Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam (KCN Amata, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bố trí cho hơn 1.000 lao động ở lại doanh nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" - Ảnh: B.A.
Ngày 26-9, UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng chống COVID-19 theo kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội (kế hoạch 11102), ban hành ngày 15-9.
Mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát.
Điều kiện chung thực hiện các phương án gồm doanh nghiệp, người lao động, di chuyển áp dụng trong các phương án sản xuất và xét nghiệm lao động.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp không có F0 trong 14 ngày, phải có phương án sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, đặc biệt phải bố trí nơi tạm thời cách ly F0, F1 dự phòng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Trong đó, doanh nghiệp "3 tại chỗ" phải quản lý chặt chẽ việc ra - vào doanh nghiệp của người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp xúc với người bên ngoài; không cho người lao động về địa phương hoặc đón người lao động vào doanh nghiệp khi địa phương chưa đồng ý…
Trường hợp phát hiện F0 trong doanh nghiệp phải kích hoạt phương án phòng chống dịch và báo ngay cho cơ quan chức năng; dừng ngay hoạt động các chuyền, phân xưởng có F0, chủ động thực hiện cách ly F0, truy vết F1, F2.
Đối với người lao động tham gia các phương án phải ở vùng xanh, được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (sau 14 ngày) hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 180 ngày; người đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô dưới 9 chỗ) đi đúng lộ trình từ nơi cư trú đến doanh nghiệp và ngược lại.
Đặc biệt người lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không chấp hành đúng các quy định phòng chống dịch làm lây lan dịch bệnh.
Trường hợp doanh nghiệp tổ chức đưa đón tập trung phải thông báo danh sách lao động đến UBND cấp xã nơi lao động cư trú để phối hợp giám sát; phương tiện đưa đón phải đăng ký hoặc cấp mã QR.
Trường hợp doanh nghiệp cho lao động đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân bắt buộc phải làm việc với UBND cấp xã thống nhất việc đi về của lao động để chính quyền ký giấy xác nhận. Giấy này cũng được xem như giấy đi đường.
Về phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp "3 tại chỗ" tiếp tục thực hiện các phương án đã đăng ký. Ngoài ra, doanh nghiệp "3 tại chỗ" được thực hiện hoán đổi và bổ sung lao động; cho người lao động đi về hằng ngày.
Đối với doanh nghiệp đang dừng hoạt động do không thực hiện "3 tại chỗ" trước đây có nhu cầu hoạt động trở lại có thể lựa chọn đăng ký phương án "3 tại chỗ" hoặc tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận