Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, khối lượng rác phát sinh ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỉ lệ 49,2% khối lượng chất thải rác sinh hoạt toàn tỉnh.
Đến nay tại 97 xã của 10 huyện, TP của tỉnh đều bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt; có hơn 1.500 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Kết quả triển khai thực hiện phân loại rác, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của cả tỉnh đạt 43% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo từ các huyện và TP, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn và tận dụng nguồn rác hữu cơ làm phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết với mục tiêu "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và phát triển bền vững", huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường từ trong sinh hoạt đến sản xuất như: khuyến khích tiêu dùng thông minh, hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa một lần, sử dụng nước tẩy rửa hữu cơ tự sản xuất...
Mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện lựa chọn một ấp, khu phố hoặc khu dân cư làm điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đảm bảo hơn 70% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và phân loại tại nguồn.
Các địa bàn không thực hiện làm điểm cũng đảm bảo thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt từ 50% trở lên.
Các ấp và các khu dân cư đều có từ 1-2 tổ tự quản về môi trường, hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường được tổ chức thường xuyên vào những dịp lễ và thứ bảy hằng tuần.
Để đạt kết quả trên, tỉnh chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động để huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 121 mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu".
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, từ năm 2010 đến nay, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như "Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phong trào "Chống rác thải nhựa"... Đến nay, toàn tỉnh có hơn 414.000 hộ đạt gia đình "5 không, 3 sạch", đạt tỉ lệ 87% trên tổng số hộ dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận