Con kênh Tân Hóa - Lò Gốm một thời nổi tiếng ô nhiễm ở TP.HCM (ảnh trên), nay hóa thành một con đường đẹp thuộc Q.Tân Phú - Ảnh: Tư liệu - Hữu Khoa |
Đó là những công đoạn cuối cùng của dự án đưa dòng kênh đen ô nhiễm nhất phía tây TP.HCM vào dĩ vãng.
Hơn 2,5 triệu người trong khu vực Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6, 11, Tân Phú, Tân Bình) được hưởng thành quả từ dự án nâng cấp đô thị TP.HCM sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Kênh đen nay đã hóa đường
Kê chiếc bàn cho khách, bà Hồ Thị Sum - chủ quán hủ tiếu trên đường Kênh Tân Hóa - nói liền miệng: “Mới mấy tháng trước, mưa xuống là ngập tới mép bàn này đó, nhưng giờ mưa to nước cũng thoát kịp rồi”.
Bà Sum hỉ hả kể bà bán hủ tiếu ở tuyến đường này hơn 10 năm nhưng mấy tháng nay khi con đường dần thông xe thì khách đông hẳn. “Hồi còn dòng kênh thì hôi rình, rồi gần ba năm làm đường, bụi mịt mù, mưa xuống ngập lút nền. Coi như cũng đáng công bám trụ...” - bà Sum thật thà.
Xung quanh quán hủ tiếu của bà Sum, dấu tích về nỗi ám ảnh ngập nước của người dân vẫn còn khi nhiều gia đình vẫn chưa kịp gỡ những tấm ván, bao cát để ngăn nước mỗi khi mưa xuống.
Câu chuyện từ quán hủ tiếu của bà Sum chỉ là một lát cắt nhỏ, một câu chuyện nhỏ trên tuyến đường Kênh Tân Hóa đang dần nên vóc dáng, nối liền từ đường Đồng Đen qua khu vực Đầm Sen.
Một tuyến đường không dài, vỉa hè còn chưa kịp lát, mặt đường không quá rộng, phố xá còn ngổn ngang vì một số nhà giải tỏa chưa kịp xây lại.
Nhưng nói như ông Bùi Văn Nhã, nhà số 8 đường Kênh Tân Hóa: “Cứ nghĩ tới mặt nước đen sì, hôi rình suốt mấy chục năm của con kênh này thì như vậy cũng làm bà con vui rồi”.
Dòng nước đen mà ông Nhã nói đã vĩnh viễn nằm dưới mặt lộ khang trang mà bây giờ ông Nhã và những người bạn già vẫn bắc ghế ra dòm sau những ngụm trà sớm chiều.
Năm nay 80 tuổi, ông Bùi Văn Nhã có lẽ là một trong những người dân cố cựu nhất ở đây. Từ thời mà theo ông kể phóng tầm mắt từ chỗ bờ kênh cũ bây giờ, nhìn xuyên qua đồng ruộng tới luôn xa lộ Đại Hàn.
Cũng như quá khứ trong xanh của bao con kênh của TP, ông Nhã kể những năm sau ngày thống nhất đất nước, kênh Tân Hóa nước trong vắt, cá lội hằng hà.
“Nhà tui đào giếng gần mé kênh, nước ngọt thanh, cả xóm xài chung” - ông Nhã kể. Nhưng rồi cư dân ngày càng đông đúc, đến những năm đầu thập niên 1990 kênh Tân Hóa trở thành nỗi ám ảnh vì ô nhiễm, tất cả sinh hoạt bị đảo lộn vì dòng kênh.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.Tân Phú, TP.HCM) nước đen ngòm, hôi thối đã trở thành một con đường rộng lớn và sạch đẹp, thuận lợi cho việc đi lại của người dân - Ảnh: Hữu Khoa |
Nước lên... đường lên
Ông Trần Trung Hậu, phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM - chủ đầu tư dự án, cho biết hàng chục năm qua hàng vạn người dân ở trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm thường xuyên bị ngập nước, nhất là khi trời mưa xuống.
Theo đó, đường biến thành sông, nước cống tràn vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc và làm đình trệ sản xuất, kinh doanh, còn người đi đường khốn đốn vì xe hư, việc làm ăn bị đình trệ.
Do đó, trong dự án nâng cấp đô thị TP.HCM, có hạng mục cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (khởi công vào giữa tháng 12-2011 và dự kiến hoàn thành năm 2014) là công trình xóa bỏ dòng kênh ô nhiễm và gây ngập nước ở các quận 6, 11, Tân Phú và Tân Bình.
Nguyên nhân chính gây ngập nước là cao độ nền đường của mấy chục tuyến đường trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm thấp hơn mực nước triều cường.
Chẳng hạn đường Tân Hóa (Q.6) cột mốc nền đường chỉ còn 1,1 m, thấp hơn so với mực nước triều cường đang là 1,5-1,6m. Vì vậy, giải pháp chính là nâng cao độ nền đường lên 2-2,2m.
Có thể nói, giải pháp nâng nền đường cao hơn mực nước ngập trong dự án cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm chẳng khác nào cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Theo đó, vài chục tuyến đường đang được nâng cao nền đường từ 0,2-0,9m như đường Tân Hóa, Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí, Bà Hom (Q.6), Hòa Bình (Q.11), Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) và nhiều tuyến đường nằm trong vùng trũng ở khu Bàu Cát như Đồng Đen, Hồng Lạc, Phạm Phú Thứ (Q.Tân Bình)...
Ông Hậu cho biết không chỉ có giải pháp nâng cao nền đường mà dự án còn thực hiện việc xây dựng tuyến cống thoát nước có quy mô lớn để tăng khả năng thoát nước.
Cụ thể, cống thoát nước được lắp đặt trong lòng kênh Tân Hóa dài 2,5km, nâng quy mô thoát nước lên gấp 4 lần so với trước đây.
Không chỉ có vậy, lòng kênh Tân Hóa đang nạo vét gần 400.000m3 đất bùn nhằm tăng sức chứa nước. Đồng thời, hai bên tuyến kênh đã lắp đặt 8,2km tuyến cống bao có đường kính 1,8m nối về trạm bơm trung chuyển nước ở cầu Ông Buông nhằm bơm nước ra kênh Tàu Hủ và dự kiến trong tương lai toàn bộ nước thải ở dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm sẽ được đưa về nhà máy xử lý nước thải.
Ông Hậu cho rằng dự án sẽ góp phần giảm 90% tình trạng ngập nước ở khu vực Tân Hóa - Lò Gốm. “Qua khảo sát những cơn mưa lớn vào các ngày 15, 24 và 25-8, khu vực Bàu Cát nơi bị ngập nặng nhất đã giảm 80% ngập, đường Hòa Bình không còn ngập” - ông Hậu nói.
Dự án của người nghèo Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM còn được gọi là dự án của người nghèo vì nó làm thay đổi cuộc sống của người dân trong lưu vực tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Dự án được chia thành chín dự án thành phần với tổng vốn đầu tư 407 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới 266 triệu USD, còn lại 141 triệu USD là vốn ngân sách TP. Gói thầu đầu tiên khởi công ngày 18-12-2004, theo kế hoạch công trình hoàn thành vào cuối năm 2014 sẽ có 2,5 triệu người dân ở 17 quận TP.HCM được hưởng lợi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận