Sáng 17-7, tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, đại biểu HĐND đã chất vấn về tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra trên địa bàn với số lượng lớn người ngộ độc và mức độ nghiêm trọng.
Điển hình như vụ hơn 500 người ngộ độc bánh mì tại thành phố Long Khánh, 94 công nhân ngộ độc mì Quảng ở Trảng Bom... khiến cử tri lo lắng về việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Sơn Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết vừa qua địa bàn đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng 657 người, trong đó có một ca tử vong.
Việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm chủ yếu do các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh thực hiện.
Việc kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại cấp huyện và cấp xã còn tình trạng nể nang, chưa nghiêm, tỉ lệ nhắc nhở chiếm trên 71%.
Lý giải nguyên nhân, ông Hùng cũng cho hay địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp có nhiều bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào còn khó khăn.
Bên cạnh đó, nhóm cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chiếm tỉ lệ cao nhưng ý thức tuân thủ pháp luật của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp chế biến thực phẩm của nhóm đối tượng này chưa cao.
Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn vì có đơn vị cung cấp lấy hàng qua nhiều đơn vị trung gian khác nhau, không ghi chép sổ sách để truy xuất nguyên liệu đầu vào.
Về giải pháp an toàn thực phẩm, ông Hùng cho hay UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo cho các ngành rà soát các quy định quản lý về thẩm định, cấp phép, hậu kiểm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, công khai xử lý các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tránh nhũng nhiễu…
Kiến nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt
Về giải pháp lâu dài, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm và các chức danh khác theo quy định tại khoản 2, điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đồng thời nghiên cứu, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thủ trưởng cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm như: trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm, chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận