Phóng to |
Ông Phó Minh Triều (ngụ đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phản ảnh sau khi được thay đồng hồ nước mới, lượng nước tiêu thụ nhà ông tăng gấp đôi - Ảnh: Quang Khải |
Cầm hóa đơn tiền nước (tháng 5-2012) hơn 8 triệu đồng lật đi lật lại, ông Lê Xuân Hoàng (phòng khám đa khoa Sài Gòn, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói không hiểu sao tiền nước tăng “chóng mặt” như vậy.
Tháng đầu gấp đôi, tháng sau gấp bốn
Trong ba tháng đầu năm 2012, tiền nước mà ông Hoàng phải trả mỗi tháng dao động từ 2-2,3 triệu đồng (tương đương lượng nước sử dụng 159-188m3/tháng). Nhưng sau khi được thay đồng hồ nước, tháng đầu tiên (tháng 4-2012) tiền nước bắt đầu tăng lên ở mức 4,5 triệu đồng và tháng tiếp theo là hơn 8 triệu đồng. Lục lại nhiều hóa đơn trong năm 2011, tiền nước mà ông Hoàng phải đóng chỉ từ 1,8-2 triệu đồng, tháng cao nhất là 3 triệu đồng.
“Tôi đã kiểm tra lại đường ống nhưng không phát hiện rò rỉ. Như vậy chỉ có khả năng đồng hồ nước có vấn đề. Dù đang trong quá trình khiếu nại nhưng công ty cấp nước dọa sẽ cúp nước nếu đóng tiền trễ nên buộc lòng tôi phải thanh toán trước, mọi việc tính sau” - ông Hoàng cho biết.
Số lượng nước tăng bất thường không chỉ khiến ông Hoàng phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả mà còn làm ông đau đầu tính toán, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của phòng khám đã đầu tư gần 200 triệu đồng.
“Theo quy định, các phòng khám phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Căn cứ vào số lượng tiêu thụ nước hằng tháng, chúng tôi đầu tư nhà máy xử lý nước thải tương ứng với quy mô 10m3/ngày. Tuy nhiên, với lượng nước tăng đột biến như vừa qua buộc tôi phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải mặc dù thực tế chúng tôi không sử dụng lượng nước nhiều đến vậy” - ông Hoàng bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Xuân, giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ sản xuất Man San Laser (P.24, Q.Bình Thạnh) cũng “vò đầu bứt tóc” khi nhận hóa đơn tiền nước hơn 16,3 triệu đồng (tương đương lượng nước tiêu thụ 933m3).
Ông Xuân cho biết ông thuê mặt bằng trên mở văn phòng giao dịch, mỗi ngày chỉ có ba nhân viên làm việc, không nấu ăn... nên có xài cả ngày lượng nước cũng không đến “khủng” như vậy.
Đồng hồ mới chạy nhanh hơn đồng hồ cũ
Dù có đến hàng ngàn trường hợp khiếu nại về đồng hồ nước chạy nhanh và hàng trăm trường hợp được kiểm định đồng hồ nhưng đa số phần thiệt thòi thuộc phía khách hàng.
Theo thống kê của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), trong năm tháng đầu năm 2012 có 3.295 khách hàng yêu cầu xem xét chỉ số tiêu thụ đồng hồ nước khi nghi ngờ đồng hồ nước chạy nhanh (tăng hơn 580 trường hợp so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó có 573 trường hợp khách hàng được đưa đồng hồ đi kiểm định. Tuy nhiên, kết quả có 403 đồng hồ được kiểm định đạt chất lượng, chỉ có 87 đồng hồ chạy nhanh hơn quy định, 97 đồng hồ chạy chậm.
Sawaco cho biết các đồng hồ được sử dụng hiện nay đều đạt chất lượng, cũng như tuân thủ các quy định về đo lường trước khi gắn cho khách hàng. Nhưng vì sao có hàng ngàn trường hợp khách hàng phản ảnh đồng hồ nước chạy nhanh?
Trong văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Bạch Vũ Hải, phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết các đồng hồ nước hiện nay dùng nhiều chi tiết cơ khí, theo thời gian hoạt động các chi tiết cơ khí bị ăn mòn, tăng ma sát dẫn đến việc đồng hồ chạy chậm hơn thực tế (?). Vì vậy khi thay đồng hồ nước mới, khách hàng thường cảm nhận đồng hồ nước chạy nhanh.
Tuy nhiên, một cán bộ Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) cho rằng lập luận như trên chỉ mới đề cập một khía cạnh của vấn đề, bởi thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đồng hồ chạy nhanh mà Sawaco chưa đề cập. Cụ thể như bọt khí trong đường ống, cặn bám làm thu hẹp lỗ nước chảy qua đồng hồ, khi đó dù lưu lượng nước không thay đổi nhưng áp lực nước tác động vào cánh quạt tăng lên làm đồng hồ quay nhanh hơn.
Như vậy ở điều kiện kiểm định cho ra sai số đồng hồ khác và điều kiện thực tế sai số còn lớn hơn. Mặt khác, sự chênh nhau giữa quy chuẩn VN (áp dụng trong quy trình kiểm định) và quy định của UBND TP.HCM (căn cứ giải quyết khiếu nại cho khách hàng) trong cách tính sai số của đồng hồ làm nhiều khách hàng bức xúc. Rất nhiều trường hợp, Trung tâm 3 kết luận đồng hồ không đạt tiêu chuẩn về đo lường nhưng đều được các công ty cấp nước áp vào quy định của UBND TP thì đạt yêu cầu.
Sawaco thừa nhận nghị định 117 về cung cấp và tiêu thụ nước sạch cũng như các thông tư hướng dẫn chưa có quy định sai số cho đồng hồ trong điều kiện thực tế nên đã kiến nghị bổ sung vấn đề này.
Trong thời gian chờ quy định mới, Sawaco vẫn áp dụng sai số cho đồng hồ nước (±5%) theo quy định của UBND TP.HCM.
Làm đơn xin giảm tiền nước Sawaco cho rằng trong trường hợp đồng hồ nước bị hư hỏng hoặc không tìm ra nguyên nhân lượng nước tiêu thụ tăng bất thường thì cách tính tiền nước là lấy trung bình của ba kỳ hóa đơn liền kề trước đó. Hiện các đơn vị cấp nước đang thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cấp nước lại thực hiện khác. Thông thường, khách hàng có chỉ số tiêu thụ nước tăng bất thường nhưng kết quả kiểm định đồng hồ đạt chất lượng (áp theo quy định của UBND TP) thường được cán bộ giải quyết khiếu nại của các đơn vị cấp nước gợi ý khách hàng làm đơn xin giảm tiền nước. Để được giảm tiền nước thì trong đơn khách hàng phải thừa nhận đường ống cấp nước nhà mình bị rò rỉ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận