06/03/2018 18:43 GMT+7

Động lực cho Bình Dương phát triển

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Đề án thành phố thông minh được tỉnh Bình Dương chuẩn bị nhiều năm và đã có nhiều hoạt động cụ thể trong năm 2018, được coi như động lực phát triển mới của tỉnh.

Động lực cho Bình Dương phát triển - Ảnh 1.

Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương - ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông MAI HÙNG DŨNG - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Đề án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương - cho biết:

Hiện nay, nhiều nơi có ý tưởng làm "thành phố thông minh" (TPTM) nhưng cách hiểu "thành phố thông minh là gì" của mỗi nơi, mỗi người lại khác nhau. Bình Dương đã tìm tòi, xây dựng đề án TPTM không phải chạy theo phong trào mà xuất phát từ nhu cầu, khát khao phát triển của tỉnh.

Bình Dương định hướng việc xây dựng TPTM là làm sao để tìm tòi, áp dụng được những giải pháp tăng năng suất lao động, gia tăng tiện ích để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hút được người tài và những doanh nghiệp khoa học công nghệ với hàm lượng chất xám cao, đảm bảo cho sự phát triển mạnh và bền vững.

"Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương kế thừa và bám sát theo định hướng nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và 5 chương trình đột phá đã được Tỉnh ủy ban hành về các nội dung như phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ...

Ông MAI HÙNG DŨNG (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương)

Động lực cho Bình Dương phát triển - Ảnh 3.

Ông MAI HÙNG DŨNG (Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương) - Ảnh: B.Sơn

Chúng tôi không dừng lại ở cách tiếp cận xây dựng TPTM là mua những công nghệ như đèn chiếu sáng, làm đường sá, xây dựng phần mềm…

Cách tiếp cận về TPTM của Bình Dương rộng hơn, là một đề án lớn để tìm giải pháp cho sự phát triển. Tất nhiên, trong quá trình áp dụng cũng phải mua công nghệ nhưng đó chỉ là phương tiện, là bước đầu. Về lâu dài là phải huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để nghiên cứu, cải tiến, tiết kiệm chi phí...

Nếu chỉ bỏ tiền ra mua công nghệ mà không nghiên cứu, học hỏi thì chúng ta chỉ chạy theo nước ngoài mà không phát triển lên được, và đó cũng không phải là bản chất thực sự của xây dựng thành phố thông minh.

Đề án xây dựng TPTM của Bình Dương có đặc điểm là một mặt phát huy nguồn lực trong nước nhưng mặt khác cũng tận dụng rất triệt để sự hợp tác với quốc tế. Hiện nay, Bình Dương có quan hệ kết nghĩa với 9 thành phố trên thế giới, trong đó có thành phố Eindhoven của Hà Lan là đối tác trực tiếp hỗ trợ Bình Dương xây dựng TPTM.

Đề án này được chúng tôi chuẩn bị rất kỹ và nghiêm túc. Khởi động từ năm 2015, chúng tôi dành gần hai năm đầu để cử các chuyên gia nghiên cứu, trao đổi. Tới năm 2018 có những hoạt động cụ thể.

Khi xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương cũng đồng thời gia nhập các tổ chức quốc tế như Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội đô thị khoa học thế giới (WTA - trực thuộc UNESCO)... Đây đều là các tổ chức uy tín, có thành viên là các thành phố phát triển trên thế giới.

Vì vậy, việc gia nhập các tổ chức này đòi hỏi Bình Dương phải nỗ lực, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của họ. Nhưng đó cũng là một động lực để Bình Dương tự so sánh với mình và so sánh mình với sự phát triển của các thành phố phát triển trên thế giới để tiếp tục đi lên, tiến bộ từng bước.

Việc tham gia các tổ chức quốc tế và được cộng đồng quốc tế chấp nhận là một tiền đề để nâng cao vị thế, tạo uy tín để thu hút đầu tư vào Bình Dương.

Khi nói về "xương sống" của đề án thành phố thông minh Bình Dương là mô hình liên kết "Ba Nhà": nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương MAI HÙNG DŨNG, cho biết Bình Dương tiếp cận mô hình liên kết này theo kinh nghiệm của Hà Lan nhưng có nghiên cứu để phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

Ông Dũng nói: "Việc liên kết "Ba Nhà" này trước đây chúng ta đã từng nói, nhưng rất mơ hồ. Có người chỉ hiểu theo nghĩa rất hẹp là làm sao liên kết để sinh viên ra trường có việc làm.

Tất nhiên đó là việc cần thiết, nhưng chúng tôi đặt ra mục tiêu liên kết "Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp" với phạm vi lớn hơn, đó là làm sao để phát huy được trí tuệ, nguồn lực tập thể để phát triển.

Cụ thể như Bình Dương đang chuẩn bị để xây dựng một Khu công nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ.

Khi triển khai khu công nghiệp này, chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến của "Hội đồng cố vấn 3 nhà" để bàn cụ thể doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì sẽ làm gì; nhà trường với chức năng đào tạo thì sẽ làm gì; vai trò cầu nối, định hướng của nhà nước như thế nào.

Động lực cho Bình Dương phát triển - Ảnh 4.

Các lãnh đạo tỉnh Bình Dương và chuyên gia Hà Lan trong lễ khánh thành phòng thí nghiệm chiếu sáng do doanh nghiệp nước ngoài tài trợ tại ĐH Quốc tế Miền Đông. Ảnh tư liệu

Trải qua hơn 20 năm phát triển (từ 1997), những gì là lợi thế cạnh tranh của Bình Dương trước kia như vị trí gần TP.HCM, cơ sở hạ tầng tốt, đất đai tốt nên chi phí xây dựng thấp, lao động giá rẻ… đang dần mất đi.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận thức cần phải tìm ra những cách làm mới để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, tiếp tục duy trì được sự phát triển mạnh và bền vững. Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương ra đời trong bối cảnh đó.

Việc xây dựng đề án một mặt phải giải quyết những khó khăn khi lợi thế cũ dần mất đi, nhưng mặt khác tỉnh Bình Dương cũng đã đạt được những thành tựu tạo nền tảng cho sự phát triển.

Năm 2017, Bình Dương trở thành tỉnh chiếm trên 12% giá trị xuất khẩu của cả nước. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM. Về thu nội địa, Bình Dương cũng chỉ đứng sau TP.HCM và Hà Nội. Đây là những tiền đề thuận lợi để chúng tôi xây dựng thành phố thông minh.

Động lực cho Bình Dương phát triển - Ảnh 6.

Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch bài bản theo hướng phát triển kết hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Sự tương tác giữa "Ba Nhà" này như thế nào, thưa ông?

- "Ba Nhà" sẽ bình đẳng, phát huy hiệu quả chứ không phải hình thức.

Trước đây, dường như chỉ có nhà nước đưa ra các chính sách phát triển, nhưng nay khi xây dựng thành phố thông minh theo mô hình "Ba Nhà" thì việc tham vấn ý kiến của nhà trường, nhà doanh nghiệp sẽ được phát huy hơn.

* Điều mọi người quan tâm nhất là khi xây dựng thành phố thông minh thì người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng những lợi ích gì?

- Trong năm 2018, chúng tôi sẽ thực hiện một số dự án cụ thể như các tuyến đường chiếu sáng thông minh để tăng tiện ích phục vụ người dân. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Giải pháp căn cơ là chúng tôi tiếp tục tạo ra một môi trường đầu tư, học tập tốt, tạo cảm hứng cho sự phát triển.

Để người dân được hưởng lợi ích nhiều hơn thì điều quan trọng là phải tăng năng suất lao động. Mà muốn tăng năng suất lao động thì quan trọng nhất là con người. Làm sao để có những người có tri thức, sử dụng được công nghệ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

để tạo tiền đề cho khu công nghiệp công nghệ cao thì sắp tới Bình Dương có nhà máy sản xuất bán dẫn. Nhà máy này cần tới 500-700 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên, nhưng phải có khả năng vận hành được dây chuyền máy móc hiện đại.

Nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ luôn đặt ra với chúng tôi khi tìm hiểu đầu tư.

Vì vậy, Bình Dương phải chuẩn bị con người để đáp ứng cho các nhà máy công nghệ, nếu không sẽ lặp phải câu chuyện như chúng ta từng thu hút được các "đại gia công nghệ" như Intel nhưng khi họ cần tuyển lao động có kỹ thuật thì chúng ta lại không đáp ứng đủ.

Để có người tài, Bình Dương xác định không chỉ đào tạo con người tại chỗ mà còn phải tạo ra môi trường thông minh để thu hút người tài từ các nơi tới.

Ví dụ như nếu có chính sách tốt, đường sá tốt để di chuyển từ TP.HCM về Bình Dương chỉ mất khoảng 45 phút thì sẽ thu hút được rất nhiều người tài đến với chúng tôi, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của tỉnh.

Động lực cho Bình Dương phát triển - Ảnh 7.
BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên