46 giáo viên tại ĐBSCL được hỗ trợ trong đợt này, Ảnh: THÀNH NHƠN
Ngày 18-11, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn và Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ trao vốn chương trình "Đồng hành cùng người thầy" giai đoạn 2018-2020 cho 46 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các giáo viên này đang công tác tại 6 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Tổng số vốn được trao đợt này là 920 triệu đồng (20 triệu đồng/giáo viên, không lãi suất), được trích từ nguồn đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ, giúp các giáo viên đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ… và sẽ hoàn vốn sau 2 năm.
Tại lễ trao vốn, ban tổ chức cũng trao 10 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cùng quà tặng dành cho con giáo viên tham gia chương trình "Đồng hành cùng người thầy" đợt này với tổng trị giá 20 triệu đồng (2 triệu đồng/suất).
Đại diện Tỉnh đoàn Đồng Tháp trao 10 phần quà cho con em của các giáo viên - Ảnh: THÀNH NHƠN
Ông Hoàng Trí Dũng - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Tây Nam Bộ - chúc các thầy cô giáo ngày 20-11 sắp tới nhiều sức khỏe và niềm vui trong nghề nghiệp đồng thời mong phần hỗ trợ "Đồng hành cùng người thầy" từ kinh phí đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ sẽ giúp các thầy cô cải thiện cuộc sống bên cạnh đồng lương từ nghề giáo.
Ông Trần Thanh Liêm, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cảm ơn chương trình - Ảnh: THÀNH NHƠN
Ông Trần Thanh Liêm, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết rất xúc động với hoàn cảnh các thầy cô trong đoạn phim được trình chiếu tại chương trình. "Thay mặt đội ngũ quản lý ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp, tôi xin cảm ơn đến ban tổ chức đã thực hiện một chương trình xúc động với nhiều ý nghĩa" ông Liêm nói.
Giao lưu với thầy Trà Ngọc Minh và cô Phan Thị Kim Tươi, Ảnh: THÀNH NHƠN
Tại buổi giao lưu, nhiều người tham gia chương trình đã rất xúc động với câu chuyện của thầy Trà Ngọc Minh (giáo viên trường THPT Trần Quốc Toản, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và cô Phan Thị Kim Tươi (trường tiểu học Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Thầy Minh có hoàn cảnh khó khăn khi cha là cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, mẹ bị ung thư và em gái bị bệnh tâm thần tuy nhiên thầy vẫn tỏ ra lạc quan vào cuộc sống. "Nghề giáo là nghề cao quý, tui đã muốn làm giáo viên từ nhỏ. Tuy đồng lương ít ỏi, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống mình còn hơn rất nhiều người. Nghịch cảnh nhưng tui luôn lạc quan, tin vào một ngày mai tươi sáng hơn" thầy Minh chia sẻ
Thầy Minh dự định sẽ dùng đồng vốn từ chương trình để trồng rau sạch, nuôi gà để cải thiện sinh kế đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thực phẩm hàng ngày.
Cô Phan Thị Kim Tươi là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ. Ngoài đồng lương giáo viên cô còn lãnh vật liệu về làm giỏ xách thủ công mỹ nghệ. "Với đồng vốn từ chương trình, tôi dự định sẽ dùng mở rộng cơ sở, mua thêm vật liệu để có thể đan được nhiều sản phẩm hơn" - cô Tươi chia sẻ.
Được biết, trong tháng 6-2018, chương trình đã trợ vốn cho 24 giáo viên khó khăn tại 5 tỉnh miền Trung, bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam Quảng Trị và Quảng Bình với tổng số vốn được trao là 480 triệu đồng (20 triệu đồng/giáo viên). Năm 2017, chương trình cũng đã trợ vốn 315 triệu đồng không lãi suất làm kinh tế phụ gia đình trong 2 năm cho 16 giáo viên đang công tác tại các tỉnh Đông Nam Bộ.
"Đồng hành cùng người thầy" là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của Báo Tuổi Trẻ dành cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình, qua đó giúp người thầy yên tâm đứng lớp.
Đối tượng nhận hỗ trợ của chương trình là các giáo viên có gia cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và hết lòng với nghề giáo hoặc dành trọn tâm sức cho các lớp học dân lập dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có phương án làm kinh tế gia đình khả thi và được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh giới thiệu.
Các thầy cô được hỗ trợ vốn lần này - Ảnh: THÀNH NHƠN
Trao hỗ trợ cho giáo viên sáng 18-11 - Ảnh: THÀNH NHƠN
Một giáo viên xúc động với câu chuyện mưu sinh của đồng nghiệp, Ảnh; THÀNH NHƠN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận