệnh lực lượng tàu ngầm hạm đội Thái Bình Dương, hiểu thế nào là ý nghĩa của việc tàu ngầm Trung Quốc lớp Song rẽ nước 2.200 tấn, mang đến 18 thủy lôi, lại có thể bám sát được chiếc Kitty Hawk đến thế mà cả tá tàu hộ tống không hay biết! Ông chỉ phát biểu: “Họ đang xây dựng một lực lượng tàu ngầm đủ tin cậy có thể gây khó dễ cho hải quân Mỹ”.

Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng

Nhật từng là cường quốc tàu ngầm

Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản có đội tàu ngầm với sức mạnh đáng nể về mọi mặt, từ tốc độ khi lặn đến tầm hoạt động và trọng tải (5). Ngay từ năm 1938, Nhật Bản đã trình làng một chiếc mang số hiệu 71, có tốc độ khi lặn lên đến 21 hải lý/giờ. Trong chiến tranh, Nhật Bản đã có trong tay đến 52 tàu ngầm có độ rẽ nước đến hơn 5.000 tấn trên tổng số 56 chiếc loại này của toàn thế giới, làm chủ 65 tàu ngầm có tầm hoạt động trên 20.000 dặm ở tốc độ 10 hải lý/giờ, trong khi không một tàu ngầm đồng minh nào đạt tính năng này, thậm chí toàn thể 57 chiếc tàu ngầm trên thế giới thời đó có tốc độ trên 23 hải lý/giờ đều là của hải quân Nhật. Đặc biệt có chiếc có tầm hoạt động lên đến 37.500 dặm ở tốc độ 14 hải lý/giờ - tầm hoạt động đến nay chưa tàu ngầm phi hạt nhân nào đạt được.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng “thiên hạ vô địch” về số lượng tàu ngầm “bỏ túi” với 110 chiếc có tốc độ 16 hải lý/giờ, trong đó 78 chiếc có tốc độ 19 hải lý/giờ, nhanh hơn tàu ngầm kiểu XXI của Đức thời đó chỉ đạt 17,5 hải lý/giờ.

Trong biên khảo China's future nuclear submarine force (lực lượng tàu ngầm hạt nhân tương lai của Trung Quốc), giáo sư Thomas Mahnken của Học viện Hải quân Mỹ cũng cảnh báo việc Trung Quốc dự định đưa vào sử dụng trong vòng một chục năm sau đó đến 20 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân còn tối tân hơn lớp tàu ngầm Song. Ông viết: “Với số tàu ngầm đông đảo bổ sung này, hải quân Trung Quốc sẽ tăng khả năng tỉ thí với hải quân Mỹ thật xa bờ biển Trung Quốc” (1).

Ngay từ năm 2003, tiến sĩ Lyle Goldstein và thiếu tá hải quân Bill Murray đã quan sát hệ thống đào tạo nhân lực tàu ngầm của Trung Quốc và ghi nhận như sau: “Hải quân Trung Quốc gần đây cải tiến chương trình canh tân việc “huấn luyện chéo” các sĩ quan tàu chiến và tàu ngầm bằng cách nâng cấp từ các diễn tập lặp đi lặp lại những quy ước cũ sang các thao diễn mang tính “đối đầu”, cho phép tự do thao tác hơn. Các bài tập tác chiến hỗn hợp mang tính cạnh tranh và thực tế này đang trở thành các bài tập chuẩn trong hạm đội và nhất là trong lực lượng hải quân” (2).

Gần đây hải quân Trung Quốc cho biết họ định làm gì với lực lượng tàu ngầm của mình. Nhật báo Quân Giải Phóng Trung Quốc ngày 13-12 năm ngoái loan tin lực lượng tàu ngầm hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa hoàn tất đợt huấn luyện tác xạ bằng thủy lôi năm 2011 với kết quả toàn bộ số thủy lôi phóng đi đều trúng đích.

Nhật báo Asahi Shimbun của Nhật ngày 25-1-2012 khi đưa lại tin này đã không quên bổ sung ghi nhận sau: “Những nhà quan sát các quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đều đồng thanh nghĩ đến việc thủy thủ đoàn các tàu ngầm đó của Trung Quốc sẽ chẳng cần thử tài trên bia nữa, mà là trên các mục tiêu thật một tương lai gần”.

Đông Nam Á bị cuốn theo làn sóng tàu ngầm

Các nước Đông Nam Á không thể đứng ngoài cuộc. Ristian Atriandi Supriyanto, một nhà nghiên cứu Indonesia đang làm việc tại Viện nghiên cứu chiến lược S. Rajaratnam (Singapore), tóm tắt cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm ở Đông Nam Á như sau:

“Tàu ngầm đang dẫn đầu danh sách mua hàng của hải quân Đông Nam Á. Indonesia từng mua tàu ngầm từ đầu thập niên 1960 và 1980. Đến năm 1995, Singapore là nước thứ nhì mua tàu ngầm của Thụy Điển. Malaysia nối gót năm 2002 với hai tàu ngầm Scorpene của Pháp, gọi là để đáp trả Singapore. Gần đây Thái Lan lên kế hoạch mua sáu tàu ngầm kiểu 206 cũ của hải quân Đức với giá 257 triệu USD. Philippines cũng mới loan báo sẽ mua một tàu ngầm. Việt Nam từ tháng 12-2009 quyết định mua sáu chiếc Kilo của Nga...

Cả sáu nước Đông Nam Á nêu trên đều mua tàu ngầm tấn công quy ước sử dụng động cơ diesel, trang bị thủy lôi và tên lửa đối hạm (3). Trước tình hình đó, Indonesia phải mua thêm tàu ngầm bổ sung và đã gạch tên tàu ngầm Kilo ra khỏi danh sách”.

Tháng 1 năm nay, Koh Swee Lean Collin, một nhà nghiên cứu Singapore cũng của Viện nghiên cứu chiến lược S. Rajaratnam, mô tả chi tiết hơn chọn lựa này của Indonesia và đưa ra đánh giá như sau:

“Hải quân Indonesia vừa ký hợp đồng 1,1 tỉ USD mua ba chiếc tàu ngầm kiểu 209/1400 (đời sau) động cơ điện - diesel do Hàn Quốc đóng. Kế hoạch quốc phòng 2024 đặt ra yêu cầu phải có ít nhất mười tàu ngầm. Từ hơn ba thập niên qua, hải quân Indonesia vận hành hai chiếc Type-209 (đời đầu) của Đức. Những chiếc kiểu Type-209 đời mới này có lẽ sẽ thay thế cặp tàu ngầm hiện có.

Về mặt kỹ thuật, những chiếc kiểu 209 đời mới này không còn được Hàn Quốc “tin dùng” và đang được lần hồi thay thế bởi lớp tàu ngầm Sohn Won-Il vốn là một biến thể của kiểu tàu ngầm 214 của Đức. Cho dù những chiếc 209 đời mới có thể phóng tên lửa đối hạm trong lúc đang lặn dưới nước thì khả năng này cũng không mới mẻ gì so với các tàu ngầm Scorpene của hải quân Malaysia được trang bị tên lửa SM-39 Exocet, hoặc các tàu ngầm Kilo của Việt Nam được ghi nhận là trang bị tên lửa Klub-S do Nga thiết kế”.

Có lẽ sự nháo nhào sắm tàu ngầm này nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng lực lượng còn được “kích động” bởi một lý do khác: vụ tàu tuần tiễu Cheonan của Hàn Quốc cách đây hai năm bị trúng một thủy lôi “lạ” vỡ đôi và chìm.

Kết luận của tổ điều tra hỗn hợp gồm 25 chuyên viên dân sự Hàn Quốc 22 chuyên viên quân sự Hàn Quốc cùng với 24 chuyên viên nước ngoài (Mỹ, Úc, Anh, Thụy Điển) đã khẳng định “một vụ nổ mạnh dưới nước do sự kích nổ của một thủy lôi CHT-02D do Triều Tiên sản xuất, nặng 1,7 tấn, chứa lượng chất nổ đến 250kg đã khiến chiếc Cheonan vỡ làm đôi và chìm” (4).

Phóng to
Tàu ngầm Nhật lớp Oyashio ngày nay - Ảnh: indiandefence.com

Huấn luyện chống tàu ngầm

Những cảnh báo đó cho thấy trang bị tàu ngầm thôi chưa đủ. Theo nhà nghiên cứu Supriyanto, phải thay đổi quan niệm về tác chiến chống tàu ngầm và tăng cường rèn luyện chống tàu ngầm: nhất thiết phải lắp các cảm ứng săn tàu ngầm trên mọi phương tiện, đặc biệt trên máy bay của hải quân. Hệ thống săn tàu ngầm hiện thời trên các tàu chiến không đủ để đảm đương nhiệm vụ.

Trong bối cảnh tàu ngầm hay máy bay chiến đấu ngày càng lúc nhúc dưới đáy biển hoặc nườm nượp trên trời, có khi lại cùng sử dụng một loại tàu ngầm, một kiểu chiến đấu cơ, điều tạo nên sự khác biệt chính là đào tạo, huấn luyện như thế nào.

Để săn tàu ngầm, phải dò ra chúng và dò ra từ xa. Hải quân Ấn Độ do phải tuần tiễu cả một vùng biển rộng lớn trên Ấn Độ Dương, mới mua một lúc 12 máy bay P-81 tuần tiễu trên biển cùng thủy lôi Mk-54 kèm theo. Chiếc P-81 là máy bay phản lực hai động cơ do Boeing chế tạo, có tầm hoạt động 1.200 hải lý, còn thủy lôi Mk-54 là loại hiện đại nhất trong danh mục của hải quân Mỹ, hiện đang được hải quân Úc sử dụng.

Ấn Độ sử dụng P-81 để canh giữ và bảo vệ “vòng ngoài”, còn “vòng trong” trong phạm vi 350 hải lý thì hải quân nước này đang phân vân trước các chào hàng của các hãng American Lockheed Martin, Swedish SAAB, French Dassault Aviation, Brazilian Embraer và EADS. Hải quân Malaysia thì xem trực thăng như là vũ khí chống tàu ngầm chủ yếu nên đang sử dụng sáu chiếc Westland SuperLynx và nay muốn mua thêm sáu chiếc khác nhiều tính năng hơn.

Thái Lan đang có kế hoạch nâng cấp các trực thăng Sikorsky S-70-7 của hải quân. Singapore đang muốn mua máy bay tuần tiễu chống tàu ngầm P-3C. Indonesia cũng nhắm đến mua trực thăng săn tàu ngầm để trang bị trên các tàu hộ tống Sigma 9113 của Hãng Damen (Hà Lan).

__________

(1) http://the-diplomat.com/2011/10/20/china%E2%80%99s-overhyped-submarine-threat/
(2) http://www.military.com/NewContent/0,13190,NI_China_0303,00.html
(3) http://www.thejakartapost.com/news/2011/07/26/southeast-asia%E2%80%99s-underwater-bazaar.html
(4) http://www.mnd.go.kr/webmodule/htsboard/template/read
(5)
http://www.combinedfleet.com/ss.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận