Động lực cho chính phủ điện tử

TS NGUYỄN SĨ DŨNG 26/08/2007 18:08 GMT+7

TTCT - Chính phủ điện tử thì không phải là một chính phủ mà chỉ là việc chính phủ sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (Information; Communication Technologies - ICT) để cung cấp thông tin, dịch vụ cho dân và để tương tác với dân.

 
 

 Vì vậy đều gọi là chính phủ cả, nhưng chính phủ thông thường (chính phủ không điện tử) quan trọng hơn chính phủ điện tử rất nhiều. 

Nếu chính phủ thông thường không tích cực sử dụng ICT để phục vụ dân được tốt hơn, thì chính phủ điện tử cũng khó lòng mà có thứ hạng trên thế giới được.

 Chính vì vậy, sự xếp hạng tăng vọt cho chính phủ điện tử Việt Nam của Đại học Brown (Hoa Kỳ) từ hạng 126 (2006) lên 90 (2007) thật sự là một tin vui nước đôi - cho cả chính phủ điện tử và chính phủ không điện tử. 

Cũng giống như nhà cần được xây trên móng, chính phủ điện tử cần được xây trên cơ sở sự sẵn sàng điện tử của đất nước.

Sự sẵn sàng này chắc là vẫn cần phải sẵn sàng hơn nữa, thế nhưng những gì mà chúng ta đã đạt được là rất ấn tượng. Ít có nước nào trên thế giới lại có tốc độ phát triển Internet nhanh chóng như nước ta (nhanh hơn Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Indonesia - trong giai đoạn 2000-2007).

Trong việc xây dựng chính phủ điện tử, ICT đóng một vai trò quan trọng nhưng không phải là quyết định. Động lực thúc đẩy việc sử dụng ICT quan trọng hơn nhiều. ICT đã có sẵn. 

Và thế giới đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn ở đây. Mà như vậy thì chúng ta cũng không nhất thiết phải khám phá châu Mỹ một lần nữa. Việc quan trọng nhất chúng ta cần làm là bản địa hóa những công nghệ đã có sẵn.

Tạo ra những khuyến khích lâu bền cho việc sử dụng ICT để phục vụ nhân dân là việc làm hết sức quan trọng đối với việc xây dựng chính phủ điện tử. Đây cũng là lý do vì sao nhiều nước coi chính phủ điện tử là một cuộc cách mạng xã hội.

Đối với nước ta, một cơ chế để khuyến khích những cố gắng giải quyết công việc cho dân qua mạng là rất cần thiết. Giải quyết công việc qua mạng có một ưu điểm lớn là chúng ta có thể trực tiếp thấy ngay được sự hài lòng của người dân. 

Mà như vậy việc thiết kế hệ thống khuyến khích là rất dễ. Về nguyên tắc, ngành nào (hoặc công chức nào) có được tỉ lệ hài lòng cao nhất của người dân, ngành đó (hoặc công chức đó) phải được vinh danh, khen thưởng cao nhất. Và ngược lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận