Luyện tập thể dục vừa sức giúp tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật tốt hơn. 6h sáng 23-12 tại công viên Lê Văn Tám - Ảnh: Quang Định
ThS.BS Trương Hồ Tường Vi, Khoa Lão - chăm sóc giảm nhẹ, bệnh viện Đại học y dược TP.HCM, cho biết thời tiết mùa lạnh có nhiều yếu tố tác động không tốt với đường hô hấp của người già. Các vi khuẩn, vi rút gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh dễ tấn công người cao tuổi.
Bên cạnh đó, người già đã có một số bệnh lý sẵn, vào mùa này số lượng nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản, tim mạch, đột quỵ... tăng cao.
Chủ động bảo vệ sức khỏe, tiêm ngừa, chú ý đến vấn đề ăn uống và môi trường sống là cần thiết.
Phát bệnh khi "trở trời"
Trên đầu giường bà Nguyễn Thị Năm (65 tuổi, Đồng Nai) lúc nào cũng có dầu gió, dầu nóng, thuốc huyết áp… "Ngày đêm gì tôi cũng phải bóp dầu vào bàn chân, bàn tay rồi xoa bóp các khớp cho nóng người. Những ngày trời trở lạnh càng phải giữ ấm hơn, không dám mở cửa to hay ra ngoài sợ gió độc. Nhưng giữ là vậy, tôi vẫn bị ho hen, đau nhức các khớp mỗi khi trở trời… Có lần còn bị đột quỵ trong nhà tắm, may có con cháu ở nhà cùng nên được cứu kịp" - bà Năm kể.
Vì sợ ra ngoài nên dường như các hoạt động thể dục của bà không có. "Già rồi, tập tành như đám trẻ làm gì, khỏe đâu không thấy, thấy mỏi mệt hết cả người, phơi người ra gió lại càng dễ viêm phổi hơn. Tôi lại bị huyết áp cao nên hạn chế vận động lắm" - bà Năm chia sẻ.
Khác với bà Năm, vợ chồng ông Ngọc Thành (70 tuổi, Nhà Bè, TP.HCM) lại siêng đi bộ, tập thể dục bằng các máy hỗ trợ tại công viên, tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi. "Mình già rồi, tham gia hội này hội kia cho vui, đầu óc cũng thoải mái. Tôi cũng bị tiểu đường mười mấy năm nay, huyết áp thấp… nhưng chịu khó vận động, ra ngoài hít khí trời" - ông Thành cho biết.
Bà Kim Loan (67 tuổi, vợ ông Thành) cũng chia sẻ mỗi khi trái gió trở trời người cũng đau nhức, lúc nào bà cũng kè kè cái máy đo huyết áp và thuốc bên mình. "Những ngày lành lạnh lại phải giữ ấm cho kỹ, không khéo bị đột quỵ. Mình bị bệnh tim sẵn nên phải cẩn thận hơn, vận động vừa sức, vui chơi với con cháu cũng tốt cho người già"- bà Loan nói.
Tập theo nhóm không chỉ giúp tinh thần vui vẻ, có người chia sẻ mà còn có người hỗ trợ trong lúc luyện tập- Ảnh: Quang Định
Giữ đủ ấm, ăn đủ chất, tập vừa sức
Bác sĩ Tường Vi cho biết ở miền Nam thời tiết ít lạnh hơn ở phía Bắc, tuy nhiên đối với người già việc giữ ấm cần thiết trong những thời điểm giao mùa như hiện nay. "Mặc đủ ấm khi ở nhà cũng như ra ngoài với áo khoác, khăn choàng, tất… Giữ ấm còn giúp tránh các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, các bệnh về hô hấp. Đối với những người bị dị ứng do lạnh như hen suyễn, chảy mũi, mẩn ngứa... thì càng phải giữ ấm cơ thể hơn nữa"- bác sĩ Tường Vi chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà ở hay nơi làm việc cũng cần tạo môi trường ấm áp trong mùa này. Phòng ốc đảm bảo tránh gió, ấm nhưng phải thông thoáng. Có một số nơi cần lắp thêm lò sưởi.
Cần lưu ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. "Người già hay đi tiểu đêm, nếu nhà vệ sinh không có trong nhà, nên mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ bên ngoài, mặc đủ ấm mới đi ra ngoài. Tránh trường hợp do thay đổi nhiệt độ quá nhanh, cơ thể người già không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim…" - bác sĩ Vi lưu ý.
Việc ăn uống cũng rất quan trọng đối với người già. "Việc ăn uống của người già vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, người già ít vận động nên tăng cường ăn thực vật, giảm thức ăn động vật và tinh bột. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Uống nhiều nước vào ban ngày, hạn chế uống nước vào ban đêm" - bác sĩ Vi chia sẻ.
Bên cạnh đó, tập luyện đều đặn và vừa sức cũng giúp cho người cao tuổi chống đỡ được bệnh tật, tăng sức đề kháng, tập với hội nhóm giúp tinh thần thoải mái hơn. "Khi tập luyện, chúng ta vừa tập vừa có thể trao đổi với nhau được tức là vừa sức đối với người già. Việc luyện tập sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn giúp tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết, giảm mỡ máu… Nhưng để an toàn hơn, người già cần có người hỗ trợ khi tập. Khi tập ngoài trời nên mặc áo đủ ấm" - bác sĩ lưu ý.
Ngoài ra, tủ thuốc gia đình ngoài thuốc của các bệnh lý có sẵn cần trang bị thêm các thuốc về tiêu hóa, cảm sốt, nhức đầu và các thiết bị y tế thông dụng như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, nhiệt kế, cân sức khỏe.
Người già cũng cần tiêm ngừa
Tiêm ngừa thường được chú ý ở trẻ em, hầu hết người già khi nói đến tiêm ngừa đều cười cợt, không quan tâm hoặc không biết tuổi của mình cần được tiêm ngừa.
Theo bác sĩ Tường Vi, người lớn cần tiêm ngừa hàng năm với những mũi cơ bản như văcxin cảm cúm, phế cầu, sởi, ho gà, uốn ván…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận