Chuyển đổi số trong công tác quản lý
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã chú trọng về đầu tư hạ tầng số, nền tảng số cơ quan; về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, sử dụng trên hệ thống quản lý văn bản điều hành http://www.vpdt-snndn.gov.vn.
100% cơ quan, đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện chữ ký số và văn bản điện tử. Hiện nay 100% văn bản (trừ văn bản mật) gửi cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh đều được ký số và gửi hoàn toàn trên môi trường mạng thông qua trục liên thông của tỉnh
Về triển khai một cửa điện tử, cung cấp/công bố dịch vụ công trực tuyến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sử dụng các phần mềm trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính giữa các bộ phận.
Hơn 90% thủ tục hành chính được vận hành trên môi trường điện tử, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 gần 1.900 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 98,3%.
Xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp Đồng Nai
Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đang sử dụng nhiều phần mềm/cơ sở dữ liệu ngành trong nhiều lĩnh vực gồm:
- Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản;
- Trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; chăn nuôi và thú y;
- Các phần mềm phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra.
Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản tại địa chỉ http://checkvn.mard.gov.vn. Hệ thống trên đang được kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh/TP và ngành mía đường.
Đến nay, cả nước đã có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của gần 17.000 sản phẩm nông sản thực phẩm. Đồng Nai là 1 trong 8 tỉnh/thành phố được phân công tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Nguyễn Trường Giang, từ năm 2020, tỉnh triển khai 2 dự án là quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật.
Về dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200 cá nhân, tổ chức tham gia gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân thu mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học...
Lũy kế đến cuối tháng 6-2023, toàn tỉnh có hơn 47.500 con heo được truy xuất nguồn gốc. Dự án quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận