Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh kiến nghị tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 ngày 6-9 - Ảnh: A LỘC
Ngày 6-9, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã kiến nghị giải quyết một số khó khăn của doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Ông Lê Văn Danh - phó trưởng ban DIZA - cho biết hiện Đồng Nai thực hiện kế hoạch tầm soát, xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng, do đó ban đã phối hợp cùng Sở Lao động - thương binh và xã hội vận động các doanh nghiệp, người lao động cố gắng ở lại doanh nghiệp, thực hiện đúng "ai ở đâu, ở yên đó". Thời gian vừa qua các doanh nghiệp cũng rất nghiêm.
Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đề nghị tạm dừng thực hiện phương án "3 tại chỗ" do hết đơn hàng hoặc không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, trong đó có khoảng 16 doanh nghiệp với hơn 1.000 lao động vì nhiều lý do như hết đơn hàng hay ở trong doanh nghiệp quá lâu (đến 2 tháng) nên muốn về nhà.
Song, ông Danh cho rằng có địa phương lo lắng bảo vệ "vùng xanh" đã đề nghị hạn chế bổ sung "3 tại chỗ" cũng như không cho người lao động trở về địa phương. Điều này có thể gây bất ổn về an ninh trật tự trong khu lưu trú, khó kiểm soát hành động của công nhân, ảnh hưởng chung đến an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.
Cá biệt, có tình trạng người lao động kích động đánh bảo vệ và bỏ trốn khỏi nơi lưu trú tập trung của doanh nghiệp.
Ngược lại, một số lao động bên ngoài muốn vào doanh nghiệp "3 tại chỗ" đi làm do nghỉ việc lâu không có thu nhập.
Hơn 1.000 lao động của 16 doanh nghiệp "3 tại chỗ" mong muốn trở lại địa phương. Trong ảnh: nơi lưu trú của một doanh nghiệp "3 tại chỗ" trên địa bàn Đồng Nai - Ảnh: N.T.T.
Vì vậy, DIZA đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có chỉ đạo thống nhất giữa các địa phương giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, ổn định tâm lý của người lao động và ổn định tình hình chung tại các khu công nghiệp.
Ông Cao Tiến Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - nhận định đối với doanh nghiệp "3 tại chỗ" không còn đơn hàng, ngừng sản xuất và xin nghỉ thì "không có lý do gì không cho người ta nghỉ hết".
Tuy nhiên, theo ông Dũng, để kiểm soát công nhân về địa phương đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì doanh nghiệp phải thông báo trước thời gian đóng cửa, từ đó sẽ yêu cầu doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm cho người lao động, bố trí chỗ ăn ở để yên tâm về lại địa phương.
Về việc "đổi quân", doanh nghiệp cũng phải thông báo trước thời gian, thông tin công nhân để chuẩn bị "quân xanh" thay thế.
"Đưa vào doanh nghiệp chắc chắn phải là quân xanh, khi về cũng phải là quân xanh, chứ không lấy quân xanh đổi quân đỏ sẽ tanh bành doanh nghiệp hoặc khu dân cư" - ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai khẩn trương xây dựng quy trình, sớm ban hành để các doanh nghiệp thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận