Toàn tỉnh có 442 trang trại (chiếm khoảng 21% tổng số trang trại) sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Với hai vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%.
Trong đó không thiếu các trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới. Tiêu biểu như Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Long Thành Phát (huyện Long Thành) là đối tác cung cấp nguồn thịt gà an toàn xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, tỉnh cũng phát triển theo hướng CNC. Trong đó nuôi thủy sản nước lợ tập trung ở huyện Nhơn Trạch và Long Thành với mô hình ứng dụng CNC nuôi tôm không ngừng tăng nhanh về diện tích, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Trường Đại, nông dân tiên phong ứng dụng CNC nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), cho biết so sánh với công nghệ nuôi mới như lót bạt ni lông ở đáy ao, làm lưới che phía trên ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động..., năng suất tôm mỗi vụ cao gấp nhiều lần so với nuôi ao đất, tăng lên 4 - 5 vụ/năm, cao gấp hai lần so với cách nuôi truyền thống.
Nhờ đó, ngành thủy sản Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác như trồng trọt, chăn nuôi. Hiệu quả sử dụng đất thủy sản cũng không ngừng tăng lên, đạt mức 485 triệu đồng/ha/năm.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên nông dân trong tỉnh đã sớm có ý thức ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, hình thành lớp nông dân thời công nghệ hiện đại.
Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp CNC của Đồng Nai là nông dân không áp dụng rập khuôn mà rất sáng tạo trong ứng dụng CNC vào sản xuất, có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện tại địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, nông nghiệp CNC là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh.
Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thời gian qua, các địa phương đều quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất.
Kết quả, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được tám vùng sản xuất nông nghiệp CNC với diện tích 6,5 ngàn ha.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp CNC.
Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu.
Trong đó, ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận