16/06/2020 10:48 GMT+7

Đóng góp lớn từ âm nhạc của người Mỹ gốc Phi

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Trong khi sự phân biệt chủng tộc còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi thì có một điều không thể chối cãi: âm nhạc của Mỹ đã tiếp nhận ảnh hưởng lớn từ nhạc của người gốc Phi.

Đóng góp lớn từ âm nhạc của người Mỹ gốc Phi - Ảnh 1.

Vợ chồng nữ ca sĩ Beyonce và rapper Jay-Z là cặp đôi quyền lực nhất nhì làng giải trí thế giới. Họ cũng là nguồn cảm hứng lớn trong cuộc sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi - Ảnh: Celebrity Insider

Không ngẫu nhiên mà những danh hiệu được khán giả và truyền thông tôn vinh như Nữ hoàng nhạc soul, Đệ nhất phu nhân của nhạc blues, Nữ hoàng nhạc jazz, hay Ông hoàng nhạc pop đều dành cho những người Mỹ gốc Phi: Arethe Franklin, Bessie Smith, Ella Fitzgerald, Michael Jackson.

Nhạc sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

The show must be paused (tạm dịch: Màn trình diễn phải tạm hoãn) là một phong trào thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như Beyonce, Lady Gaga, Billie Eilish hay Rihanna. Mục đích của phong trào là tạm dừng hoạt động trong công nghiệp âm nhạc để phản đối về vấn đề bạo lực cảnh sát đối với cộng đồng người da màu, hay còn gọi là người Mỹ gốc Phi.

"Gieo hạt" cho nhạc jazz

Người châu Phi bắt đầu bị bắt đưa sang châu Mỹ làm nô lệ từ nhiều thế kỷ trước. Trang lịch sử ấy kéo dài hàng trăm năm, người da màu vừa lao động vừa cất tiếng hát cho nhau nghe về những nỗi buồn và ước mơ của họ.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tiến Mạnh - trưởng khoa jazz tại Học viện Âm nhạc quốc gia - cho biết nhạc jazz có lịch sử hình thành bắt đầu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 từ một loại hình âm nhạc được gieo hạt trên âm nhạc châu Phi và âm nhạc phương Tây, nhưng được nảy mầm và phát triển bởi văn hóa Mỹ. 

Hiện nay nhạc jazz nói chung, nghệ thuật jazz nói riêng không còn là loại nhạc của người da trắng, cũng không phải của người da màu, nó đã nhanh chóng trở thành một thể loại âm nhạc mang tính toàn cầu.

"Đặc điểm âm nhạc nổi bật của người Mỹ gốc Phi là tính sáng tạo. Năm nhân tố âm nhạc quan trọng gồm: cảm nhận về nhịp điệu, sự nhắc lại trong đối đáp gọi và trả lời, đảo phách, sự thống trị của bộ gõ và nhịp hỗn hợp. Những nhân tố này đều hiện hữu trong nhạc jazz cho đến tận ngày nay. 

Do đó, âm nhạc của người Mỹ gốc Phi có sự chi phối lớn tới sự hình thành và phát triển của nhạc jazz. Jazz bắt đầu lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới, sang cả quê hương của nó là châu Phi, rồi lại quay ngược về Mỹ" - TS Nguyễn Tiến Mạnh nhận định.

Thế kỷ 20 được coi là cột mốc quan trọng trong ngành lịch sử âm nhạc Mỹ. Trong đó, nhạc jazz và hip hop đã thúc đẩy sự phát triển âm nhạc trên toàn thế giới.

Nhạc sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - trưởng khoa âm nhạc tại Soul Academy, từng tốt nghiệp loại xuất sắc tại trường đại học về âm nhạc danh giá nhất nước Mỹ là Berklee - bày tỏ quan điểm: "Những yếu tố âm nhạc như blues notes xuất hiện trong rất nhiều bài hát ngày nay có nguồn gốc từ dòng nhạc blues. Hay có những dạng tiết tấu có nguồn gốc từ châu Phi, được truyền qua vùng châu Mỹ Latin và bây giờ được sử dụng phổ cập trong hầu hết các bài hát của âm nhạc đại chúng".

Góp phần định hình âm nhạc đại chúng

Ca sĩ - rapper Hà Lê cho rằng người Mỹ gốc Phi đã có đóng góp lớn trong việc tạo ra một thị trường âm nhạc và thời trang trị giá hàng tỉ đô, qua đó định hình xu hướng cho âm nhạc, thời trang, giải trí cho giới trẻ. 

"Jazz và hip hop đều bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Trong đó nhạc hip hop là từ những năm 1970 tại The Bronx, New York. Sự giải phóng nô lệ năm 1865 đã mang đến nhiều cơ hội cho những người Mỹ gốc Phi tự do, trong đó có biểu diễn âm nhạc. Đầu thế kỷ 19, nhạc jazz ra đời và nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới, trở thành nền tảng cho nhiều phong cách âm nhạc khác nhau phát triển, trong đó có hip hop" - anh nói.

Ngày nay, nhiều nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi đã và đang là hình mẫu của sự thành công trên thế giới như Louis Armstrong, Nat King Cole, Bille Holiday, Ray Charles, Nina Simone, Stevie Wonder, Diana Ross, Whitney Houston, Rihanna, Kayne West... Đặc biệt, phải kể đến hãng đĩa của người da màu Motown Records. Họ đã góp phần định hình âm nhạc đại chúng, đồng thời cho thấy giá trị của di sản văn hóa mà người Mỹ gốc Phi mang đến.

Ở Việt Nam, một số nghệ sĩ như Suboi cũng lên tiếng tôn vinh những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi đối với âm nhạc thế giới hiện đại. "Nhạc blues, jazz về sau được đưa vào những nơi đẹp đẽ sang trọng, vậy mà người nghệ sĩ da đen vẫn phải đi về cửa riêng ở phía sau", Suboi cảm thán.

In the Ghetto - Bài hát không bao giờ cũ của Elvis Presley In the Ghetto - Bài hát không bao giờ cũ của Elvis Presley

TTO - 51 năm trước, Elvis Presley - một thanh niên da trắng, đã chọn hát lên bài này (ca sĩ Việt Nam Tuấn Ngọc cũng hát rất hay bài này).

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên