Sáng 8-6, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hướng TP.HCM đi Đồng Nai tiếp tục kẹt xe do xe container gặp sự cố trên cầu Long Thành.
Lực lượng chức năng đã giải quyết hiện trường, tuy nhiên do ảnh hưởng của vụ việc, hàng ngàn xe phải "đứng bánh" trên cao tốc nhiều giờ.
Cao tốc thoáng, đường xung quanh "rối nùi"
Do tình hình giao thông trên cao tốc càng lúc càng căng thẳng, kẹt xe từ nút giao An Phú đến trạm thu phí Long Phước (khoảng 10km), cộng với ngày cuối tuần nên lượng xe đổ dồn về cao tốc mỗi lúc một đông.
Đến 10h, lực lượng đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6, Cục Cảnh sát giao thông (C08), Bộ Công an đã đóng cao tốc tại nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) và nút giao thông Phú Hữu.
Hai nút giao này được đóng khoảng 1 giờ để phân luồng xe đi ra đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội… Các xe không được lên cao tốc phải chọn lộ trình khác khiến nhiều tài xế bức xúc.
Nhiều người tìm chỗ gần nút giao để đậu, chờ mở cao tốc để đi, nhiều tài xế chọn cách chạy lòng vòng chờ cao tốc mở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Hoàng Xuân Ân - đội trưởng đội 6 - giải thích việc đóng cao tốc nhằm giảm tải bớt cho cao tốc khi có xe gặp sự cố trên cầu Long Thành, để cao tốc thông thoáng, sau đó mới cho xe lên.
Khi đóng cao tốc, đội 6 chỉ thông báo cho đội cảnh sát giao thông Cát Lái thuộc Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM để phối hợp, phân luồng từ xa và thông báo cho nhóm "Phòng chống ùn tắc ở TP Thủ Đức". Nhóm này có thành viên VOV Giao thông sẽ thông tin đến các tài xế qua radio.
Tuy nhiên nhiều tài xế cho rằng không phải ai cũng nghe radio nên phải có phương án khác để tài xế chủ động hơn, nắm bắt tình hình trên cao tốc nhằm chủ động chọn lộ trình phù hợp nếu cao tốc xảy ra kẹt xe.
Ghi nhận thực tế, khi đóng cao tốc, xe từ các nơi vẫn đổ về để vào cao tốc vì cánh tài xế không nắm được thông tin cao tốc đang kẹt. Các tuyến đường xung quanh cao tốc như Mai Chí Thọ, Võ Chí Công, song hành cao tốc… vì vậy vẫn xảy ra kẹt xe cục bộ, lực lượng chức năng phải vất vả phân luồng.
Hàng ngàn xe cứ dồn về không có "đường thoát", chạy lòng vòng các tuyến đường xung quanh chờ lực lượng chức năng mở cao tốc.
Đội 6 C08: "Không còn cách nào khác để báo cho người dân"
Tài xế B.T.C. cho biết chạy từ quận 7 sang TP Thủ Đức để lên cao tốc đi du lịch ở Vũng Tàu. Tuy nhiên, đến nút giao Phú Hữu thì được phân luồng xe đi ra xa lộ Hà Nội nên bức xúc.
"Giờ phân luồng đi ra xa lộ Hà Nội để đi quốc lộ 51 rất mất thời gian, mà lên cao tốc thì kẹt cứng. Tôi đi Vũng Tàu chơi mà bò mấy vòng ở nút giao Phú Hữu cả tiếng vẫn chưa cho lên cao tốc nên đành đi quốc lộ 1", tài xế C. bày tỏ.
"Nhiều người muốn lên cao tốc đi các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa… cũng không muốn ra quốc lộ 1, quốc lộ 51 để đi mà muốn đi cao tốc. Còn các xe đi Đồng Nai, Vũng Tàu khi bị chặn cao tốc có thể đi ra xa lộ Hà Nội để đi quốc lộ 51 được.
Khi đóng cao tốc, nhiều tài xế không được vào đã tỏ ra bức xúc và luôn hỏi tại sao cao tốc mà không cho đi vào, đi đường khác rất mất thời gian. Lực lượng cảnh sát giao thông phải giải thích cho người dân hiểu và mời họ di chuyển lộ trình khác", một cán bộ cảnh sát giao thông Cát Lái cho biết.
Trả lời câu hỏi liệu giải pháp này có hiệu quả, trung tá Ân khẳng định việc đóng - mở cao tốc không có phương án từ trước, cũng không dựa vào tiêu chí nào mà chỉ áp dụng thực tế trên cao tốc có lượng xe đông đúc.
"Không còn cách nào khác để thông báo cho người dân biết trước cao tốc đang gặp sự cố ngoài kênh VOV Giao thông", trung tá Ân nói thêm.
"Phải ưu tiên đảm bảo tuyến cao tốc thông thoáng, vì các xe vào cao tốc sẽ không có đường nào để rẽ. Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khi không có sự cố thì lượng xe đã đông đúc và thường xuyên xảy ra ùn ứ vào các ngày cuối tuần".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận