Bệnh nhân N.T.T. (20 tuổi) vẫn phải thở máy sau hơn một tháng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Cùng ngày, ngành chức năng Đồng Nai cũng ban hành văn bản về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm chay. Chủ động thu hồi, niêm phong các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội).
Nhập viện sau khi đặt hàng patê Minh Chay ăn
Bác sĩ Nguyễn Đình Quang - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết hai bệnh nhân là N.T.T. (20 tuổi, ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) và T.T.G. (26 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, tạm trú tại huyện Nhơn Trạch).
Theo bác sĩ Quang, bệnh nhân N.T.T. nhập viện ngày 27-7 với tình trạng rất nặng, suy hô hấp, rơi vào hôn mê phải đặt nội khí quản và thở máy. Do tình trạng lúc đó chưa rõ ràng, bệnh quá nặng nên khoa cấp cứu đã cho chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Còn bệnh nhân T.T.G. nhập viện sau đó một ngày với các triệu chứng khó nuốt, yếu tay chân, thở yếu, sụp mi, mắt không mở lên được, nuốt không được phải ăn bằng ống, không tự đi lại được... Trong 3 ngày điều trị tại khoa nội thần kinh, bệnh viện đã làm các chẩn đoán ban đầu và nhận định bệnh nhân bị nhược cơ.
"Bệnh nhân cùng ăn nhưng không cùng nhập viện nên không khai thác được bệnh sử ban đầu do ăn uống patê Minh Chay. Đến khi có thông tin từ bệnh nhân kia báo về họ ăn chung thì lúc đó mới nghĩ đến chuyện bị ngộ độc. Các ca như vậy bệnh viện mới gặp lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, lại nhập viện quá trễ nên đã cho chuyển viện lên Chợ Rẫy điều trị vào ngày 30-7" - bác sĩ Quang nói.
Sau khoảng một tháng được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng hai bệnh nhân thuyên giảm và được chuyển về Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tiếp tục điều trị trong tình trạng tri giác tỉnh, tay chân có cử động được nhưng chưa tự thở được phải thở máy.
Bệnh nhân T.T.G. đã tỉnh, bỏ máy thở - Ảnh: A LỘC
Đến ngày 30-8, bệnh nhân T. đã khỏe hơn, bỏ máy thở, tỉnh táo, hiểu được y lệnh, tay chân bệnh nhân đã vận động được nhưng sức cơ chưa hồi phục hoàn toàn. Còn bệnh nhân G. tuy tri giác vẫn tỉnh nhưng cơ thở chưa phục hồi tốt, vẫn phải thở máy hỗ trợ.
Bác sĩ Quang cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng giúp bệnh nhân bỏ được máy thở càng sớm càng tốt, đồng thời cố gắng vệ sinh, tập vật lý trị liệu và vô khuẩn để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm phổi cho bệnh nhân ở mức tối đa".
Tại bệnh viện, chị Nguyễn Thị Thúy, chị bệnh nhân T., cho biết em gái, chị G. và một bệnh nhân khác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chung công ty với nhau. Trong đó, 6 người ăn chay trường và 3 người bị.
"Trước mua ở quán ăn bình thường. Lần này đặt trên mạng sản phẩm Minh Chay, ăn được nửa hũ thì xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Dù đã lên bệnh viện khám, truyền nước biển nhưng sau đó bị sụp mí, khó thở... nên đưa vào bệnh viện cấp cứu" - chị Thúy cho biết.
Đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn - Ảnh: B.A.
Chủ động thu hồi, niêm phong thực phẩm của Công ty Lối sống mới
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm Đồng Nai, cho hay sau khi có ca bệnh nghi ngộ độc sản phẩm patê Minh Chay, đoàn kiểm tra liên ngành đã vào cuộc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo đã ban hành văn bản xử lý khẩn cấp sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống chay trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra, chủ động thu hồi, niêm phong các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận