Ngày 28-11, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện hành động về bảo tồn voi rừng trên địa bàn.
Đây là động thái triển khai "Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa được phê duyệt vào ngày 28-8 vừa qua.
Đàn voi rừng ở Đồng Nai có 27 con
Giai đoạn 1990-2008, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu, đã có rất nhiều khảo sát điều tra số lượng voi rừng ở Đồng Nai. Trước năm 2009, tình hình xung đột voi - người ở Đồng Nai rất nghiêm trọng khi ghi nhận thiệt hại cả về người và voi.
Từ năm 2013 đến nay, Đồng Nai đã và đang thực hiện một loạt giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển quần thể voi rừng: điều tra đánh giá số lượng, xác định sinh cảnh sống, vùng phân bố, nguồn thức ăn, xây dựng khoảng 72km hàng rào điện, 3 chòi giám sát, 6 chảo nước...
Ngoài ra, trong năm 2019 Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục Lâm nghiệp) đã làm việc với Tổ chức Humane Society International (HSI) đề xuất và hỗ trợ các giải pháp bảo tồn phù hợp cho đàn voi rừng ở Đồng Nai.
Sau 3 năm thực hiện (2020-2023), có 3 sáng kiến được triển khai với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, công tác bảo tồn voi ở Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể đã đưa ra được các giải pháp bảo tồn mang tính khả thi, phù hợp tại tỉnh Đồng Nai, lập được các thẻ định dạng, xác định quần thể voi hoang dã có 27 con. Đàn voi rừng ở Đồng Nai được xem là quần thể voi hoang dã lớn thứ hai cả nước hiện nay.
Mục tiêu chung sống hài hòa giữa voi và người
Đồng Nai triển khai kế hoạch thực hiện hành động về bảo tồn voi rừng với nhiều mục tiêu cụ thể. Đầu tiên là thực hiện các giải pháp toàn diện để bảo tồn và phát triển đàn voi rừng, giảm thiểu các mối đe dọa, phục hồi quần thể tại những khu vực có sinh cảnh sống phù hợp cũng như hoàn thiện khung pháp lý liên quan.
Đảm bảo và cải thiện môi trường sống cho đàn voi rừng thông qua việc duy trì, nâng cao chất lượng các vùng sinh cảnh, ngăn chặn việc xâm hại và chia cắt vùng sống của voi...
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao hiểu biết về voi rừng; duy trì và phát triển quần thể voi rừng; cải thiện môi trường sống; nâng cao năng lực cho các bên có liên quan; nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn voi rừng thông qua các hoạt động truyền thông.
Đặc biệt là giảm thiểu xung đột voi - người, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sống chung hài hòa...
Còn 100-130 con voi rừng
Theo báo cáo, trong vòng 40 năm qua, voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm mạnh, từ khoảng 2.000 con còn 100-130 con.
Trong đó, Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước với 27 con. Trong đó có khoảng 8 voi đực và 3 voi cái trưởng thành.
Theo HSI, đàn voi rừng ở Đồng Nai là quần thể khỏe mạnh với điểm trung bình thể trạng đạt 8 điểm (điểm cao nhất ở khung thể trạng tốt). Điều này cho thấy sinh cảnh của voi rừng ở Đồng Nai rất tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận