Công trường một dự án xây dựng do Trung Quốc đầu tư tại Sri Lanka. Châu Á đang cần nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng - Ảnh: Reuters |
Tuần trước, bốn nền kinh tế châu Âu là Anh, Đức, Pháp và Ý tuyên bố sẽ trở thành thành viên sáng lập AIIB. Sau đó đến lượt Hàn Quốc và Úc đều tuyên bố sẽ xem xét gia nhập AIIB.
Thậm chí cả Nhật, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á và có quan hệ không mấy hữu hảo với Trung Quốc, cũng tỏ dấu hiệu muốn đến với ngân hàng do Trung Quốc sáng lập.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso tuyên bố Tokyo có thể gia nhập AIIB nếu các mối lo ngại về quản trị và tiêu chuẩn cho vay được giải quyết. Ngày 31-3 là thời hạn chót để các nước gia nhập được hưởng quy chế “thành viên sáng lập” AIIB, và giới quan sát dự báo hầu như chắc chắn Úc và Hàn Quốc sẽ trở thành thành viên AIIB bất chấp phản ứng của Mỹ.
Mỹ lo ngại
Bài học đắt giá Các nhà quan sát nhận định Mỹ cần rút ra bài học từ vụ lùm xùm AIIB để ứng xử một cách hiệu quả hơn với các sáng kiến khu vực của Trung Quốc. AIIB không phải là dự án khu vực duy nhất mà Trung Quốc đang theo đuổi. Tiếp sau AIIB sẽ là quỹ hạ tầng Silk Road (Con đường tơ lụa) mà Bắc Kinh đề xuất để tăng cường sự kết nối tại châu Á. Bắc Kinh sẽ đóng góp 40 tỉ USD vào quỹ này. |
Trước đây, Washington từng nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về AIIB. “Tôi hi vọng trước khi đưa ra cam kết cuối cùng, bất kỳ ai có ý định đưa tên mình vào tổ chức này nên đảm bảo các tiêu chuẩn quản trị của nó là phù hợp” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew từng cảnh báo.
Các nguồn tin ngoại giao khẳng định Mỹ đã vận động hành lang để Úc và Hàn Quốc không gia nhập AIIB. Vấn đề là Washington coi AIIB như một biểu tượng trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung.
AIIB có thể trở thành một thách thức đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nơi Mỹ có ảnh hưởng lớn. WB đặt trụ sở tại Washington và chủ tịch luôn là người Mỹ. Trong khi đó AIIB sẽ đặt trụ sở ở Thượng Hải và Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát.
Một lo ngại lớn của Mỹ là việc Trung Quốc sẽ đóng góp 50% trong tổng số vốn 100 tỉ USD ban đầu của AIIB. Khi đó Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết các quyết định cho vay, tương tự vai trò của Mỹ ở WB.
Bà Kristalina Georgieva, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhận định việc Mỹ và EU không chịu cải tổ WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trao thêm ảnh hưởng cho Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển là một lý do khiến Bắc Kinh lập ra AIIB.
Mới đây chính Bộ trưởng Jack Lew thừa nhận: “Không phải ngẫu nhiên mà các nền kinh tế mới nổi đang tìm đến những nơi khác, bởi họ thất vọng vì Mỹ chặn ngay cả những cải tổ nhỏ trong IMF”.
Và các đồng minh của Mỹ nhìn thấy lợi ích trong việc gia nhập AIIB. Hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng ở châu Á đang cực lớn. Ước tính châu Á sẽ cần khoảng 8.000 tỉ USD đầu tư hạ tầng trong vòng 10 năm tới và AIIB sẽ là một kênh đầu tư quan trọng.
Các nước châu Âu hi vọng việc gia nhập AIIB sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước họ kiếm được hợp đồng đầu tư tại châu Á. Châu Âu cũng đang có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc và thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trên báo Financial Times, nhà phân tích nổi tiếng Gideon Rachman nhận định: “Đã có lúc cả thế giới cúi đầu trước đồng USD. Nhưng câu chuyện AIIB cho thấy ở thời điểm hiện tại, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng bị đồng nhân dân tệ quyến rũ”.
Nước cờ sai
Theo báo Wall Street Journal, cựu tổng giám đốc WB Robert Zoellick cho rằng quả thật có nguy cơ AIIB sẽ trở thành phương tiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Phương Tây từng nhiều lần chỉ trích các dự án đầu tư hạ tầng của Trung Quốc ở châu Phi dẫn tới nạn tham nhũng và các nguy cơ môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên ông Zoellick đánh giá việc Mỹ kêu gọi các đồng minh tẩy chay AIIB là một sai lầm lớn.
Ông nhấn mạnh đầu tư vào hạ tầng là một mục tiêu quan trọng của các nền kinh tế mới nổi và có thể sẽ hoạt động hiệu quả nếu được phát triển một cách phù hợp. “Nếu còn ở WB, tôi sẽ coi AIIB là một đối tác” - ông Zoellick nhấn mạnh. Nhà phân tích Gideon Rachman đánh giá việc Mỹ kêu gọi tẩy chay AIIB và bị các nước đồng minh phớt lờ khiến Washington trở nên yếu đuối, bị cô lập.
Trên thực tế, hồi năm ngoái hàng loạt chuyên gia Mỹ đã kêu gọi nước này gia nhập AIIB. Họ nhận định cách tốt nhất để đảm bảo Trung Quốc không kiểm soát hoàn toàn AIIB là khuyến khích các nước đồng minh Mỹ trong khu vực đồng loạt gia nhập AIIB.
Các nước này sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn quản trị, môi trường, chống tham nhũng... trong AIIB chặt chẽ. Như vậy, một AIIB đa phương sẽ tốt hơn nhiều so với một AIIB nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của Trung Quốc.
Trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Elizabeth Economy thuộc Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) mô tả phản ứng của Mỹ là “thảm họa” và cho rằng ở thời điểm hiện tại, lựa chọn tốt nhất của Mỹ là từ chối AIIB nhưng ngừng gây sức ép lên các đồng minh để họ gia nhập ngân hàng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận