27/06/2014 04:20 GMT+7

Đóng góp dài hơi cho biển đảo

THÙY TRANG - NGỌC TÀI
THÙY TRANG - NGỌC TÀI

TT - Ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm - luôn trăn trở với việc làm thế nào để huy động được nhiều người cùng góp sức vì biển đảo Tổ quốc.

Tm85TvKX.jpgPhóng to
Ông Võ Quốc Thắng giới thiệu catalogue mẫu gạch Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh: T.T.D.

Là người cho ra đời dòng gạch granite Hoàng Sa - Trường Sa, cam kết cùng người tiêu dùng đóng góp 20 tỉ đồng cho chương trình về biển đảo của báo Tuổi Trẻ, ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm - luôn trăn trở với việc làm thế nào để huy động được nhiều người cùng góp sức vì biển đảo Tổ quốc.

Lấy từ ví tiền ra mấy chiếc thẻ ngân hàng có in hình nền là biển xanh cùng dòng chữ Hoàng Sa Việt Nam, Trường Sa Việt Nam, sẵn sàng tháo giày và “tiết lộ” chuyện mình đã tự đi đặt in thêm vào mặt trong của giày chữ Trường Sa cho chiếc giày bên phải và chữ Hoàng Sa cho chiếc bên trái, ông Võ Quốc Thắng cười nói: “Riết rồi trên người tôi cái gì cũng có liên quan tới biển, đảo. Lúc nào Hoàng Sa, Trường Sa cũng không thể tách rời nhau, giống như những phần máu thịt thiêng liêng không thể cắt rời của Tổ quốc”.

Cựu chiến binh, người cao tuổi chung sức vì biển Đông

Ông Hà Ngọc Thường, phó trưởng ban liên lạc cựu chiến binh tiểu đoàn Tây Đô, đã đến văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Cần Thơ trao 50 triệu đồng ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.

Ông Thường chia sẻ trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tiểu đoàn Tây Đô mới đây, trong vòng hai tiếng đồng hồ, hơn 300 cựu chiến binh của tiểu đoàn Tây Đô anh hùng năm xưa đã quyên góp được số tiền trên để ủng hộ tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Tiền Giang, những người cao tuổi xã Nhị Quý, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng đã góp 1.075.000 đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Cầm danh sách quyên góp trên tay, cụ Lương Thị Nhụy (82 tuổi) run run đọc tên từng người một. Có tổng cộng 33 cụ ông, cụ bà đã chắt chiu từng đồng tiền lẻ để quyên góp cho chương trình. “Tụi tui bàn với nhau rồi, gửi cái này xong tụi tui góp tiền nữa. Tiền tuy ít nhưng là tấm lòng gửi đến các em, các cháu đang ở đầu sóng ngọn gió”, cụ Nhụy nói.

* Với các doanh nghiệp, chuyện bỏ một số tiền ra làm từ thiện có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc gom góp từng chút trích từ tiền bán từng sản phẩm trong nhiều năm. Vì sao ông chọn và kiên trì với cách làm này?

- Tính tới nay đã tròn 20 năm chúng tôi đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong các hoạt động xã hội. Hiện tại, chúng tôi đang làm với báo Tuổi Trẻ chương trình 1 triệu m2 gạch, mỗi mét vuông đóng góp cho biển đảo 20.000 đồng.

Chương trình này đã khởi động từ năm 2012 - ngay sau thời điểm tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chúng tôi xác định đây là một chương trình dài hơi.

Lúc đó, tôi treo băngrôn khắp các cửa hàng, xem đó không phải là tiền của mình mà là tiền của người tiêu dùng cùng mình góp sức. Một điều quan trọng hơn là hàng triệu mét vuông gạch sẽ đi đến biết bao nhiêu công trình, bao nhiêu trường học, bao nhiêu gia đình...

Mỗi viên gạch nhỏ lại truyền đi một thông điệp lớn: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Ngày ra mắt gạch Hoàng Sa - Trường Sa, báo Tuổi Trẻ đưa tin, giật tít “Hoàng Sa - Trường Sa ngay bước chân mình” - tôi đọc mà thấy trong lòng mình một cảm giác lâng lâng xúc động rất khó tả.

Ở Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (ông Thắng hiện là chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Kiên Long), mẫu thẻ ATM của ngân hàng chúng tôi cũng dùng hình nền về biển đảo, cũng có dòng chữ “Hoàng Sa Việt Nam”, “Trường Sa Việt Nam”.

Tôi nghĩ giả sử có một triệu người sử dụng thẻ, mỗi ngày, mỗi lần lấy thẻ ra sử dụng, chắc chắn họ lại được nhắc nhớ một lần: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Những chuyện tuy nhỏ như vậy nhưng thiêng liêng lắm chứ.

* Sau hai năm gạch Hoàng Sa - Trường Sa được thị trường tiếp nhận như thế nào? Liệu kế hoạch tiêu thụ 1 triệu m2 gạch và 20 tỉ đồng đóng góp cho biển đảo có hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra?

- Hiện tại, rất nhiều trường học, công viên, công trình nhà... sử dụng dòng gạch này. Thực tế khiến tôi cũng bất ngờ. Khi bắt đầu làm, tôi nghĩ chắc chỉ bán được chừng 100.000 m2 thôi. Nhưng đến nay tôi dám khẳng định sẽ đạt mục tiêu 1 triệu m2. Vì cho đến thời điểm hiện tại đã đạt doanh số khoảng 300.000 m2 rồi.

Hơn một tháng nay tôi càng bất ngờ hơn khi sản lượng gạch bán ra tăng, dù tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn và thị trường bất động sản cũng như ngành xây dựng vẫn còn trầm lắng. Có thể lý giải nguyên nhân là do ý thức của người tiêu dùng đã được nâng cao hơn.

Lúc đầu chỉ có hai mẫu gạch về Hoàng Sa - Trường Sa, hiện nay đã có bốn mẫu. Mẫu gạch Trường Sa họa tiết là những viên đá có gờ xếp xen kẽ, bề mặt nhám khi sờ vào có cảm giác như cát biển.

Còn mẫu gạch Hoàng Sa có thêm những họa tiết nổi là vỏ sò ốc, sao biển... - những sản vật quý hiếm mà khi xưa dân binh đã ra đảo mang về. Bề mặt mẫu gạch Hoàng Sa cũng nhám như cát biển và tất cả họa tiết đều có màu vàng ngà, đúng như tên gọi “bãi cát vàng” mà cha ông đã đặt cho Hoàng Sa.

Từ tiền bán gạch, chúng tôi đã chuyển cho Tuổi Trẻ trên 2 tỉ đồng để “Góp đá xây Trường Sa”. Từ giờ đến cuối năm, dự kiến Đồng Tâm sẽ chuyển được khoảng 2 tỉ đồng nữa. Kế hoạch đề ra của chương trình 1 triệu m2 gạch là thực hiện đến năm 2016, tuy nhiên tôi nghĩ đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành.

* Đang có rất nhiều hỗ trợ cho lực lượng giữ gìn biển đảo và ngư dân. Theo ông, chúng ta cần tập trung gì nữa trong việc hỗ trợ này?

- Nói đến đầu tư cho biển đảo thì còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước tình hình hiện nay, tôi nghĩ cần chăm lo cho con em của các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo cũng như tập trung chăm lo cho đời sống của các chiến sĩ biển đảo.

Tôi muốn nhắn gửi với anh em ngoài đảo: các anh hãy yên tâm công tác, vững tinh thần chiến đấu. Đóng góp được cái gì cho biển đảo, chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình.

Năm nay tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập công ty, chúng tôi làm đơn giản, gọn nhẹ và trong thiệp mừng cũng có lời nhắn với anh em bạn bè xa gần - nếu ai có định gửi hoa chúc mừng thì xin đừng mua hoa, hãy dành tiền đó góp cho biển đảo. Lúc này đất nước đang khó khăn, mỗi người chung tay một chút, từ những chuyện nhỏ nhất.

Mọi đóng góp, bạn đọc có thể thông qua:

sẽ chính thức bắt đầu từ 0g ngày 19-5 (18.000 đồng/tin nhắn).

*

* Tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc tại 14 Văn phòng đại diện, thường trú của báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

Mọi thông tin vui lòng liên hệ qua điện thoại: (08) 39973838 gặp Ban công tác xã hội hoặc qua mail: [email protected]

Hoặc thông qua tài khoản:

+ Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương Chi nhánh 3 TP.HCM

Số tài khoản: 102010000118248 (Việt Nam đồng).

Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ:

+ Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

+ Swift code: BFTVVNVX007

Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ Chương trình “Chung sức giữ vững chủ quyền biển Đông”.

THÙY TRANG - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên