15/06/2022 09:53 GMT+7

Dòng đối lưu Đại Tây Dương sắp sụp đổ, 'quả bom thời tiết' sẽ nổ khắp thế giới?

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Biến đổi khí hậu đang làm chậm các dòng đối lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc Đại Tây Dương và sẽ khiến hệ thống này sụp đổ hoàn toàn.

Dòng đối lưu Đại Tây Dương sắp sụp đổ, quả bom thời tiết sẽ nổ khắp thế giới? - Ảnh 1.

Dòng đối lưu Đại Tây Dương - Ảnh: AMERICAN OCEANS

Các mô hình khí hậu cho thấy dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) đang ở mức yếu nhất trong hơn 1.000 năm. Hệ thống "băng chuyền" này tập hợp các dòng chảy xuyên suốt Đại Tây Dương và được ví như mạch máu của biển cả.

Đây là vòng tuần hoàn bao gồm dòng chảy lớn của nước nhiệt đới ấm đến Bắc Đại Tây Dương giúp giữ cho khí hậu châu Âu ôn hòa, đồng thời cho phép các vùng nhiệt đới có cơ hội mất đi lượng nhiệt dư thừa.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, nếu dòng đối lưu Đại Tây Dương sụp đổ hoàn toàn - vốn ảnh hưởng đến thời tiết toàn thế giới - sẽ làm thay đổi cấu trúc các đại dương và chuyển khí hậu Trái đất sang trạng thái giống La Niña hơn.

Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều trận mưa, lũ lụt hơn ở miền Đông Úc và hạn hán cùng mùa cháy rừng tồi tệ hơn ở miền Tây Nam nước Mỹ. Những người dân ở bờ biển phía Đông Úc đã cảm nhận của sức mạnh của La Niña là như thế nào, với mức lũ lụt kỷ lục ở New South Wales và Queensland.

Trong khi đó, ở phía tây nam của Bắc Mỹ, một đợt hạn hán kỷ lục và cháy rừng nghiêm trọng đã gây căng thẳng lớn cho các dịch vụ khẩn cấp và nông nghiệp. Riêng vụ cháy năm 2021 ước tính đã tiêu tốn ít nhất 70 tỉ USD.

Nếu AMOC bị rối loạn, phía bắc châu Âu sẽ trở nên lạnh hơn, nhiệt độ ở một số khu vực có thể giảm đến 8⁰C. Ngược lại, nhiệt độ bán cầu Nam sẽ tăng lên, đặc biệt là xung quanh Nam Cực.

Khí hậu Trái đất động và luôn thay đổi. Tuy nhiên hiện tại phát thải khí nhà kính đang gây áp lực lên toàn bộ hệ thống khí hậu thế giới.

Trong vài thập kỷ qua, vòng tuần hoàn trên Đại Tây Dương được phát hiện đang chậm lại và điều này khiến các nhà khoa học lo lắng.

Tại sao có sự chậm lại trên? Một trong những nguyên nhân rõ ràng là tình trạng nóng lên toàn cầu, làm tan chảy của các chỏm băng ở hai cực ở Greenland và Nam Cực. 

Khi những tảng băng này tan chảy, chúng đổ một lượng lớn nước ngọt vào đại dương, làm cho các dòng hải lưu rối loạn. Tốc độ tan chảy này sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục không suy giảm.

Lượng nhiệt dư thừa của vùng nhiệt đới Đại Tây Dương sẽ đẩy nhiều không khí ẩm ấm lên tầng đối lưu trên (khoảng 10km vào bầu khí quyển), khiến không khí khô tràn xuống phía đông Thái Bình Dương.

Tình trạng trên đẩy vùng nhiệt đới Thái Bình Dương vào một trạng thái khí hậu giống như La Niña.

Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử Trái đất, hệ thống khí hậu trên Trái đất lại bị xáo trộn do những thay đổi về thành phần khí trong khí quyển giống như ngày nay.

Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện

TTO - Hệ thống hải lưu Đại Tây Dương suy yếu nhất trong hàng ngàn năm qua đang làm dấy lên những lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng. Viễn cảnh "đại dương tê liệt" đang ở ngay trước mắt.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên